Tiếp đón và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Lâm Đồng có ông Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành...
Tại buổi tiếp đón, ông Kees van Baar bày tỏ sự phấn khởi và cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu của lãnh đạo Tỉnh Lâm Đồng đối với đoàn. Theo ông Kees van Baar, hiện nay, quan hệ hợp tác giữa Hà Lan với Tỉnh Lâm Đồng còn nhiều dư địa để khai thác, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản, các giống hoa…
Cũng tại buổi làm việc, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh đã khái quát tình hình kinh tế, xã hội và con người Lâm Đồng. Với sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và các tầng lớp nhân dân, hiện nay Tỉnh Lâm Đồng đứng thứ 20 của cả nước, đời sống của nhân dân các dân tộc có nhiều thay đổi phát triển theo chiều hướng tích cực, chất lượng cuộc sống được cải thiện, nâng cao.
Tỉnh Lâm Đồng đang dẫn đầu cả nước về diện tích trà, đứng thứ 2 về diện tích cà phê; đồng thời, là thủ phủ dâu tằm với hơn 80% diện tích. Du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng 40% cơ cấu kinh tế…"
Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng cũng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Hà Lan, nổi bật là trong lĩnh nông nghiệp công nghệ cao trồng rau, hoa. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của tỉnh sang thị trường Hà Lan còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và dư địa của địa phương Lâm Đồng. Đồng thời lãnh đạo Tỉnh Lâm Đồng cũng bày tỏ mong muốn mối quan hệ hợp tác giữa hai bên có thêm nhiều bước phát triển mới trong thời gian tới.
Thay mặt lãnh đạo Tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Văn Hiệp đã gửi lời cảm ơn về những hỗ trợ của Ngài Đại sứ và Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại Việt Nam và bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ giữa 2 bên, vun đắp thêm những tình cảm tốt đẹp trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan 50 năm qua. Đồng thời, cam kết rằng Tỉnh Lâm Đồng sẽ hỗ trợ các địa phương để tất cả các sản phẩm nông nghiệp; trong đó, có cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu.
Vào sáng ngày 22/5, trong chuyến tham quan thực tế tại huyện Di Linh - nơi mà tổ chức IDH (có trụ sở chính ở Hà Lan) đã phối hợp đầu tư xây dựng các vùng cà phê cảnh quan bền vững. Tổ chức IDH nói riêng và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đang cùng với địa phương xây dựng bản đồ với hệ thống thông tin các vùng trồng cà phê ở Di Linh và Lạc Dương, phân vùng sản xuất cà phê theo nguy cơ mất vùng.
Theo quy định mới của Liên minh châu Âu, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Đồng thời, hỗ trợ địa phương thực hiện truy xuất nguồn gốc các vùng trồng cà phê, sinh kế đa dạng cho vùng có nguy cơ mất rừng cao, tiến đến sản xuất bền vững và phát thải thấp.
Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Di Linh đã giới thiệu khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Di Linh, đặc biệt là những tiềm năng về phát triển du lịch, nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Ông Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Di Linh “mong muốn thời gian tới Đại sứ quán Hà Lan cùng với tổ chức IDH và các công ty, doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ các khó khăn để toàn bộ diện tích cà phê Di Linh sẽ có được truy xuất nguồn gốc, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường châu Âu, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương cũng như nâng cao đời sống cho người dân”.