Mã hóa không gian siêu đô thị TP.HCM theo mô hình vòng tròn đồng tâm

Nguyễn Đình Hiển (*)|02/06/2025 09:52

Bài viết đề xuất mô hình phân vùng không gian cho TP.HCM mở rộng sau sáp nhập, dựa trên hệ tọa độ vòng tròn đồng tâm lấy Bưu điện Trung tâm TP.HCM làm tâm. Cách tiếp cận này nhằm tạo ra một hệ thống mã hóa vị trí đơn giản, dễ nhận biết, phục vụ hiệu quả cho hoạt động logistics và giao tiếp trong bối cảnh bỏ cấp quận/huyện.

Bối cảnh chính sách và yêu cầu đổi mới mô hình phân vùng

Việc sáp nhập hành chính ba địa phương trọng điểm kinh tế phía Nam là một trong những bước đi chiến lược nhằm hình thành một đại đô thị tầm cỡ khu vực. TP.HCM với vai trò trung tâm tài chính - công nghệ, Bình Dương là đầu tàu công nghiệp, và Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm dịch vụ cảng biển - du lịch. Đồng thời việc bỏ cấp quận, huyện để chính quyền trở nên linh hoạt và gần hơn với người dân. Tuy nhiên, việc này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình giao tiếp khi có liên quan đến xác định địa danh cấp xã, trong đó có hoạt động logistic. Lấy ví dụ một hội thoại: một tiếng nữa anh qua xã Bàu Bàng nhận hàng được không? Sẽ rất khó cho người kia hiểu ngay được xã đó ở khu nào, khoảng cách ra sao. Do đó, cần có một hệ mã hóa địa lý ngắn gọn, dễ hiểu, phản ánh tương đối chính xác vị trí xã/phường trong không gian siêu đô thị mở rộng. Mô hình vòng tròn đồng tâm được đề xuất để đáp ứng yêu cầu đó.

Nền tảng phân vùng vòng tròn đồng tâm

Khái niệm vùng đô thị theo vòng tròn đồng tâm không mới trong lý thuyết quy hoạch. Bài viết này kế thừa tinh thần đó, bằng cách lấy một điểm gốc được nhận biết nhiều - Bưu Điện Trung Tâm TP.HCM để làm tâm. Đồng thời xác định khoảng cách tương đối giữa các vòng tròn đồng tâm kết hợp với phương hướng để định vị.

Cụ thể, từ tâm điểm này, không gian xung quanh được chia thành các vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng có bán kính tăng thêm 3km so với vòng liền kề bên trong. Vòng tròn thứ nhất bao phủ khu vực có bán kính từ 0 đến 3km (gọi là Vùng 1), vòng thứ hai là khoảng không từ 3 đến 6km (Vùng 2), và cứ thế tiếp tục. Với khoảng cách này, mô hình có thể mở rộng tới hơn 25 vòng, bao phủ bán kính trên 75km hoặc nhiều hơn nữa nếu cần - đủ để bao trùm toàn bộ ba tỉnh thành kể trên. Điều này tạo nên một hệ tọa độ phân lớp và xác định tọa độ từ trong ra ngoài, thể hiện mức độ gần xa tương đối với trung tâm, để gắn kèm với địa danh. Nhưng vùng vòng tròn bao phủ qua tỉnh, thành phố khác sẽ không được xác định tọa độ.

minh-hoa.png
Mô hình vòng tròn đồng tâm

Phân hướng và cấu trúc mã hóa không gian

Để tăng cường khả năng định danh, mỗi vòng tròn được chia tiếp thành 8 cung hướng chính, tạo thành 8 “dải” kéo dài từ tâm ra ngoài. Các hướng này được định danh dựa trên 8 phân đoạn góc đều nhau, gồm: BB (hướng Bắc), ĐB (hướng Đông Bắc), ĐĐ (hướng Đông), ĐN (hướng Đông Nam), NN (hướng Nam), TN (hướng Tây Nam), TT (hướng Tây), TB (hướng Tây Bắc). Như vậy, tổ hợp của hai yếu tố “hướng” và “vùng” này tạo nên một mã vị trí cho từng đơn vị hành chính cấp xã, phường (ví dụ: ĐB03, TN07, TT12). Mỗi xã/phường sau sáp nhập sẽ được định vị và “gắn nhãn” theo hai thông số trên. Ví dụ, nói xã Bàu Bàng (BB19), chúng ta hình dung ra ngay xã này nằm ở hướng chính Bắc và cách Bưu Điện Trung Tâm Tp.HCM khoảng 57 Km đường chim bay.

Sơ đồ minh họa:

p1.png
Hệ thống mã hóa theo cả hướng và vùng (ví dụ đến Vùng 12), trong đó tiêu đề vùng thể hiện khoảng cách trung tâm

Sau khi Nhà nước chính thức xác định các xã, phường mới sau sáp nhập, chỉ cần gắn các xã, phường với một mã vị trí kèm theo. Ví dụ:

Tên xã
Gắn mã vị trí
Ý nghĩa
Xã Bàu Bàng
Bàu Bàng (BB19)
Cách trung tâm khoảng 57 Km về hướng Bắc
Phường Cát Lái
Cát Lái (ĐĐ03)
Cách trung tâm khoảng 9 Km về hướng Đông
Xã Hồ Tràm
Hồ Tràm (ĐN29)
Cách trung tâm khoảng 87 Km về hướng Đông Nam
Phường Nhiêu Lộc
Nhiêu Lộc (TB01)
Cách trung tâm khoảng 3 Km về hướng Tây Bắc
Phường Xóm Chiếu
Xóm Chiếu (NN01)
Cách trung tâm khoảng 3 Km về hướng Nam

Việc xác định khoảng cách giữa các vòng tròn cố định là 3 Km giúp cho người dân dễ tự nhận biết được khoảng cách từ xã đó đến Bưu Điện Trung Tâm Tp.HCM, từ đó giúp người dân định hình được vị trí của xã, phường đó trong tâm trí để thuận lợi cho các hoạt động của mình.

Kết luận

Trong bối cảnh sáp nhập, phạm vi địa giới Tp.HCM sẽ lớn hơn nhiều; thêm vào đó các cấp quận, huyện bị bỏ, dần bị lãng quên, việc tìm một cách thức mới để xác định vị trí nhằm giúp thuận lợi trong các hoạt động của người dân và doanh nghiệp, cần thiết phải có một phương thức mới. Phương pháp xác định và gắn mã vị trí này là một đề xuất dễ thực hiện và tương đối hiệu quả. Nếu được chính quyền triển khai, ứng dụng tạo thành thói quen cho người dân và doanh nghiệp, sẽ đem lại lợi ích đáng kể trong các hoạt động giao dịch kinh doanh cũng như giao lưu nhân dân.

---------------------------------------------

(*) Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

Bài liên quan
  • Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tối ưu hóa chuỗi cung ứng
    Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành công cụ chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng dự báo, tối ưu hóa vận hành và tăng cường khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng. Từ việc dự báo nhu cầu, quản lý tồn kho đến tối ưu hóa vận tải, AI đang định hình lại cách thức các doanh nghiệp quản lý chuỗi cung ứng trong thời đại số.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Mã hóa không gian siêu đô thị TP.HCM theo mô hình vòng tròn đồng tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO