Minh bạch hóa thị trường Logistics Việt Nam

04/03/2015 14:37

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Những ngày cuối năm, mặc dù tất bật với bộn bề công việc, ông Đỗ Xuân Quang – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vẫn dành cho chúng tôi một buổi trao đổi ngắn khi mà ngày Tết Nguyên đán 2015 đã cận kề.

(Vietnam Logistics Review) Những ngày cuối năm, mặc dù tất bật với bộn bề công việc, ông Đỗ Xuân Quang – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vẫn dành cho chúng tôi một buổi trao đổi ngắn khi mà ngày Tết Nguyên đán 2015 đã cận kề

Theo cam kết WTO, VN mở cửa hoàn toàn cho ngành dịch vụ logistics, ông nhận thấy ngành logistics VN có gì thay đổi trong năm vừa qua?

Theo đúng lộ trình cam kết WTO, VN mở cửa hoàn toàn cho ngành dịch vụ logistics từ ngày 11.01.2014, các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài sẽ được phép thành lập DN 100% vốn đầu tư nước ngoài để cung ứng các dịch vụ kho bãi và dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa. Bối cảnh này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho ngành logistics ở VN. Có thể nói, ngành logistics VN trong năm qua mặc dù còn ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế, nhưng logistics đã có nhiều sự phát triển, cùng với sự tăng trưởng của XNK VN. Cũng trong năm 2014, ngành logistics đã phát triển và tăng trưởng chất lượng hơn so với năm 2013. Theo xếp hạng của WB về chỉ số LPI, thì thứ hạng VN năm 2014 đã dịch chuyển đứng thứ 48 thế giới, so với vị trí thứ 53 năm 2012. Như vậy, hoạt động logistics đã có nhiều thuận lợi hơn.

Còn, vai trò quản lý Nhà nước đối với logistics có những chuyển biến như thế nào, thưa ông?

Tôi nhận thấy rằng, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của ngành logistics của các cơ quan Nhà nước liên quan và xã hội đã có chuyển biến tích cực. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN đã có nhiều cố gắng và biện pháp trong việc kết nối giữa các phương thức vận tải, đặc biệt là việc đẩy mạnh vận tải hàng hóa container Bắc - Nam, mở các tuyến vận tải ven biển miền Bắc với miền Trung… Đồng thời ban hành hoặc điều chỉnh bổ sung nhiều văn bản pháp luật liên quan quy hoạch phát triển vận tải, cảng biển, cảng cạn ICD… qua đó đã giảm tải cho đường bộ và tăng cường kết nối vận tải đa phương thức trên cả nước. Trong năm qua, công trình kết cấu hạ tầng GTVT quan trọng như đường cao tốc, cảng biển đã đi vào hoạt động, thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển, và nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa XNK của VN.

Trong năm qua, các Bộ, ngành đã có những can thiệp kịp thời để tháo gỡ những khó khăn cho DN?

Năm 2014, thật sự là ngành logistics đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, nhất là đối với những khó khăn của DN. Liên quan đến những khó khăn này, Bộ GTVT và Bộ Công Thương đã tiến hành gặp gỡ DN cung cấp dịch vụ logistics VN và đại diện các hiệp hội ngành nghề liên quan để giúp tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời trao đổi, nắm bắt các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách.

Các Bộ cũng đã hỗ trợ tích cực trong giải quyết ùn tắc tại cảng biển, thu phụ phí bất hợp lý của các hãng tàu nước ngoài, ngành Hải quan và Thuế đã có những cải tiến về thủ tục và giảm thời gian thông quan, đặc biệt là áp dụng công nghệ điện tử VNACCS/VICIS đã góp phần nâng cao hiệu quả cho hoạt động logistics và XNK.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập một Ủy ban Logistics Quốc gia là không cần thiết? Hiện đang có một Bộ, ngành cũng có thể làm tốt vai trò này? Ông nghĩ gì về điều này?

Ở VN, mỗi bộ ngành đều có quá nhiều việc để giải quyết. Ủy ban Logistics Quốc gia có vai trò “nhạc trưởng”, là đầu mối thực thi các chương trình, mục tiêu chung của ngành, tham gia tư vấn quy hoạch và chiến lược tổng thể phát triển logistics của VN đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Đây là việc làm đúng đắn, trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Và thật sự là VN chưa có một cơ quan chuyên trách để quản lý hoạt động này. Nhìn vào thực tế của ngành logistics hiện nay, và khó khăn của các DN, thì rõ ràng, ngành logistics VN thiếu một cơ quan như vậy.

Vậy, ông có kiến nghị gì về việc thành lập Ủy ban này?

Tôi đề nghị Bộ Công Thương sớm chủ trì việc thành lập Ủy ban điều phối logistics quốc gia và xây dựng Chiến lược phát triển hoặc Chương trình hành động quốc gia về logistics. Chúng tôi - Hiệp hội VLA sẽ tích cực tham gia, đóng góp ý kiến với Bộ Công Thương về việc này.

“Minh bạch hóa” thị trường logistics VN đang là điều kiện cần và đủ để logistics VN phát triển bền vững, ông có những kiến nghị gì đối với các Chính phủ, các Bộ, ngành về vấn đề này?

Nói đến minh bạch, có nghĩa là liên quan đến chính sách và pháp lý. Chính phủ cần nghiên cứu sớm sửa đổi Luật Thương mại 2005 và Nghị định 140/2007/NĐ-CP ngày 5.9.2007 về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics để phù hợp hơn với tình hình phát triển của ngành logistics hiện nay. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng nên có văn bản giải thích rõ ràng tính minh bạch các cam kết của VN trong WTO liên quan đến dịch vụ logistics, và công bố những số liệu cụ thể về đầu tư,… Chính phủ cần tận dụng các chương trình và cam kết của Chính phủ về việc quyết tâm đơn giản, minh bạch và trong sạch các thủ tục, tạo điều kiện cho hoạt động logistics của DN VN và nước ngoài kinh doanh tại VN, tạo thuận lợi cho thương mại sản xuất phát triển.

Ông có những nhắn nhủ gì đối với DNVN nói chung, và DN logistics nói riêng?

Sắp tới đây, khi mà VN gia nhập các hiệp định tự do thương mại, rõ ràng sẽ có nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với DN. Ngoài việc các DN logistics – XNK cần chủ động cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tăng cường kết nối hơn nữa mối quan hệ giữa DN XNK – và DN cung ứng dịch vụ
logistics. Thì tôi vẫn hy vọng rằng, Bộ Công Thương, Bộ GTVT sẽ hỗ trợ DN dịch vụ logistics trong việc đào tạo chuyên môn và nghiên cứu phát triển, và tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh của DN một
cách kịp thời.

Năm 2015 được đánh giá sẽ có những chuyển biến tích cực đối với nền kinh tế VN, và gần nhất là sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), cùng với các hiệp định thương mại tự do mà VN sẽ tham gia?

Trước hết đó là những cơ hội để phát triển logistics của VN là tiếp cận được thị trường logistics rộng lớn hơn với những ưu đãi thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; phát huy lợi thế địa lý - chính trị trong phát triển cơ sở hạ tầng logistics như phát triển cảng nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống đường sắt xuyên Á, các trung tâm logistics. Hội nhập logistics cũng tạo cơ hội cho VN phát triển quan hệ đối tác, thị trường xuất khẩu được mở rộng, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng... Và là nền tảng cho nước ta thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm 2015, và thời gian tới.

Theo ông, trọng tâm của sự phát triển ngành logistics VN 2015 là gì?

Theo tôi đó là phát triển vận tải đa phương thức. Nếu đẩy mạnh việc kết nối đa phương thức trong hoạt động của mình sẽ thúc đẩy quá trình kết nối, hợp lý hóa các phương thức vận tải, giảm chi phí logistics, tiến tới giảm giá thành sản xuất, góp phần tăng tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng hàng hóa VN. Đây cũng là vấn đề mà Bộ GTVT đang tập trung giải quyết trong thời gian sắp tới.

Xin cảm ơn ông. Chúc ông một năm mới sức khỏe, và hạnh phúc!


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch hóa thị trường Logistics Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO