"Mở biển" và văn hóa cầu ngư của ngư dân

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp) |24/01/2023 21:21

Lễ hội Cầu Ngư đã xuất hiện từ xưa cùng với phong tục thờ cúng tín ngưỡng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt xưa, đặc biệt là những ngư dân sống nương nhờ nguồn cá tôm dồi dào của biển khơi mênh mông.

le-mo-bien-1-2701-1674550411.jpg
Ngư dân lái thuyền ra biển cách bờ vài trăm mét, thắp hương khấn vái trời đất. Ảnh: Hương Thành

Chiều mùng 2 Tết Quý Mão, nhiều ngư dân thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, cùng gia đình tất bật chuẩn bị cỗ xôi gà, bánh chưng, hương vàng, gạo, muối, trầu cau, những hải sản đánh bắt từ biển như tôm, cá, ghẹ, mực... để đưa ra bờ biển thực hiện lễ mở biển, hay còn gọi là lễ cúng thuyền, cúng bến, sau đó xuất hành lấy may đầu năm.

"Mở biển" là nghi lễ truyền thống, được người dân xã Cẩm Nhượng và một số vùng lân cận duy trì hàng trăm năm qua. Theo quan niệm, thần canh bến thường bảo vệ an toàn cho tàu thuyền khi neo đậu, vì vậy đây là dịp để ngư dân thể hiện lòng thành kính, cảm ơn thần linh đã che chở cho ngư cụ của mình. Họ cùng cầu mong năm mới ra khơi được thuận lợi, sóng yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang.

Những ngư dân lần lượt bưng cỗ xôi gà, đồ vàng mã đưa lên chiếc thuyền 115CV, tiếp đó nổ máy lái ra xa cách bờ vài trăm mét để thực hiện các nghi thức. Sắp xếp lễ vật đựng trong đĩa lên mảnh chiếu nhỏ, họ châm lửa đốt ba nén nhang rồi khấn vái bốn phía. Tiếp đó mọi người rải muối, gạo, hương vàng xuống nước và khắp sàn thuyền, với hàm ý để thần thuyền, thần bến hưởng lộc.

Được xem là người "may cá" nhất ở xã Cẩm Nhượng, khi nhiều lần trúng 2-2,5 tấn cá vàng dương trong năm 2020-2021, thu hàng tỷ đồng, ngư dân tên là Tiến cho hay hàng chục năm qua không bỏ sót bất cứ một buổi lễ mở biển nào. Gia đình một lòng thành tâm hướng về biển thì may mắn sẽ đến. Những lần trúng đậm cá, ông luôn nói với vợ con rằng "chắc được thần biển hỗ trợ".

"Khi làm lễ tâm cần tĩnh lặng, không để mọi suy nghĩ lấn át, ngoài cầu nguyện cho mình, tôi mong anh em bạn tàu đều có sức khỏe, bình an trên mọi chuyến đi. Lúc bắt được nhiều cá vàng dương, tôi đều chia cho làng xóm một ít, với tâm niệm gửi một ít lộc để có lần họ sẽ đạt kết quả như mình", ông nói.

Lễ diễn ra trong khoảng nửa tiếng. Sau khi kết thúc, ngư dân sẽ chọn giờ đẹp để xuất hành lấy may, chuẩn bị cho mùa đánh bắt mới. Hơn 17h chiều 2 Tết, hàng chục chiếc thuyền công suất hơn 100CV treo cờ Tổ quốc đang đậu trên biển Cẩm Nhượng đồng loạt nổ máy, nối đuôi nhau chạy ra cửa biển, thả lưới xuống nước. Ngư dân khi khởi hành thường chọn khung giờ "đi hơn về kém", họ kiêng mùng 1. Năm nay mùng 2, mùng 4 Tết là ngày tốt, nên nhiều chủ tàu đã chọn để làm lễ mở biển.

Cũng có một số gia đình không ngại thời tiết, chọn thời điểm làm lễ mở biển là ngày ra khơi chính thức. Họ lái thuyền đi ra vùng biển cách bến khoảng 2-4 hải lý, đánh bắt các loài hải sản như cá, tôm, ghẹ gần bờ, sau đó trở về trong buổi.

Lãnh đạo xã Cẩm Nhượng cho biết, cúng mở biển là một lễ quan trọng của ngư dân trên địa bàn, bên cạnh lễ hội cầu ngư tổ chức vào tháng 5 hàng năm. Nét đẹp tín ngưỡng này được chính quyền ủng hộ duy trì, hướng tới nâng tầm quy mô.

Tại Quảng Ngãi, sáng mùng 3 Tết, hàng trăm người đổ về cửa biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) dự lễ xuất hành đánh bắt thủy sản đầu năm.

Sau nghi thức lễ viếng trang trọng vị thần Nam Hải, diễn xướng hò bả trạo nghinh cá Ông, Ban tổ chức phát hiệu lệnh cho hàng trăm chiếc tàu vượt sóng ra khơi đánh bắt hải sản trước sự reo hò của hàng nghìn người dân địa phương.

Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết, xã có hơn 870 tàu, trong đó 470 tàu có công suất từ 90 CV đánh bắt xa bờ. Ngư dân Sa Huỳnh đã thành lập được hàng chục đội tàu tự quản tương trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt xa bờ.

Tại Thừa Thiên Huế, Lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ diễn ra trong hai ngày 10-11 tháng Giêng. Đây là lễ hội lớn của ngư dân địa phương, ba năm mới được tổ chức một lần vào dịp đầu xuân với ý nghĩa cầu cho một năm mới ra khơi đánh bắt được cá, tôm.

5-1486425023.jpg
Một ngày trước khi nghi lễ cầu ngư diễn ra, người dân tổ chức lễ rước thành hoàng làng.

Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa (trước kia là lễ tế Ông Nam Hải) là một trong những lễ hội lớn, lâu đời của người vùng biển. Du lịch Nha Trang vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, du khách nhớ đừng bỏ qua cơ hội được hòa mình vào không khí lễ hội trang trọng nhưng không kém phần vui tươi, đầy màu sắc bên bờ biển Khánh Hòa thơ mộng.

Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải. Ông Nam Hải là cách gọi trang nghiêm của người dân vùng biển miền Nam Trung Bộ dành cho cá voi – loài cá tượng trưng cho điềm lành với thân hình to lớn, thường cứu giúp ngư dân khi gặp nạn trên biển. Người dân xem cá voi là một trong những vị thần biển linh thiêng. Khi cá chết trôi dạt vào bờ, dân làng chài thường làm tang lễ long trọng và thờ ở Lăng Ông.

Cũng như các vùng quê ven biển, lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa là ngày hội lớn của người dân làng biển, thể hiện niềm tin của con người vào những giá trị tốt đẹp, ý chí vượt gian lao, không ngại khó để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Đồng thời, nó còn thể hiện lòng biết ơn, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, tạo nên sự gắn kết cộng đồng của cư dân vùng biển từ bao đời.

Bài liên quan
  • Chuỗi giá trị thay đổi tư duy làm nông nghiệp
    Chuẩn hóa quy trình canh tác phải bắt đầu từ người nông dân. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, tiền trong túi là tiền hữu hạn, còn tiền trong đầu mới là vô hạn. Đây là quá trình chúng ta giúp người nông dân hiểu biết hơn, nâng tầm lên.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
"Mở biển" và văn hóa cầu ngư của ngư dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO