Các nhà mạng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, công nghệ cũng như mạng lưới triển khai dịch vụ
Ngày 09/3/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) ký và ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.
Đối tượng thực hiện thí điểm là doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện; hoặc là công ty con được công ty mẹ có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông. Cụ thể, hiện có 3 nhà mạng đủ điều kiện xin phép tham gia thí điểm là Viettel, VNPT và Mobifone. Trong đó, Mobifone vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán vào ngày 09/3.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội kinh doanh di động toàn cầu (GSMA), năm 2019, trên toàn thế giới Mobile Money đã tạo dựng một cột mốc quan trọng, đó là số tài khoản đăng ký sử dụng Mobile Money lần đầu vượt 1 tỷ, tăng 134 triệu tài khoản so với cuối năm 2018. Mức giao dịch Mobile Money hàng ngày đạt gần 2 tỷ USD, tăng gần 54% so với mức 1,3 tỷ USD của năm 2018.
Hiện nay, Mobile Money hoạt động tại 95 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, được sử dụng chủ yếu ở phần lớn tại các quốc gia đang phát triển và kém phát triển ở khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Mobile Money là một giải pháp thay thế phổ biến cho tài khoản ngân hàng và tiền mặt, dần trở thành xu thế chủ đạo và phương tiện tài chính tiện lợi.
Mobile Money là gì?
Mobile Money (còn được gọi là tiền di động) là một hình thức thanh toán trực tuyến trên điện thoại giúp cho khách hàng mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mà không cần sử dụng đến tiền mặt. Thay vì thanh toán bằng tiền mặt, séc hoặc thẻ tín dụng, người tiêu dùng có thể sử dụng tài khoản của điện thoại di động để thanh toán cho rất nhiều dịch vụ hàng ngày.
Bảng so sánh Mobile Money và ví điện tử
Bản chất của Mobile Money là hình thức chuyển đổi tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Nghĩa là Mobile Money như thẻ ATM, bạn nộp vào 1 đồng thì tiền điện tử của bạn cũng là 1 đồng.
Theo Quyết định 316, mỗi khách hàng chỉ được mở một tài khoản Mobile Money tại một nhà mạng. Để sử dụng dịch vụ này, khách hàng phải có SIM chính chủ, SIM này hoạt động liên tục tối thiểu 3 tháng và được nhà mạng định danh, xác thực theo quy định về đăng ký thuê bao di động.
Mobile Money phù hợp với ai?
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hiện Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, nhóm 30% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng lại là những khách hàng khó tiếp cận nhất với ngân hàng và tổ chức tài chính. Cụ thể là nhóm đối tượng tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Mobile Money nhắm vào thị trường phân khúc nhỏ lẻ mà các ngân hàng chưa phủ sóng đến được. Như vậy, Mobile Money mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh với các ngân hàng.
Cú hích cho chuyển đổi số quốc gia
Theo Tổng cục Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2019, Việt Nam có 125 triệu thuê bao đi động, trong đó số điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao. Mạng điện thoại di động đã được phủ kín tới hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Các chuyên gia cho rằng việc cấp phép triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm sẽ tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục, dịch vụ công, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Có thể nói, việc Mobile Money xuất hiện góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; mở rộng thêm kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động; mang lại tiện ích cho người sử dụng; tiết giảm chi phí…
Mobile Money tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần cùng hệ thống ngân hàng và các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác cung ứng đầy đủ các phương tiện thanh toán cho người dân. Đây cũng là một trong các mục tiêu trọng tâm của Chính phủ tại Chiến lược phát triển tài chính toàn diện đã được ban hành tháng 01/2020.