Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics Việt Nam
Hiện trạng ngành logistics Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 4.000 DN cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa, với khoảng 97% là các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ (SME), trong đó có 500 DN là Hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA). Điểm yếu nổi bật là chi phí logistics còn ở mức cao so với các nước phát triển; chất lượng cung cấp dịch vụ còn hạn chế mà một trong những nguyên nhân là do quy mô DN chưa đủ mạnh để cung cấp các dịch vụ logistics có giá trị gia tăng cao. So với các DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (3PL, 4PL), DN Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tài chính và quản trị, khả năng thấu hiểu chuỗi cung ứng của khách hàng, trình độ, mạng lưới đối tác uy tín tại nước ngoài, ứng dụng công nghệ thông tin và chất lượng nguồn nhân lực cao.
Theo khảo sát của Hiệp hội VLA năm 2019, trong 417 Hội viên có 80% là DN SME, với 90% vốn sở hữu DN Việt Nam, 10% là DN vốn nước ngoài. Các DN cung cấp từ 1 đến 17 loại hình dịch vụ logistics. Loại hình cung cấp nhiều nhất là khai báo hải quan 88%, giao nhận 81%, vân tải nội địa 79%, kho bãi 54%, vận tải quốc tế 64%… Trong đó, loại hình ứng dụng công nghệ thông tin cao là khai báo hải quan 79% và quản lý giao nhận 42%.
Về thị trường quốc tế, xuất khẩu: 76% với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc 75%, EU 52%, Mỹ 51%; Nhập khẩu: 82% với Trung Quốc, 74% Đông Nam Á, 58% và Mỹ 52%. Đa số DN cung cấp dịch vụ 3PL dưới các hình thức khác nhau, còn dịch vụ 4PL thì hầu như chưa có. Trong số các Hội viên của Hiệp hội, có những DN cung cấp dịch vụ logistics có uy tín, đủ sức cạnh tranh với các DN dịch vụ logistics xuyên quốc gia như: Gemadept, Saigon New Port, Transimex, Sotrans…
Yêu cầu đặt ra
Từ tình hình thực tế trên đây, Hiệp hội VLA cần có những bước đi và biện pháp rốt ráo để đẩy mạnh việc xây DN cung ứng dựng dịch vụ logistics 3PL và 4PL, nhằm nâng cao số lượng DN cung cấp dịch vụ logistics trọn gói, ứng dụng công nghệ hiện đại để đạt chất lượng dịch vụ cao hơn, hình thành những tập đoàn mạnh về logistics, tiến tới đầu tư ra nước ngoài về dịch vụ logistics.
Dịch vụ logistics là xương sống trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Mô hình dưới đây cho thấy vai trò của dịch vụ 3PL và 4 PL mà các DN mạnh cung cấp.
Dịch vụ 2PL liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa từ một khu vực vận chuyển cụ thể của chuỗi cung ứng như đường sắt, đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không. Người cung cấp dịch vụ là những người vận chuyển dựa trên tài sản và bao gồm như vận tải bằng tàu thuê riêng và các hãng hàng không mà họ ký hợp đồng. Có thể nói chủ yếu là dịch vụ vận chuyển hàng hóa thông thường.
Còn dịch vụ 3PL, là việc thuê ngoài các hoạt động logistics của một công ty. Nhà cung cấp dịch cụ logistics bên thứ 3 là một công ty cung cấp các dịch vụ logistics mang dáng dấp của một tổng thầu với những đặc tính mạnh về quản lý thầu phụ, nhiều công đoạn dịch vụ vận tải và dịch vụ logistics cũng như có thể cung cấp nhiều giải pháp cho khách hàng. Những công ty này sẽ hỗ trợ thúc đẩy dòng chảy thiết bị và nguyên liệu từ nhà cung ứng đến nhà sản xuất, và sản phẩm cuối cùng từ nhà sản xuất đến nhà phân phối và nhà bán lẻ. Các dịch vụ mang tính chiến thuật này thường cơ bản gồm vận tải, dịch vụ kho bãi, gom hàng nhanh, quản lí tồn kho, đóng gói hay giao nhận vận tải.
Dịch vụ 4PL thì khác hẳn so với dịch vụ logistics bên thứ 3, về cơ bản đây chính là nhà kiến trúc chuỗi cung ứng hiệu quả cho khách hàng hoặc một ngành hàng, chính là một hoạt động hợp tác chiến lược với khách hàng chứ không phải là các hoạt động mang tính chiến thuật trong toàn chuỗi cung ứng. 4PL khác với 3PL vì những lý do sau: Các công ty cung cấp dịch vụ 4PL thường là một thực thể riêng biệt được thành lập như là một liên doanh hay trên cơ sở những hợp đồng dài hạn giữa khách hàng chính và một hoặc một số đối tác khác.
Các 3PL, 4PL tên tuổi có mặt khá lâu tại Việt Nam như: Damco, APL Logistics, OOCL Logistics (phát triển đi lên từ hãng tàu), Schenker, DKSH, Nippon Express, Kuehne&Nagel, Samsung SDS,... (phát triển từ các công ty giao nhận). Các đơn vị này là các đối tác chiến lược về logistics với các chủ hàng lớn toàn cầu như Nike, Adidas, Samsung… Thời gian gần đây họ đã tăng cường đầu tư mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các DN trong nước cũng có các chuyển động với những mô hình chiến lược 3PL đặc thù: Vinafco, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Đầu tư Bắc Kỳ, Transimex Saigon, ITL, Gemadept...
Hiệp hội VLA cần có những bước đi và biện pháp rốt ráo để đẩy mạnh việc xây doanh nghiệp cung ứng dựng dịch vụ logistics 3PL và 4PL
Để trở thành một 4PL, doanh nghiệp phải xây dựng hướng đi dài hạn và cụ thể
4PL là nhà tư vấn và vận hành logistics chuỗi chuyên nghiệp, cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 4 quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng và đóng vai trò là đầu mới liên hệ duy nhất với khách hàng và các nhà cung cấp dịch vụ logistics 3PL, có nhiều việc phải làm, trong đó để làm được điều này thì vai trò của công nghệ và am hiểu sâu sắc chuỗi cung ứng của khách hàng hoặc một ngành hàng cụ thể là quan trọng nhất bên cạnh “hệ sinh thái”. Đây là các điều kiện tiên quyết. Nó bao gồm tất cả các chức năng cần thiết cho hoạt động của DN, từ quản lý quan hệ khách hàng, quy trình có tính cá nhân hóa, tài chính, nhân sự, đến việc thực hiện các tính năng trực tuyến, e-business, cho tất cả các hoạt động logistics trong chuỗi như giao nhận, vận tải, khai báo quan, quản lý kho, vận tải xuyên biên giới, các hệ thống tuân thủ toàn cầu, truy xuất trạng thái ở mọi thời điểm.
Làm chủ công nghệ tiên tiến nhất của dịch vụ logistics mà các công ty đa quốc gia, các công ty logistics hàng đầu đang sử dụng, ví dụ như giải pháp công nghệ Cargowise - nền tảng tiên tiến nhất cho hoạt động logistics. Đó là một nền tảng thực thi dịch vụ logistics trên nền tảng điện toán đám mây. Vấn đề là lựa chọn đúng công nghệ, có tầm nhìn dài hạn và coi công nghệ là đầu tư chứ không phải thuần túy là chi phí mà ban đầu lớn phải bỏ ra.
Bên cạnh giải quyết được vấn đề công nghệ, chuyển đổi số còn lại là vấn đề nguồn nhân lực logistics có chất lượng cao và tầm nhìn, năng lực của người lãnh đạo DN. Họ cần có thái độ, khát vọng rằng “muốn làm và làm được”. Nguồn nhân lực chất lượng cao, hiểu biết đầy đủ về công nghệ số sẽ giúp các DN dịch vụ logistics hiểu sâu sắc chuỗi cung ứng của khách hàng nhằm thiết kế cho khách hàng một chuỗi cung ứng mới hiệu quả hơn. Nắm bắt công nghệ, đi theo con đường chuyển đổi số sẽ giúp quản lý thông tin trong chuỗi cung ứng một cách hiệu quả. Điều này trước đây là rất khó, nhưng ngày nay, với việc phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 có công nghệ điện toán đám mây, các mô hình cung cấp dịch vụ SaaS (phần mềm như một dịch vụ), PaaS (nền tảng như một dịch vụ), các mô hình trả phí theo mức sử dụng thì việc tiếp cận các giải pháp hàng đầu đã trở nên dễ dàng hơn. Giải pháp này đáp ứng nhu cầu của các DN nhỏ nhưng cũng đáp ứng nhu cầu của DN toàn cầu với hàng chục nghìn nhân viên. Tính kết nối toàn cầu đóng vai trò hết sức quan trọng. Như trên đã nêu, khoảng 97% DN trong ngành dịch vụ logistics của Việt Nam là các DN nhỏ và vừa, trong đó nhiều DN siêu nhỏ, với đội ngũ nhân viên phổ biến là 10 - 20 nhân viên.
Tuy nhiên điều này cũng khá phổ biến trên thế giới, vì một trong những đặc thù của dịch vụ logistics là nghệ thuật kinh doanh có quan hệ khách hàng - đối tác, trên nền tảng quan hệ cá nhân, tham gia cung cấp dịch vụ với các thị trường truyền thống và nhất là mạnh dạn đầu tư vào thị trường mới, cung cấp dịch vụ cho thương mại điện tử xuyên biên giới, tự tin kết nối hệ thống của khách hàng với các hệ thống của đối tác logistics khu vực và toàn cầu, càng rộng càng nhiều càng tốt.
Vai trò của hiệp hội VLA
Hiệp hội giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao số lượng DN cung cấp dịch vụ logistics 3PL và 4PL, hình thành những tập đoàn mạnh về logistics, đứng vững trên thị trường trong nước đang có sự cạnh tranh gay gắt của các DN dịch vụ logistics xuyên quốc gia và mở rộng cung cấp dịch vụ ra thế giới. Trước hết là tập trung vào phát triển thêm những dịch vụ logistics có giá trị gia tăng cao, như vận tải quốc tế, vận tải đa phương thức, kinh doanh quản lý tồn kho với trình độ công nghệ và quản lý cao, năng lực giao hàng end to end quốc tế , năng lực quản lý chuỗi dịch vụ xuyên suốt… để phát triển thành các 3PL. Để trở thành 4PL, các DN dịch vụ logistics nên hướng đến các chủ hàng lớn của Việt Nam có nhu cầu và đặc biệt nên chú ý đến phân khúc dịch vụ logistics phân phối nội địa, dịch vụ hoàn tất đơn hàng phục vụ cho thương mại điện tử, phân khúc dịch vụ logistics phục vụ cho nông sản, thủy sản,... mà các DN chủ hàng Việt Nam có tính quyết định cao trong việc lựa chọn đối tác logistics cũng như đang có nhu cầu cắt giảm chi phí logistics theo giải pháp. Song song đó, VLA cần tích cực đề xuất với Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng khác tăng cường tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ và tạo cơ hội cho các DN dịch vụ logistics 3PL, 4PL Việt Nam.
Hiệp hội hỗ trợ các DN Hội viên về thị trường và ứng dụng công nghệ kết nối. Ví dụ như tham gia tích cực và hiệu quả Hộ chiếu Logistics Thế giới (WLP), các hoạt động của FIATA và AFFA có tính kết nối toàn cầu và khu vực, tiếp cận thông tin của FIATA, tận dụng hợp tác với các DN dịch vụ logistics thế giới thông qua các MOU mà VLA đã ký kết như với cảng biển Barlona, Peong Taek… Kết nối các Hội viên với các DN là chủ hàng trong và ngoài nước…
Những nhiệm vụ trên đây nằm trong chương trình hoạt động của VLA trong Nhiệm kỳ VIII (2021 - 2024), góp phần vào việc đưa ngành dịch vụ logistics có bước phát triển đột phá gia tăng đóng góp tỷ lệ GDP nước nhà, thực hiện mục tiêu hướng đến “Khát vọng 2045” đưa nước ta “Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.