Ngân hàng Thế giới đánh giá cao năng lực của Cảng Cái Mép - Thị Vải

Bảo Hân (tổng hợp) |28/04/2023 13:09

Việt Nam vừa được vinh danh đứng đầu ASEAN về hậu cần cảng biển. Trong đó cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) là một "điểm nhấn" được đánh giá cao.

cang-3447.png
Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu 75 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng biển mỗi năm

Việt Nam vừa được vinh danh đứng đầu ASEAN về hậu cần cảng biển. Trong một báo cáo gần đây, Việt Nam có thời gian quay vòng cảng thấp nhất trong ASEAN. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết vận chuyển container ở Campuchia và Việt Nam có thời gian quay vòng cảng thấp nhất trong ASEAN vào tháng 6 năm 2022 với thời gian trung bình của cả hai nước là 0,9 ngày.

Trong dữ liệu hậu cần toàn cầu được công bố tại Washington (Mỹ) mới đây, WB cho biết đây là một trong những chỉ số hiệu suất chính mới bổ sung cho Chỉ số hiệu suất hậu cần (LPI) của 139 nền kinh tế. Trong số các thành viên ASEAN khác, Thái Lan có thời gian quay vòng thấp thứ hai là 1,0 ngày, tiếp theo là Malaysia và Singapore (đều 1,2 ngày), Philippines (1,3 ngày), Indonesia (1,8 ngày) và Myanmar (2,0 ngày).

Trong một tuyên bố, tổ chức này cho biết số hóa đang cho phép các nền kinh tế mới nổi rút ngắn thời gian trễ cảng tới 70% so với các nước phát triển. Christina Wiederer, nhà kinh tế cấp cao của WB, đồng tác giả báo cáo, cho biết: “Sự chậm trễ lớn nhất xảy ra tại cảng biển, sân bay và các cơ sở đa phương thức”. So với các nước ASEAN cùng ngành, Campuchia và Lào xếp hạng kém hơn về hoạt động logistics tổng thể với điểm LPI là 2,4 trên 5,0 điểm. Với 4,3 điểm, Singapore được xếp hạng cao nhất, cả trong ASEAN và trên toàn thế giới. Tiếp theo là Malaysia (3,6 điểm), Thái Lan (3,5 điểm), Philippines và Việt Nam (cùng 3,3 điểm) và Indonesia (3,0 điểm). Không có chỉ mục cho Myanmar.

Bất chấp những thách thức như Covid-19, WB cho biết các dịch vụ hậu cần “có khả năng phục hồi rộng rãi” đối với những hoạt động tốt nhất và kém nhất trên toàn thế giới. “Ngay cả với đại dịch Covid-19 - gây ra sự gián đoạn trong vận chuyển và khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, điểm tổng thể trung bình trong LPI năm 2023 nhìn chung vẫn giống như trong cuộc khảo sát gần đây nhất vào năm 2018”, báo cáo cho biết. LPI có sáu chỉ số - hiệu quả của thủ tục hải quan và quản lý biên giới, chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông và thương mại, dễ dàng sắp xếp các lô hàng có giá cạnh tranh, năng lực và chất lượng dịch vụ hậu cần, khả năng theo dõi và truy xuất lô hàng và tần suất giao hàng đúng hạn.

Thời gian gần đây, các hãng tàu lớn của nhiều quốc gia đã và tham gia đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển tại Việt Nam. Trong đó, 3 tập đoàn lớn nhất thế giới về khai thác cảng gồm Tập đoàn Hutchison Port Holding - Hồng Kông (đầu tư bến cảng SITV); APMT – Đan (đầu tư khai thác cảng CMIT và PSA); Singapore (đầu tư, khai thác bến cảng SP-PSA)…đều tập trung tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Riêng tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện có thể đón được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới vào xếp dỡ hàng hóa. Năm 2022, khu vực cảng này đã thiết lập được 22 tuyến đi châu Mỹ, 2 tuyến đi châu Âu và 10 tuyến đi nội Á, tăng 3 lần so với năm 2013. Nhờ đó, hàng từ Việt Nam đi châu Mỹ, châu Âu nhanh hơn. Các tuyến dịch vụ trực tiếp đi các thị trường lớn trên thế giới mở ra cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nhờ rút ngắn thời gian vận chuyển, hàng hóa đến với các thị trường nhanh hơn. Thời gian quay vòng của phần lớn các tuyến dịch vụ từ Việt Nam đi bờ Tây nước Mỹ trước đây mất từ 35 – 49 ngày thì nay với tuyến dịch vụ AA3 do hãng tàu Wan Hai khai thác, thời gian vận chuyển chỉ còn 21 ngày. Hay tuyến dịch vụ USCW của hãng tàu ZIM có lộ trình kết nối Cái Mép với bờ Tây nước Mỹ nhanh nhất với thời gian vận chuyển xuống còn 15 ngày. Với các yếu tố trên, Cái Mép - Thị Vải đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các hãng tàu lớn trên thế giới, hình thành thị trường cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container trực tiếp đi các châu lục.

Tháng 2/2023, Bộ GTVT đã khởi công công trình nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số 0 đến khu bến cảng container Cái Mép đạt độ sâu -15,5m. Luồng vào Cái Mép - Thị Vải khi được nâng cấp, bảo đảm độ sâu -15,5m giúp các bến cảng container tại đây nâng cao hiệu suất khai thác đón được tàu kích cỡ lớn 24/7 thay vì phải phụ thuộc vào thủy triều như hiện nay. Theo tính toán, với 1m mớn nước tăng thêm, sẽ giúp cho tàu tăng thêm 1.400 TEU, cho cỡ tàu 14.000 TEU.

Báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu bằng đường biển của Việt Nam sang thị trường Mỹ hiện đứng thứ 2 trong khu vực Châu Á (chỉ sau Trung Quốc). Đây là cơ sở khẳng định năng lực cảng biển nội địa, tạo tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm điểm trung chuyển quan trọng trong chuỗi hải trình toàn cầu.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh hiện có 69 bến cảng được quy hoạch, đến nay đã đưa vào khai thác 48 dự án với công suất 141,5 triệu tấn/năm. Tổng vốn đăng ký 133.600 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện khoảng gần 57.000 tỷ đồng.

Riêng khu vực Cái Mép-Thị Vải có 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 22 bến cảng (19 dự án chính thức, 3 dự án tạm khai thác), với công suất 117,8 triệu tấn/năm, trong đó bao gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu TEU/năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Thế giới đánh giá cao năng lực của Cảng Cái Mép - Thị Vải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO