Ngành nông nghiệp phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra

Ngọc Nga|05/07/2023 19:09

Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, “về thị trường, quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước. Cập nhật chính sách nông nghiệp của các quốc gia, đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp”.

ha-dai-dien-nong-nghiep-05072023.png
Toàn cảnh hội nghị

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết: Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản chính 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thuỷ sản 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất NLTS 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%. Tốc độ tăng GDP ngành NLTS 6 tháng đầu năm khá cao, đạt 3,07%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,77%.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.

Ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Những khó khăn, thách thức từ tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất NLTS và cháy rừng cao ở nhiều địa phương … Những yếu tố trên sẽ tác động đến sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch đề ra.

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%, trong đó giá trị sản xuất (GTSX) trồng trọt tăng 1,49%; sản lượng lúa 42,9 triệu tấn; GTSX chăn nuôi tăng 7,01%; sản lượng thịt lợn 4,5 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm 2,095 triệu tấn; GTSX thủy sản tăng 3,27%; tổng sản lượng thủy sản 9,05 triệu tấn (nuôi trồng 5,37 triệu tấn, khai thác 3,68 triệu tấn); GTSX lâm nghiệp tăng 3,22%; sản lượng gỗ khai thác 22 triệu m3.

Ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu NLTS 54 - 55 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm, như nông sản chính 25 tỷ USD; Lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; Thủy sản 10 tỷ USD; Các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, 6 tháng đầu năm 2023, ngành lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn do hiện tượng El Nino. Số vụ cháy rừng tăng đột biến. Thu dịch vụ môi trường rừng giảm so với năm 2022. Dù xuất khẩu lâm sản quý 2/2023 đã có sự khởi sắc, nhưng tình hình xuất khẩu lâm sản còn nhiều khó khăn. Cục Lâm nghiệp cần bám sát vào kịch bản đã xây dựng để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề hoàn thuế VAT.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chỉ đạo Cục Kiểm Lâm và Cục Lâm nghiệp và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận, biểu dương sự đóng góp tất cả các cơ quan, đơn vị trong Bộ, trong ngành, các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các giải pháp sẽ sớm được hiện thực hóa, phát huy hiệu quả trên thực tiễn quản trị, điều hành sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp.

ha-1-nong-nghiep-05072023.png
Bộ trưởng Lê Minh Hoan  phát biểu kết luận Hội nghị

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo về công tác chỉ đạo và xây dựng văn bản, hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng các chương trình, đề án, văn bản; trong đó có 4 Quy hoạch ngành cấp Quốc gia; Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đề án phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp...

Về thị trường, quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước. Cập nhật chính sách nông nghiệp của các quốc gia, đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp. Xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, tăng cường xuất khẩu nông sản đa giá trị. Tận dụng các FTAs. Hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xuất khẩu. Tiếp cận tốt hơn với thị trường trong nước thông qua các kênh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội tương tác.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng: Gần đây, tỉnh Bắc Giang chủ động kết nối nhiều hình thức đa dạng, mới lạ, thu hút sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, đến từ nhiều vùng miền khác nhau, để xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Đây là một gợi ý để không chỉ bà con nông dân Bắc Giang, mà nhiều địa phương khác của Việt Nam, có thể khai thác tốt các nền tảng mạng xã hội trong giao dịch, góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh nông nghiệp, nông sản của địa phương, của quốc gia.

Các kênh bán hàng, các hình thức thương mại điện tử, giới thiệu, quảng bá nông sản tương tác đa chiều trên mạng xã hội, không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là chiếc cầu để người nông dân chủ động nâng cấp, cập nhật, mở những con đường khác để nông sản ra thị trường, chứ không chỉ là những phương cách truyền thống, quen thuộc lâu nay.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Mục tiêu của chúng ta, mối quan tâm xuyên suốt của chúng ta, là nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là hàng triệu hộ nông dân, là bà con ngư dân, lâm dân, diêm dân,..., là cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp kiên trì gia tăng chất lượng, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Theo mard.gov.vn
Copy Link
Bài liên quan
  • Xuất khẩu nông sản và  mục tiêu 55 tỷ USD/năm 2023
    Xuất khẩu rau quả đạt kết quả cao chưa từng có, gạo cũng đổ xô kỷ lục cũ về giá và năng suất, các doanh nghiệp thủy sản bắt đầu tăng ca sản xuất. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho hay mục tiêu xuất khẩu nông sản 54-55 tỷ năm nay sẽ đạt được.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Ngành nông nghiệp phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO