Nghệ An nâng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may, da giày lên 1,6 tỷ USD

Duy Ngợi|03/04/2024 09:38

Đó là một trong những mục tiêu cụ thể tại Kế hoạch số 163/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh mới được UBND tỉnh Nghệ An ban hành mới đây.

maymacna2.jpg
Dệt may là một trong những ngành góp tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu Nghệ An (ảnh minh họa)

Theo Kế hoạch, UBND tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu: Phát triển ngành dệt may và da giày trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực về xuất khẩu và đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh, trên cơ sở ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để phục vụ, đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp dệt may và da giày trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh sản phẩm. Phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởng các chính sách nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do, với điều kiện có quy mô đầu tư phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Tập trung thu hút đầu tư vào các khâu tạo giá trị gia tăng dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa với nhóm sản phẩm chính gồm: Sợi, quần áo, giầy dép da xuất khẩu, nguyên phụ liệu hỗ trợ ngành dệt may, da giày.

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may, da giày từ nay đến năm 2025 đạt 18 - 19%, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đạt 17 - 18%; Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may, da giày bình quân từ nay đến năm 2025 đạt từ 17 - 18%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 16 - 17%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may, da giày đạt khoảng 755 triệu USD; đến năm 2030 đạt khoảng 1,6 tỷ USD; Nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may, da giày đạt trên 45%.

UBND tỉnh Nghệ An đã đề ra các giải pháp thực hiện gồm: Quy hoạch không gian phát triển; tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; phát triển thị trường tiêu thụ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; các cơ chế chính sách; đổi mới khoa học, công nghệ và phát triển bền vững, xanh hóa ngành dệt may, da giày; phát triển nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất.

UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Phương án phát triển ngành dệt may, da giày trong Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm mục tiêu phát triển ngành dệt may, da giày trên địa bàn tỉnh nhanh và bền vững. Đồng thời rà soát, đánh giá thực trạng, dự báo nhu cầu thị trường để tham mưu, nghiên cứu cơ chế chính sách, các giải pháp thu hút đầu tư và đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày phù hợp với nội dung Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt…

Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ và các nội dung theo quy định. Tăng cường đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống cháy nổ và các quy định pháp luật khác có liên quan; chủ động tiếp cận các chính sách, đề xuất các nội dung hỗ trợ theo quy định…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An nâng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may, da giày lên 1,6 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO