Tại Hội nghị, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời đề xuất một số nội dung đề nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan quan tâm tháo gỡ để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Cụ thể là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về thủ tục chuyển nhượng đất; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất chế biến nông sản; một số chính sách về thuế, hải quan, hỗ trợ phát triển thị trường; việc cung ứng lao động, nhất là lao động chất lượng cao; dịch vụ logistics... để giúp doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Á Châu Hoa Sơn hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản cho biết thời gian vừa qua khó khăn nhất của doanh nghiệp là thiếu hụt nguyên liệu, đề nghị UBND tỉnh, các ngành có những chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu sắn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khoáng sản và Thương mại Trung Hải đề nghị cho phép ưu tiên các doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm xuất khẩu có nguồn tài nguyên được cấp phép tận thu, đủ nguyên liệu để đảm bảo sản xuất chế biến ổn định.
Những nội dung trao đổi, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp đã được các lãnh đạo UBND tỉnh, Sở, ngành liên quan trả lời. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả đạt được cùng những đóng góp quan trọng của các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.
Chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động xuất khẩu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đã trao đổi, trả lời cụ thể các vấn đề doanh nghiệp đề xuất. Để duy trì và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu kim ngạch năm 2024, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các ngành, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển xuất khẩu giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó hình thành và phát triển những sản phẩm, nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ yếu.
Cùng với đó, tích cực đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nguồn hàng xuất khẩu phong phú, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường thực hiện công tác xúc tiến xuất khẩu; đẩy mạnh công tác phát triển thị trường xuất khẩu thông qua hoạt động kết nối cung cầu xuất khẩu, tổ chức các đoàn tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại tại nước ngoài.
Thường xuyên cập nhật tình hình giá cả hàng hoá, biến động cung cầu trên thị trường thế giới, thông tin về các biện pháp quản lý của các đối tác nhập khẩu để thông tin giúp doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, tăng sản lượng thu mua từ nguồn cung trong nước với những mặt hàng có giá nhập khẩu tăng cao và có phương án thay thế thị trường thích hợp.
Mặt khác, cần phấn đấu để đưa thêm một số sản phẩm của Nghệ An xuất khẩu. Nghiên cứu nhu cầu thị trường để tham mưu sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường trên thế giới. Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghiệp vụ, tư vấn, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch của UBND tỉnh về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics tỉnh Nghệ An đến năm 2025.
Năm 2023, tuy tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu tỉnh Nghệ An vẫn giữ được đà tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 3,1 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm trước, vượt 8,2% kế hoạch năm. Trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt kim ngạch 2,44 tỷ USD, tăng 11,67% so với năm 2022, đạt 97,8% kế hoạch năm.
Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với năm 2022 như,: Linh kiện điện tử đạt 430 triệu USD, tăng 10,1%; xi măng đạt 220 triệu USD, tăng 13,2%; hàng thủy sản đạt 148,6 triệu USD, tăng 61,7%; tôn, thép các loại đạt 268,8 triệu USD, tăng 17,5%; giày dép các loại đạt 105,3 triệu USD, tăng 68,1%; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 55,2 triệu USD, tăng 66,5%; gạo đạt 24,1 triệu USD, tăng 88,8%... Đáng chú ý, tỷ lệ hàng hoá xuất khẩu qua chế biến tiếp tục tăng, nhất là hàng vật liệu xây dựng, khoáng sản, thuỷ sản chế biến và một số hàng nông sản chế biến như nước hoa quả chế biến.
Năm 2023, các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu hàng hóa đi trên 152 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (tăng 19 thị trường so với năm 2022). Kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường tăng mạnh so với năm 2022, tiêu biểu: Hồng Kông tăng 33,1%; Hàn Quốc đạt 298 triệu USD, tăng 10,8%; Nhật Bản tăng 67%, Hoa Kỳ tăng 4%, Thụy Sỹ đạt tăng 13,5%, Singapore đạt tăng 83%... Các thị trường mới liên tục được mở rộng, năm 2023 các doanh nghiệp khai thác mở rộng thêm được 15 thị trường mới so với năm 2022 như: Mozambique, Azerbaijan, Estonia, Serbia, Tunisia, Rwanda, Uzbekistan, Belize, Benin, Malawi, Haiti, Samoa, Kazakhstan, Croatia, Suriname, Botswana,….