Trong văn bản, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, cơ cấu sản xuất nông lâm thủy sản gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ Logistics nông sản. Đồng thời phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát, bổ sung các Trung tâm dịch vụ Logistics nông sản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định các mô hình hoạt động của các Trung tâm.
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ Logistics nông sản. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản gắn với dịch vụ Logistics ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Sở Giao thông vận tải tham mưu đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống vận tải gắn kết các Trung tâm dịch vụ Logistics nông sản và hỗ trợ phát triển các chuỗi cung ứng nông sản thuận lợi, tiết kiệm chi phí vận chuyển nội địa, chi phí Logistics.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn cho các dự án phát triển hạ tầng Logistics nông sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công; hướng dẫn sử dụng vốn để triển khai, thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ các chương trình, nhiệm vụ và dự án phát triển hệ thống Logistics nông sản. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích thu hút doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có năng lực tham gia đầu tư xây dựng các Trung tâm dịch vụ Logistics nông sản trên địa bàn tỉnh.
Các địa phương cấp huyện rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, cơ cấu sản xuất nông lâm thủy sản gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ Logistics nông sản. Cùng với đó, rà soát, đề xuất thành lập Trung tâm dịch vụ Logistics nông sản trên địa bàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mặt khác, Sở NN&PTNT, các địa phương cần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản tại các vùng nguyên liệu chủ lực để cung cấp nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn và bền vững thông qua hệ thống Trung tâm dịch vụ Logistics nông sản.
Được biết, nhóm nông, lâm, thủy sản là mặt hàng có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh Nghệ An góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Định hướng chung cho các mặt hàng này là khai thác lợi thế để gia tăng sản lượng nông, lâm, thủy sản; chuyển dịch cơ cấu theo hướng chế biến sâu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, thực hiện nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, có sức canh tranh và vượt qua rào cản của các nước nhập khẩu.
Năm 2023, nhiều mặt hàng của Nghệ An có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá. Đáng chú ý, tỷ lệ hàng hoá xuất khẩu qua chế biến tiếp tục tăng, nhất là hàng vật liệu xây dựng, khoáng sản, thuỷ sản chế biến và một số hàng nông sản chế biến như nước hoa quả chế biến. Tỷ lệ hàng qua chế biến ước tính tăng 8,17% so với năm 2022. Bên cạnh đó, có một số sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia xuất khẩu như: Thủy sản Biển Quỳnh (xuất khẩu sang Mỹ), nước mắm Vạn Phần (xuất khẩu sang Nhật Bản), lươn,...
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hầu hết các chi phí phục vụ sản xuất đều tăng nhưng giá bán hàng khó tăng do cạnh tranh thị trường với các đơn vị cùng ngành trong nước và nước ngoài.
Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc (như tinh bột sắn, hoa quả tươi) thường xuyên gặp tình trạng tắc nghẽn khu vực cửa khẩu (cửa khẩu Kim Thành-Lào Cai, Móng Cái-Quảng Ninh…) gây tình trạng giao nhận hàng bị chậm trễ…Hay nhóm khoáng sản, mặt hàng bột đá vôi trắng xuất khẩu chủ yếu sang các nước như Ấn Độ. Hiện nay, mặt hàng này đang chịu sự cạnh tranh rất gay gắt từ các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Malaysia do giá từ các nước này rẻ hơn nhiều.
Cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hầu hết các chi phí phục vụ sản xuất đều tăng nhưng giá bán hàng khó tăng do cạnh tranh thị trường với các đơn vị cùng ngành trong nước và nước ngoài…