Nghi Tàm: Ai nhớ ai quên?

Thu Thảo|17/07/2023 16:12

Nghi Tàm vốn là mảnh đất ven Hồ Tây, Hà Nội. Từ năm 1.138, làng Nghi Tàm được hình thành, đời vua Lý Thần Tông với cái tên là trại Tầm Tang. Tương truyền, công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông xin cha cho lập một trại tằm tang để trồng dâu nuôi tằm ở đó, nên có tên là là trại tằm tang. Nhưng đến đời vua Trần lại được đổi tên thành Tích Ma. Đời vua Lê, lại được đổi lại thành Nghi Tầm. Chữ Tầm vì giống với chuyện trồng dâu nuôi tằm từ đời công chúa Từ Hoa nên sau đổi thành Nghi Tàm.

Trước kia làng Nghi Tàm thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, sau này qua những biến chuyển của thời gian trở thành phường Quảng An, quận Tây Hồ. Nghi Tàm vùng đất xưa cũng là quê hương của Bà Huyện Thanh Quan, nữ sĩ gắn với dấu xưa xe ngựa, nền cũ lâu đài,... Nhắc đến Nghi Tàm, cái tên cũ một thời chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa, bây giờ qua dâu bể đã hao mòn và mất đi, nhưng còn gợi nhắc trong lòng người cả một khoảng trời nhiều kỉ niệm của một vùng đất đẹp, nên thơ từ tích cũ chuyện xưa.

1200px-chua_kim_lien-compressed.jpeg
 Đình Nghi Tàm

Bến trúc Nghi Tàm

Theo Tây Hồ bát cảnh của Lê Vĩnh Hựu thì từ rất xa xưa, vùng đất Nghi Tàm này có rừng trúc hay còn gọi là tre đằng ngà, phía bên ngoài là rừng rậm sát mép hồ. Mỗi chiều, ánh nắng chiếu xuyên qua rừng trúc khiến không gian trở nên đẹp đẽ, lãng mạn. Chúa Trịnh Giang với con mắt tinh tường của một người biết hưởng thụ đã cho xây một bến tắm ở đây. Mùa hè ông cùng các cung nữ đến tắm trong không gian hữu tình. Nhưng sau những biến chuyển thời gian thì rừng trúc này không còn nữa. Bây giờ, người ta chẳng còn tìm thấy bóng dáng nào của một bến trúc nổi tiếng khi xưa, nhưng nơi đây vẫn được coi là một trong những cảnh đẹp nhất của khu vực hồ Tây.

Trong trí nhớ của những người hoài cổ, họ còn nhiều tiếc nuối khi nhớ về một vùng nhiều nha trúc, loại tre đằng ngà với thân vàng óng như truyền thuyết Thánh Gióng, vị Thánh nhổ tre để đuổi giặc Ân. Nhìn từ xa, cả một vùng tre rợp mát, muôn ngàn cây, nên rừng xưa còn có cái tên là Cái viên.

Đồng bông Nghi Tàm

dinh-nghi-tam-3-compressed.jpeg
Chùa Kim Liên

Làng Nghi Tàm chẳng những nổi danh vì nghề trồng dâu nuôi tằm, mà còn nổi tiếng bởi nghề trồng hoa. Hoa tươi nơi đây một thời được dùng để tiến vua. Trong Tây Hồ chí, còn gọi vùng này là Hoa điền - ruộng hoa. Theo sự xoay vần của thời gian, từ thời Tây Sơn, nghề hoa đã bị bỏ. Nhưng vịnh về Hoa điền, người ta còn nhớ đến câu thơ của Phạm Đan Phong:

"Người đẹp mơ màng cúi cắm hoa

Bến sông Tô Lịch bốn trăm nhà"

Theo sử sách ghi lại, đồng hoa kéo dài từ làng Nghi Tàm đến làng Yên Hoa xưa (nay là Yên Phụ). Mùa hoa nở, cả cánh đồng ngập tràn trong hương sắc, cảnh vật vì thế cũng nên thơ trữ tình. Ngày nay, thay vì đồng bông, đồng hoa như xưa, Nghi Tàm chỉ còn vài mảnh vườn hoa nho nhỏ, hiếm hoi. Có lẽ, những khu vườn này được hình thành bởi hoài niệm, tiếc nuối của người dân về một mảnh đất xinh đẹp, rực rỡ ngày trước. Đặc biệt, những người lớn tuổi, những người đã dành cả cuộc đời mình cho vùng đất này, đã chứng kiến sự đổi thay của một ngôi làng ngập trong hương hoa rực rỡ, ngôi làng nuôi đầy cá cảnh, ngôi làng dệt nên thơ, nên mộng nay không khỏi ngậm ngùi vì chỉ còn trong kí ức rất xa.

Tiếng  đàn hành cung

chua-kim-lien-compressed.jpeg

Tiếng đàn hành cung là một trong tám vẻ đẹp của mảnh đất Thăng Long nói chung và Hồ Tây nói riêng. Thắng cảnh này, theo tương truyền thì vào thời Lê, khi đã có chùa Trấn Quốc nhưng vua Lê vẫn ra đây lập một hành cung để ăn chơi. Trong hành cung vốn có nhiều cung nữ, hàng đêm chơi đàn, hát và điều này được ghi trong cuốn Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ viết rất kĩ, mô tả thú ăn chơi của các vua Lê.

Vua cho đốt nến, các nhạc công ngồi nấp ở các gốc cây rồi đàn hát. Trong các cuộc đàn hát, người ta được nghe những khúc nhạc rất hay của cung nữ họ Hàn. Tiếng đàn ấy mỗi lần cất lên rất lạ lùng, nghe như ai oán, như được cất lên từ tận đáy lòng. Tiếng đàn đủ làm buốt giá lòng người, như khúc tự sự về thân phận, đầy rung cảm xót xa.

Nhưng sau này khi hành cung không còn nữa, đền chùa Trấn Quốc còn lại những người vãi già. Những vãi già này chính là những người cung nữ đánh đàn ngày trước. Họ vẫn còn nghe tiếng đàn vang vọng và người ta thường tưởng tượng tiếng đàn của cô cung nữ họ Hàn. Sau này, khi người ta nhắc đến tiếng đàn hành cung thì dường như không còn nhắc đến thú ăn chơi của các vua Lê nữa mà người ta nhớ đến tiếng đàn của cô cung nữ họ Hàn - nhắc đến tiếng đàn đau đớn, thân phận và đầy ai oán.

Cũng theo tương truyền về sau, thời cuộc rối ren, nơi xa hoa này cũng suy tàn nên chúa Trịnh không còn ra nghỉ ngơi tại đó nữa. Và mỗi khi đêm khuya thanh vắng, người cung nữ ấy lại đem đàn ra gảy, tiếng đàn mang nặng tâm tư, tình cảm của nàng gây xúc động lòng người.

Cùng với dòng chảy lịch sử của dân tộc và theo ghi chép về những câu chuyện xung quanh Hồ Tây, người ta viết nhiều về Tiếng đàn hành cung và cả những giai thoại của nó. Tiếng đàn không đơn giản chỉ là âm thanh của loại nhạc cụ bình thường, mà nó đã trở thành âm thanh của lịch sử, âm thanh của văn hóa và chứng nhân cho biết bao thăng trầm của triều Lê - Trịnh nước ta.

Bài liên quan
  • Ngôi làng cổ tích mộng mơ Lat Valley
    Lọt thỏm giữa những ngọn đồi, Lat Valley luôn lạnh hơn so với nhiệt độ trung bình của thành phố Đà Lạt. Nhất là buổi chiều muộn hay sáng sớm cũng chính là thời khắc đẹp nhất khi cả thung lũng se se lạnh, mây bay bềnh bồng phong cảnh hiện ra trước mắt vô cùng quyến rũ.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nghi Tàm: Ai nhớ ai quên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO