Nhà thơ Nguyễn Văn Mạnh "Đón mây rụng xuống sông quê"

Ngô Đức Hành |01/11/2023 19:30

Là nhà báo nên Nguyễn Văn Mạnh có cơ hội đến với nhiều vùng, miền của đất nước. Với ông, cuộc sống luôn vỗ vào trái tim mà bật lên thành thơ. Nhiều khi đó là sự mách bảo, nhà thơ không chủ ý.

Dấu thời gian là tập thơ thứ hai của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Văn Mạnh. Ông hiện là Trưởng ban biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, kiêm Trưởng Văn phòng đại diện Thời báo VHNT tại Hải Phòng.

Tên tập thơ cho thấy đó đó là tập thơ của những hồi ức, trong đó có quê hương - thành phố Hải Phòng, thành phố "cửa biển" và những hồi ức về tuổi thơ, bạn bè.... Hay nói cách khác Dấu thời gian là vùng ký ức của tác giả. Tập thơ gồm 54 bài, được tác giả bố cục thành các phần: Phần I có tên “Tiếng quê hương” gồm 16 bài; Phần II có tên “Hành trình ký ức” gồm 19 bài; Phần III có tên “Ngẫm với dòng đời” gồm 18 bài.

z4635318577982_aa274965db0b1d5798876d901c9388a9.jpg
Bìa tập thơ 

Tiếng quê hương”, (phần I) đúng như dụng công sắp xếp của tác giả, là những cung bậc cảm xúc về cố thổ, những hoài niệm đẹp – kể cả dang dở của một mối tình. Thường, con người ta khi đã ở một độ tuổi nhất định thì ký ức càng sống dậy, ngọ nguậy trong tâm hồn.

Bây giờ trút hết bụi đường / Về quê nhung nhớ yêu thương tìm về / Đón mây rụng xuống sông quê / Thuyền trăng neo giữa bốn bề mênh mông...”, đấy là quy luật tâm lý khi nhận ra “Lợi danh thành khói hư không” như trong bài thơ Về quê của tác giả.

Trải qua bến bể nương dâu
Lòng nghe tiếng bạn trên đầu sương phơi
Lại về bên dậu mồng tơi
Tiếng lòng xếp chặt một cơi với trầu

(Bạn quê)

Không chỉ Về quê, cảm thức Nguyễn Văn Mạnh miên man trong Đêm Cát Bà, Mái trường, Trở lại tuổi hai mươi, Bạn quê, Một thoáng Thủy Nguyên, Thuở học trò, Ao làng mùa hạn, Thành phố bên bờ sóng...

Thơ về thời quá vãng, hồi ức về “thời cánh phượng hồng ngẩn ngơ” của Nguyễn Văn Mạnh trong sáng, hồn hậu, chân thành, dẫu bồi lở nhưng hào sảng, kiêu hãnh. Đó chính là “Tiếng quê hương”.

Đảo xa nổi chìm trong sóng / Đèn câu nhấp nháy sao sa / Rực rỡ biển đêm thăm thẳm / Hải đăng Tổ quốc: Cát Bà!”. Đây là khổ cuối trong bài thơ Cát Bà của ông. Chỉ chừng ấy câu thơ thôi, nhưng Hải Phòng hiện lên với tư cách một thành phố cảng, từ trong lịch sử biết bao thế hệ người dân quê ông đã biết vượt sóng ra khơi vì cuộc sống, vì những giá trị thiêng liêng của biển đảo, chủ quyền biển đảo đất nước.

Nơi ta cất tiếng chào đời ở đó
Mái phố rung lên bao cuộc thăng trầm
Nơi ta biết tự mình ra mở cửa
Trơì đất ùa về muôn tiếng tri âm

(Thành phố bên bờ sóng)

Thơ Nguyễn Văn Mạnh, về thi pháp cũng có nhiều loại, có lục bát, có bài thể 5 chữ kết hợp 6 chữ và tự do, điều đấy nói lên rằng Nguyễn Văn Mạnh hoàn toàn phóng túng với cảm xúc. Hay nói cách khác, cảm thức thơ với quê hương trước hết là sự chân thành. Nhờ vậy, Nguyễn Văn Mạnh có nhiều câu thơ hay, nhiều thi ảnh vụt hiện có giá trị mới. ”Cát Bà cô đơn đầu sóng / Tưởng như quên lãng giữa đời / Tụ lửa của lòng dân biển / Thắp lên ngọn đuốc ven trời”, (Đêm Cát Bà). “Ngọn đuốc ven trời” là thi ảnh đẹp, giàu chất thơ.

Là nhà báo nên Nguyễn Văn Mạnh có cơ hội đến với nhiều vùng, miền của đất nước. Và đó là những bài thơ ở phần II, có tên “Hành trình ký ức”. Với nhà thơ luôn vậy, cuộc sống luôn vỗ vào trái tim mà bật lên thành thơ. Nhiều khi đó là sự mách bảo, nhà thơ không chủ ý.

Hoàng hôn nhuộm Kỳ Cùng đến tím
Tóc gió thả hương thắt buộc đến xao lòng
Người ngọc liếc ánh nhìn bịn rịn
Nửa nụ cười, men rượu cũng bằng không.

(Hành trình Xứ Lạng)

Đất mới là nơi ta đến tìm nhau
Làn điệu dân ca nối liền khoảng cách
Hương cà phê gọi đàn ong tìm đến
Tiếng hát em gọi đất hóa nông trường

(Dân ca vùng đất mới)

z4818273169242_7d31913caeac75357c8bc1cdb9ff96b1.jpg
Nhà thơ Nguyễn Văn Mạnh (trái ảnh) trong Lễ ra mắt Văn phòng đại diện Thời báo VHNT tại Hải Phòng

Trong Dấu thời gian, có mảng thơ về đề tài tình yêu, nhưng bao trùm tất cả đó là tình yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, với trách nhiệm xã hội của thi ca, chùm thơ về đề tài biên giới, hải đảo của ông khá ấn tượng. Có thể kể ra một số bài thơ về đề tài này như: AND của biển, Tiếng biển xanh, Chiều Chi Lăng em hát, Pha Đin, Chiều Ải Bắc tìm em, Bên mộ gió Cô Lin, Bên cột mốc 92...

Chiều nay bên đảo Cô Lin
Đứt từng khúc ruột lặng nhìn Gạc Ma
Một thời bão lửa mưa sa
Nỗi hờn nợ nước thù nhà còn đây

Các anh đã hóa thành mây
Tan vào biển nước vơi đầy nhớ thương
Hóa thành cột mốc biên cương
Cắm trên đầu sóng kiên cường ngàn năm

(Bên mộ gió Cô Lin)

Nếu ai từng có cơ hội đến với quần đảo Trường Sa, sẽ thấy đây là bài thơ xúc động, ám ảnh. Đảo Cô Lin cách Gạc Ma không xa, đứng ở đảo đá Cô Lin nhìn rõ những công trình của Trung Quốc xây dựng trên đảo Gạc Ma mà họ đang chiếm giữ trái phép.

35 năm trước, vào ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hôm tôi đến Cô Lin (tháng 4/2023), tôi ấn tượng mãi với đàn chó của các chiến sỹ Hải quân đang làm nhiệm vụ giữ đảo ở đây. Không hiểu sao, đàn chó cứ thay nhau ngồi trên bậc xi măng được xây sát mặt nước biển nhìn về đảo Gạc Ma. Tôi đã viết bài thơ Đàn chó ở đảo Cô Lin. Đúng, chúng không chỉ là vật nuôi thân thiết, người bạn của lính đảo, mà còn là những “chiến sỹ không tên” hàng ngày cùng bộ đội cảnh giới bảo vệ “Biển là quê hương, đảo là nhà”.

Đúng là biển ở đây cũng có linh hồn. 64 chiến sỹ Hải quân đã ngã xuống “Hóa thành cột mốc biên cương / Cắm trên đầu sóng kiên cường ngàn năm”, như câu thơ Nguyễn Văn Mạnh đã viết. Cám ơn ông.

Thực ra, không phải đến Phần III của Dấu thời gian có tên “Ngẫm với dòng đời”, nhà thơ Nguyễn Văn Mạnh mới “ngẫm”. Ở Phần II, ông đã “ngẫm”, suy tư, ưu tư khi viết những bài thơ dành cho nội thân trong Nỗi đau của cha tôi, “Và chiến tranh tàn khốc / Để lại nỗi đau không nói được thành lời" ; Bến thơ (viết cho con) "Cõi đời thương giận mênh mông / Hiện trong hương cốt trầu không của bà / Biết yêu giận, biết xót xa… / Bắt đầu từ truyện của bà đêm đêm".

Nói như thế để thấy, sự phân chia chỉ mang nghĩa tương đối. "Cửa thiền đâu rồi / Dù tiếng chuông vẫn còn ngân nức nở / Giữa ồn ã tiếng nói cười / Khách rời chùa sao như tan hội?", (Nghĩ trước cổng chùa). Hoặc "Cuộc đời như một cõi mê / Đời quan muôn nỗi ê chề nổi lênh / Đem thơ thả giữa mông mênh / Để thơ quyện với buồn tênh khúc đàn”, (Qua bến Tầm Dương). Không ai "bứng" mình ra được khỏi thời gian, với tư cách là vùng ký ức.

Với nhà thơ, hiện thực chiếu xạ vào tâm hồn, qua ngẫm, ngộ mơi trở thành thơ. Điều này góp phần tạo nên thiên chức của thi ca, đi ra từ cái buồn, cứu rỗi mình, cứu rỗi thân phận bằng cái đẹp.

Là nhà báo nên thơ Nguyễn Văn Mạnh, có tư duy hiện thực. Hay nói cách khác, thơ Nguyễn Văn Mạnh ám ảnh trước hết ở những dữ dội từ cuộc đời. Nói như nhà thơ, TS. Lê Tuấn Lộc, thơ không phản ánh hiện thực thì phản ánh cái gì ? Hoặc như "Ông Hoàng thơ tình" Xuân Diệu từng nói "Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”. Cảm xúc thơ bắt đầu phải là hiện thực.

Trong tập thơ của mình, Nguyễn Văn Mạnh có những bài thơ ám ảnh như Nghĩ về một mặt của chiến tranh...

Chiến tranh
Là quyền uy của những chính trị gia đổi bằng giá máu
Chiếc ghế được tạo thành từ xương và da đồng loại
Nó to và cao hơn khi mỗi quốc gia và dân tộc tan tành.

(Nghĩ về một mặt của chiến tranh)

Bài thơ này làm người đọc suy ngẫm và hiểu được nỗi đau nhân loại khi hơn một năm qua họ được chứng kiến những biến động địa chính trị ở châu Âu, bom vẫn rơi vào máu vẫn đổ. Chiến tranh không bao giờ là trò đùa.

Đọc Dấu thời gian của Nguyễn Văn Mạnh thấy được biên độ cảm xúc của ông. Ông đi từ riêng đến chung, từ mình đến nhân loại. Đó là mạch cảm xúc có tính logic, hay nói cách khác đó là mỹ triết trong thơ. Một số bài thơ như Người đàn bà sau cửa kính, Thơ tặng người công nhân cao su, Người đàn ông hóa đá, Rừng cao su hát..cho thấy Nguyễn Văn Mạnh đã và đang chứng minh thơ ông thuộc về thân phận, không tách rời thân phận.

Gừng cay, muối mặn đinh ninh
Đường xa cái nghĩa cái tình thấm sâu
Qua sông tôi nhớ nhịp cầu
Qua đồng tôi nhớ sắc màu đất quê

(Đến mùa xuân)

Thơ Nguyễn Văn Mạnh cứ thế, xác tín rằng, ông gắn bó với cố thổ, quê hương đất nước; từ đó tiếng thơ cất lời!

Bài liên quan
  • Nhà thơ Trần Trình Lãm cháy như mùa lặng lẽ
    "Ngẫu khúc" có vẻ đẹp đích thực của huyền mỹ, hàm tiếu; 59 bài thơ không phải là “hợp xướng” của số đông, mà là những nốt nhạc trần từ chốn tịnh không, cất lên để người đọc cùng tri âm, chiêm nghiệm...

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ Nguyễn Văn Mạnh "Đón mây rụng xuống sông quê"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO