Trần Trình Lãm, Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng và là Hội viên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng. Xuất thân là nhà báo, hiện nay vẫn là nhà báo – Tổng Thư ký Tạp chí Vietnam Logistics Review. Có điều, thơ với ông là một phần tâm hồn, “trời cho” vẻ đẹp nội cảm .
Ở đời vậy, có ai sinh ra, lớn lên làm cái “nghề thơ” đâu? Hẳn nhiên, trong các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (cho dù hẹp là vào Hội ở chuyên ngành thơ) thì không có ai hoặc hạn hữu lắm mới có người hưởng lương “biên chế” thơ. Văn chương thường là cái “nghiệp”, ông Trời “vận” vào ai trong bá tánh, thì người đó phải chịu thủy chung, vật vã vì thơ, văn.
Đến với thơ sớm, hành trình nghề báo song hành với nghiệp thơ, nhưng Trần Trình Lãm ít công bố tác phẩm. Năm 2014, anh có Hiến tạo, NXB Hội nhà văn. Gần chục năm nay, ông mới trở lại với độc giả bằng tập thơ cũng có tên ấn tượng là Ngẫu khúc.
Trong Hán – Việt, từ ngẫu nhiều nghĩa, trong đó có “chợt”, “ngẫu nhiên”; “khúc” cũng có nhiều nghĩa, thường hiểu được hiểu là đoạn. Do vậy, đặt tên tập thơ “Ngẫu khúc”, chắc chắn tác giả ẩn dụ rằng, tập thơ là tập hợp những “lát cắt ngẫu hứng” của tâm hồn ông, từ trong tâm hồn ông.
Tập thơ Ngẫu khúc gồm 59 bài thơ, đa dạng về đề tài; tuy nhiên, có thể nhận diện thành ba loại: Loại thứ nhất, thơ trực cảm, những ngẫu cảm tâm hồn lên tiếng khi ông đến, hoặc nhớ về một địa danh cụ thể nào đó; ví dụ: “Đêm Vũng Tàu nhớ Đà Nẵng”, “Hà Nội và tôi”, “Tản khúc đêm Hà Nội”, “Bản tình ca Cửa Tùng”, “Khúc ru bên phố cổ”, “Bây chừ là Huế tháng Tư”.
Loại thứ hai, là những bài thơ nhớ nhung, trăn trở với làng quê, những suy tư vọng từ bản ngã, có thể đó là những thảng thốt về mẹ, về sự cô đơn của người thơ; ví dụ: “Con suốt đời thèm gọi Mẹ ơi!”, “Trong vườn ta xưa cũ”, “Người quê tôi”, “Thơ viết cho thi sĩ”, “Gọi ta”, “Cháy thơ ta lặng lẽ”. “Ngẫu hứng trăng là ta”; “Thơ trong hồn”....
Loại thứ ba, là những bài thơ ẩn dụ, ngay tên bài đã ẩn chứa các yếu tố hư, thực; ví dụ: “Miền buốt giá”, “Đóa phù dung”, “Tàn nguội”, “Trong tĩnh lặng nghe L'Amour est bleu”, “Lời rong rêu”...Loại thứ ba này trong “Ngẫu khúc” chiếm số lượng nhiều hơn.
Trần Trình Lãm gốc Quảng Trị, từ lâu rồi ông lập nghiệp, sống và viết tại Đà Nẵng. “Thành phố đáng sống” là quê hương thứ hai. Thế nhưng trong tâm hồn bao giờ cũng có tiếng vọng quê hương. “Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mẹ thôi”, (Đỗ Trung Quân). Đúng vậy, quê hương là nơ chôn nhau, cắt rốn; là cả khoảng trời ký ức của mỗi người. Nói đến quê hương là nói đến mẹ và ngược lại. Trong thơ, đây là hai hình tượng nghệ thuật lồng vào nhau, trong cái nọ có cái kia, kể cả hoán vị, ẩn dụ cho nhau.
Trong Ngẫu khúc không có bài thơ nào về địa danh Quảng Trị, nhưng chỉ với “Con suốt đời thèm gọi Mẹ ơi!”, “Trong vườn ta xưa cũ”, “Người quê tôi”...đã cho thấy, ông thuộc về quê hương. Sống ở đâu cũng đau đáu nỗi lòng, nhớ mẹ, “Con suốt đời thèm gọi Mẹ ơi!”, nhớ quê; hơn thế, luôn cảm thấy mình có lỗi.
Tôi chưa kịp quay về
Mạ tôi đã ra đi
con đường bóng đổ
vàng gánh thóc
hạt thóc rụng vào đời tôi
xao xót
ánh mắt mỏi mòn
Mạ cứ dõi theo tôi
(Người quê tôi)
Bài thơ “Con suốt đời thèm gọi Mẹ ơi!”, rưng rức nỗi buồn, ám ảnh. Những ai không còn mẹ trên đời đọc đến đều ít nhiều thấy mình trong đó. Hơn thế, với những bài thơ viết về làng quê, về mẹ cho thấy Trần Trình Lãm luôn hướng đến sự đủ đầy, hiếu nghĩa nên tâm hồn ông dâng lên trắc ẩn. Có lẽ vì thế, Ngẫu khúc, trang đầu tiên, ông đề từ “Khi tôi làm thơ / người đầu tiên tôi nghĩ về là Mẹ / Mẹ đã sinh ra tôi như một chấm sáng cho riêng mình / và tôi biết tâm hồn tôi / trọn vẹn / dành cho Người mãi mãi Giáng sinh". Người đọc có thể hiểu đây là tập thơ, ông dâng tặng người mẹ đã quá cố, rời bỏ ông về miền vằng vặc. Hình bóng mẹ là cả khoảng trời hoài niệm về cố thổ, về người mẹ sinh thành, dưỡng dục.
Trần Trình Lãm là nhà thơ của thi pháp tự do; tuy nhiên trong “Ngẫu cảm” ông cũng có thơ lục bát. Ví dụ “Giọt ta”, “Lục bát chiều”, “Lục bát mưa”, “Không đề”... Lục bát của Trần Trình Lãm thường đã biến thể về hình thức, ngắt câu, xuống dòng, tạo nên các “khoảng trắng” trong cấu tứ. Về mặt hình thức có thể xem “câu lục”, “câu bát” đã ẩn đi dưới hình thức mới, nhưng “nhịp lục bát” là hồn cốt của thể thơ truyền thống này không mất đi:
....
Hẹn đêm
mộng chút trăng tàn
nghiêng bầu rượu đắng
chuốc tràn cuộc say
để rồi tay trắng
vòng tay
để rồi người vắng
mai này
mưa rơi.
(Lục bát mưa)
Thôi đừng
những giấc chiêm bao
lẻ loi
một cánh cò chao nghiêng trời
(Không đề)
Đây là bài thơ có những câu thơ hay. Trần Trình Lãm đã “neo” vào hạt mưa, chiều, cánh cò để gửi gắm, để tình tự, trải lòng mình. Hay nói cách khác, “mưa”, “chiều” “cánh cò” là nơi trú ngụ, là hai khúc ru đưa nôi tâm hồn ông, vốn đang cần được vỗ về.
Cũng như các thi sỹ khác, trong Ngẫu khúc có các đơn vị thời gian, có bốn mùa, cỏ cây, hoa lá, màu sắc, âm thanh, ánh sáng...Đó là không gian nghệ thuật và ngôn ngữ miêu tả trong thơ ông. Đặc biệt là biểu tượng thời gian “đêm” có nhiều ẩn ý, thông điệp.
“Giữa bóng tối và ánh sáng, bóng tối thường là nơi trú ngụ của những tâm hồn cần dưỡng khí, ràng rịt vết thương lòng. Vì thế, đêm được xem là không gian tâm trạng, là nơi chốn người nghệ sĩ đối diện với bóng với vách để bộc bạch hay chất vấn chính mình”, (Nhà LLPB Hoàng Thụy Anh).
Với Trần Trình Lãm cũng vậy, “đêm” là nơi nương tựa, nhiều khi là người bạn, để cùng bộc bạch. Điều này có thể nhận ra trong “Đêm Vũng Tàu nhớ Đà Nẵng”, “Tản khúc đêm Hà Nội”, “Biển đêm”.
Sóng tựa vào đêm tự tình
những gót chân người đã vắng
một mình biển lạnh
vẫn ngàn đời thuỷ chung
...
Rồi gót mềm sẽ đi qua
những nụ hôn sẽ đi qua
lời tự tình còn lại
chỉ là gió với biển đêm nhạt nhoà.
(Biển đêm)
Thơ là người. Thơ là vẻ đẹp của sự cô đơn. Cầm Ngẫu khúc trên tay, độc giả có thể đọc những bài thơ ....” Nếu tôi không ra biển”, “Gọi ta”, “Cháy câu thơ ta lặng lẽ”, “Thơ trong hồn”, “Bên đời một áng mây vàng”, “Ta còn chờ mai nữa lá thu bay”, “Tàn nguội”, “Và ta sẽ lìa nhau”...để hình dung, phác họa ra “người thơ” Trần Trình Lãm. Đó là con người của suy nghĩ, chiêm nghiệm, tự chất vấn...
Ở tuổi gần thất thập, có thể nói Trần Trình Lãm là con người trải đắng, ngọt, chua, cay ở cuộc đời. Với những người Á Đông, triết học Phật giáo ngấm vào cuộc đời từ lúc nào, nên càng lớn tuổi, con người ta càng nhận ra cái hữu hạn và vô hạn; cái hiện sinh và vô thường. Có lẽ vì thế, trong “Ngẫu khúc” có nhiều bài thơ giàu thi ảnh hư, thực; với các bài thơ như “Lỗ hổng”, “Hữu hạn”, “Lắc lư trên thềm đời”....
Con đường còn xa
thôi ta dừng lại chon von
cuộc đời
mùa thu cạn rồi và đông lướt thướt
những ngày xưa gội đẫm
trầm luân
...
Ta đã bước qua bên kia đồi
bên kia
cỏ và hoa trầm mặc
như môi cười cuối buổi
thôi ta về
trăm sự với hoàng hôn.
(Hữu hạn)
Ngoài đời, Trần Trình Lãm có cuộc sống giản đơn, chí thú công việc, miên man cùng tĩnh lặng. Chốn ồn ào có lẽ không hợp với anh, an nhiên, buông bỏ là điều ông ký thác cùng thơ; “Còn đó ta cổ độ / bên đời / năm ngón tay mòn cũ / vân vê tàn thuốc lá / cháy như mùa lặng lẽ / trên môi”, (Cháy như mùa lặng lẽ trên môi).
Ngẫu khúc có vẻ đẹp đích thực của huyền mỹ, hàm tiếu; 59 bài thơ không phải là “hợp xướng” của số đông, mà là những nốt nhạc trần từ chốn tịnh không, cất lên để người đọc cùng tri âm, chiêm nghiệm và ngộ ra dư ba, âm hưởng của thi ca./.
Hà Nội, trung tuần tháng 8, thu 2023
NĐH