Nước & biến đổi khí hậu

Thụy Hậu|14/05/2020 14:29

(VLR) Nếu bạn đang cầm trên tay một ly nước sạch, hãy thật sự trân trọng nó vì hiện nay có đến hàng trăm triệu người trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo, kém phát triển chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch. Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng khốc liệt, gây tác động tiêu cực tới nguồn nước. Dự báo đến năm 2050, sẽ có hơn 4,5 tỷ dân có nguy cơ bị thiếu nước ngọt nếu các quốc gia không đề ra được những mục tiêu mới để cải thiện nguồn nước theo các tiêu chí phát triển bền vững.

Nguồn nước trước tác động của BĐKH

BĐKH đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ tới tài nguyên thiên nhiên, môi trường tự nhiên và các hoạt động kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống con người. Trong đó, tài nguyên nước chịu tác động sớm nhất của hiện tượng này. Trong năm vừa qua (2019), chúng ta chứng kiến những sự kiện thời tiết cực đoan ở hầu hết mọi nơi trên thế giới như: bão Idai ở Mozambique, bão Hagibis ở Japan, sóng nhiệt chết người ở một số nơi như Ấn Độ, Hà Lan, Pháp, nóng kỷ lục ở châu Âu, cháy rừng ở California, lũ lụt ở Venice (Ý)… và nhiều thiên tai khác. Và đầu năm nay, cả thế giới bàng hoàng trước vụ cháy rừng khủng khiếp nhất lịch sử nước Úc mà theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính gây cháy rừng là do BĐKH.

Theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), trên toàn cầu có hơn 785 triệu người không được sử dụng dịch vụ nước uống an toàn. Trên khắp vùng cận sa mạc Sahara của châu Phi, 30% - 50% hệ thống cấp nước nông thôn không hoạt động sau 5 năm xây dựng...

Các quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia nghèo đói như Bangladesh, Pakistan, Nigeria,… đang đối diện với tình trạng thiếu nước trầm trọng, buộc phụ nữ và trẻ em phải dành ra nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày để đi tìm nguồn nước và gánh về sử dụng.

Không khó để bắt gặp hình ảnh những cô, cậu bé Ấn Độ gầy guộc, đen nhẽm vác chai nhựa đi bộ hàng chục cây số theo dân làng để lấy nước thay vì thời gian này, các em dùng để học tập, vui chơi. Hay hình ảnh người dân Kenya vây quanh miệng giếng khoan ngoài trời, tranh nhau từng giọt nước phục vụ cho nhu cầu tối thiểu nhất là nấu ăn và uống để thấy rằng, nguồn nước ngọt là hữu hạn và trước tác động của BĐKH như hiện nay, nước ngọt sẽ ngày càng khan hiếm hơn.

Tại Việt Nam, BĐKH đã tác động trực tiếp và sâu sắc đến tài nguyên nước. Tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa trên cả nước ở nhiều vùng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Hiện tượng suy thoái đất diễn ra nhanh dưới tác động của BĐKH, nước biển dâng, trong đó tình trạng sa mạc hóa ở các tỉnh Nam Trung Bộ và sụt lún làm ngập lụt, hạn hán và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng dẫn đến nước thải tại nhiều nơi không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường cho dòng sông, suối, tầng chứa nước, ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn nước.

Hưởng ứng ngày nước thế giới

Ngày Nước Thế giới (22/3) năm 2020 lấy chủ đề “Nước và Biến đổi khí hậu” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài nguyên nước, các giải pháp quản lý bền vững nguồn nước nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH. Việc tập trung vào chủ đề này cũng đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về sự thay đổi điều kiện khí quyển và đại dương đang định hình lại chu trình thủy văn toàn cầu hiện nay.

Khi dân số toàn cầu tăng lên dẫn đến nhu cầu về nước tăng khiến cho tài nguyên thiên nhiên này trở nên cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi. Do đó, các giải pháp về bảo vệ các nguồn tài nguyên nước, bảo vệ vùng đất ngập nước cũng như áp dụng các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thông minh, tăng cường tái sử dụng nước thải an toàn để ứng phó với BĐKH là những giải pháp mà chủ đề ngày Nước Thế giới năm 2020 hướng tới.

Tại Việt Nam, để bảo đảm an ninh nguồn nước trước tác động của BĐKH cần tiếp tục thực hiện tốt quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở tất cả các cấp, thực hiện bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái liên quan đến nước (núi, rừng, đầm lầy, sông, tầng nước ngầm và hồ). Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển về các hoạt động, chương trình liên quan đến nước và vệ sinh, bao gồm: thu gom nước, khử muối, xử lý nước thải; hỗ trợ và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc cải thiện quản lý nước và vệ sinh môi trường…

Trước tình hình hiện tại, với việc dân số ngày càng tăng, đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng nước cũng tăng theo, tài nguyên nước ngọt sẽ tiếp tục suy giảm. Thế nên, tình trạng thiếu nước ở nhiều khu vực trên toàn thế giới chắc chắn chưa thể chấm dứt và đòi hỏi mỗi quốc gia cùng cộng đồng quốc tế phải nỗ lực hơn nữa, cùng nhau đề ra được những mục tiêu mới để cải thiện nguồn nước theo các tiêu chí phát triển bền vững. Mỗi chúng ta, cần thay đổi thói quen, tiết kiệm và đề ra phương án sử dụng nước hiệu quả nhất để sau này, khi chúng ta già đi, thế hệ tương lai vẫn còn nước ngọt để sử dụng.

Một số thông điệp ngày nước thế giới 2020

• Chúng ta không thể chờ đợi! Các nhà hoạch định chính sách khí hậu phải đặt Nước là trung tâm của các kế hoạch hành động.

• Nước có thể giúp chống lại biến đổi khí hậu! Chúng ta cần có các giải pháp về vệ sinh và nước một cách bền vững với chi phí hợp lý.

• Tất cả mọi người đều có vai trò trong vấn đề Nước và BĐKH. Ngay cả từ các hộ gia đình cũng cần phải có phương án sử dụng nước hiệu quả hơn.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nước & biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO