Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM cho biết, trong thời gian gần 6 năm dài vừa qua, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và thị trường BĐS TP. HCM nói riêng đã trải qua nhiều biến động, thách thức và hiện tại vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cho việc phục hồi, dù rằng các dấu hiệu phục hồi của thị trường trong quý 2/2024 này đã có dấu hiệu khá rõ nét hơn.
Hiện nay, theo chương trình xây dựng pháp luật, Quốc hội có thể thông qua việc cho phép có hiệu lực sớm với ba Luật quan trọng hàng đầu mà hầu hết cộng đồng doanh nhân, những nhà đầu tư trong và ngoài nước đang quan tâm, kỳ vọng và nóng lòng chờ đợi, đấy là Luật Đất Đai năm 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất Động sản năm 2023.
Cả ba luật này dự kiến sẽ có hiệu lực sớm từ ngày 01/8/ 2024 thay vì phải chờ đến ngày 01/ 01/ 2025. Với việc ba luật nêu trên có thể có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, HREC đánh giá đây là một bước đi quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ xuyên suốt từ năm 2020 đến nay nhằm giúp thị trường BĐS sớm phục hồi để có thể bước vào một chu kỳ mới: Ổn định và Phát triển bền vững hơn.
Tọa đàm nhằm góp phần phác hoạ bức tranh về các xu hướng pháp lý lẫn bối cảnh thị trường bất động sản trong chu kỳ mới bên cạnh việc cập nhật thông tin, chia sẻ giải pháp, thực hiện các giải đáp và nêu các quan điểm từ những chuyên gia đầu ngành để giải quyết các thực tế khó khăn trong quá khứ, hiện tại lẫn hướng đến tương lai mới của thị trường.
Và đồng thời làm sao để các doanh nghiệp bất động sản hay liên quan đến bất động sản có thể nhanh chóng tận dụng được các quy định mới đang sớm được đưa vào thực tiễn để có thể nắm bắt được cơ hội, tạo ra các giá trị cho sự phát triển bền vững khi hành lang pháp lý mới đang dần trở nên rõ ràng và minh bạch hơn.
Về phía đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đã cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều thông tin mới về thay đổi liên quan đến việc phân lô, bán nền như mở rộng khu vực cấm phân lô, bán nền; điều kiện được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án phân lô, bán nền; quy định không được thực hiện dự án phân lô, bán nền tại các phường của đô thị loại đặc biệt, loại I, II, III...
Một số điểm mới nổi bật tại Luật Nhà ở năm 2023 quy định rõ các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm: Giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án, giai đoạn kết thúc xây dựng dự án, giai đoạn đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở... Theo ông, việc này sẽ giúp minh bạch về trình tự, thủ tục dự án bất động sản, đó chính là điều doanh nghiệp cần lưu tâm.
Khi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực thì thời gian làm thủ tục sẽ được rút gọn xuống còn 160-300 ngày, thay vì phải mất đến 600 ngày hay nhiều năm mới xong khiến chi phí tăng, giá nhà đội lên.
Còn với nhà ở xã hội, ông Khiết cho hay, luật cũ quy định chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải xác định giá đất, sau đó mới đề nghị miễn khoản tiền này. Còn Luật mới lại quy định chủ đầu tư nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà không phải thực hiện thủ tục xác định số tiền được miễn và cũng không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn khoản tiền này. Điều này sẽ giúp các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phát triển dự án nhanh hơn, giúp tăng nguồn cung nhà ở xã hội.