Tháng 6/1989, UBND tỉnh Đồng Nai thành lập Xí nghiệp Cảng Đồng Nai (nay là Công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai - PDN). Đó là thời điểm đất nước mới bước vào đổi mới nên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh phí hoạt động ban đầu của đơn vị từ thuế phải nộp của các doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải (GTVT) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được để lại. Bây giờ, nhìn lại 35 năm đã qua, PDN đã có biết bao thay đổi, tạo những dấu ấn, thành tựu và đang vươn mình trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong hàng loạt “dấu mốc” trên chặng đường phát triển, phải kể đến sự kiện, ngày 04/01/2006, Cảng Đồng Nai chuyển đổi thành công ty cổ phần và chính thức đi vào hoạt động với vốn điều lệ là 34,9 tỷ đồng. Năm 2010, cổ phiếu của công ty được niêm yết và giao dịch trên sàn UPCoM (mã chứng khoán PDN).

Cảng Đồng Nai gồm 2 khu vực cảng thương mại quốc tế: Cảng Long Bình Tân và Cảng Gò Dầu. Đây là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam là TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

ma-so-du-thi-34.jpg
Ảnh: Phan Văn Phú

Ngoài việc kinh doanh khai thác cảng biển phục vụ tàu quốc tế các tuyến nội Á về hàng tổng hợp với sản lượng thông qua hàng năm trên 7 triệu tấn đã đóng góp không nhỏ cho hoạt động khai thác cảng biển trong khu vực. Hiện nay, PDN – phân nhánh Cảng Long Bình Tân đang dần dần khẳng định vị thế trọng yếu trong việc kết nối giao thương phục vụ xuất nhập khẩu hàng container đi các thị trường quốc tế của khu vực miền Đông Nam Bộ.

Hệ thống sông Thị Vải, sông Đồng Nai cho phép hàng hóa được vận chuyển đường sông từ cảng biển nước sâu cụm cảng Cái Mép của Bà Rịa - Vũng Tàu, cụm cảng TP. Hồ Chí Minh đến trung tâm trung chuyển là Cảng Đồng Nai (và ngược lại), từ đó tiếp tục kết nối quá trình nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa bằng đường bộ của các vùng nội địa Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận, Lào, Campuchia...

PDN ngày càng tăng trưởng đáng tự hào. Năm 2023, PDN tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận; cụ thể, doanh thu đạt 1.100 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 295 tỷ đồng, tăng lần lượt 9,3% và 26% so với năm 2022.

Năm 2024, trong quý I, tổng doanh thu tăng trưởng tới 38%, đạt 316 tỷ đồng. Theo ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc PDN, doanh thu tăng trưởng trong quý I/2024 là do kim ngạch xuất khẩu đối với một số thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc có dấu hiệu tăng trở lại làm cho nhu cầu hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa xuất khẩu phục hồi.

Bên cạnh đó, công trình sân bay Long Thành, các công trình trọng điểm như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường vành đai 3 – TPHCM, cao tốc Bến Lức – Long Thành đang triển khai đưa vào xây dựng, tạo cơ hội cho việc khai thác nguồn hàng nguyên vật liệu xây dựng.

PDN đã và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng làm hàng container kịp thời, giảm tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại cảng nhằm đáp ứng nhu cầu sản lượng tăng cao của khách hàng cũng như tăng sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại cảng. Kết quả, sản lượng container qua cảng tăng gần 56%, sản lượng hàng tổng hợp tăng trên 13% so với cùng kỳ.

Trong khi doanh thu tăng trưởng tới 38%, tổng chi phí trong kỳ chỉ tăng trên 29%. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh trên 59%, đạt 85 tỷ đồng. Kết quả khả quan này có được do Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận cho xe ô tô hướng từ TPHCM sau khi qua cầu Đồng Nai được phép rẽ phải vào cảng Đồng Nai, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khu vực Bình Dương và TPHCM đi vào cảng.

Vào tháng 10/2022, Tổng cục Hải quan đã chấp thuận hàng hóa quá cảnh thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải tại PDN, tạo điều kiện vận dụng được nguồn hàng hóa vận chuyển quá cảnh từ Campuchia đi các cảng khu vực Cái Mép để xuất tàu. Thêm vào đó, hệ thống máy soi chiếu container cũng đã được Cục Hải quan Đồng Nai đưa vào vận hành tại cảng từ tháng 11/2022, góp phần tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc kiểm tra và thông quan hàng hóa cũng như nâng cao vai trò cảng cửa khẩu của 02 khu vực Cảng Gò Dầu và Cảng Long Bình Tân.

Khi đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 - TPHCM đến sân bay Long Thành đi vào hoạt động, PDN sẽ là trung tâm kết nối vùng và quốc tế về dịch vụ thương mại, logistics và công nghiệp công nghệ cao. Từ đó tối ưu nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các khu vực lân cận trong vùng.

Năm 2023, việc thành lập Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đồng Nai đã tạo điều kiện thuận lợi khai thác thêm nhiều mặt hàng thông qua cảng, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng xuất khẩu hàng sắt, thép vận chuyển đi Campuchia…

Giai đoạn từ nay đến 2025, PDN tiếp tục mở rộng bến bãi, đầu tư trang thiết bị xếp dỡ, cơ sở hạ tầng kho bãi. Tại khu vực Cảng Long Bình Tân sẽ đầu tư thêm cầu tàu chuyên dụng làm hàng container, nâng tổng chiều dài cầu tàu lên 460m; mở rộng diện tích bãi, nâng tổng diện tích bãi lên 25,6 hecta; đầu tư thêm 10.000m2 kho khai thác hàng KNQ và CFS, nâng tổng diện tích kho lên 33.000 m2.

Tại Cảng Gò Dầu sẽ đầu tư 02 cầu cảng với tổng chiều dài 415m tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 DWT; mở rộng diện tích bãi thêm 9 ha.

Đầu tháng 4/2024, PDN đã chọn Công ty CEH để triển khai ứng dụng quản lý điều hành Cảng (VTOS) thay thế cho phần mềm cũ không còn phù hợp nhằm chuyển đổi số toàn diện quy trình khai thác cảng, tích hợp hệ thống cảng biển số Việt Nam (VSL), là mảnh ghép quan trọng trong hệ thống kết nối các cảng thuộc khu vực Đông Nam Bộ.

Giám đốc điều hành Công ty CEH, ông Tạ Minh Vang cũng bày tỏ cam kết dành nguồn lực tối đa để triển khai, đào tạo, vận hành theo đúng kế hoạch của Ban Dự án. Với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, nền tảng VTOS “Made in Vietnam”, được thiết kế bởi các kỹ sư trẻ ngày càng dành được niềm tin từ doanh nghiệp logistics, dần thay thế các sản phẩm nước ngoài, khẳng định trí tuệ Việt và sẵn sàng lên đường ra biển lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
PDN 35 NĂM: Khẳng định thương hiệu trong chuỗi giá trị logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO