Cảng Chu Lai có vị trí địa lý thuận lợi, kết nối với các khu vực công nghiệp và các vùng, miền
Nhiều tiềm năng từ Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Vùng duyên hải miền Trung của Việt Nam sở hữu các cảng biển nước sâu, mạng lưới các sân bay mới và hệ thống đường sắt. Nhờ vậy, có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm logistics cấp quốc gia và khu vực, kết nối Hành lang kinh tế Bắc - Nam, Hành lang kinh tế Đông - Tây của Việt Nam và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển dịch vụ vận tải và logistics. Cụ thể, ngày 9/12/2020, Bộ GTVT và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn về nghiên cứu khung phát triển vận tải và logistics khu vực duyên hải miền Trung.
Đại diện đơn vị thực hiện nghiên cứu, ông Phạm Thanh Tùng, Tư vấn cao cấp ADB cho biết, nghiên cứu về khung phát triển vận tải và logistics ở vùng duyên hải miền Trung, Việt Nam được thực hiện nhằm đánh giá tình hình kết cấu hạ tầng GTVT và logistics, kế hoạch phát triển và các hoạt động cần triển khai tại khu vực miền Trung. Đồng thời, xem xét một cách thận trọng để tăng cường vận tải qua biên giới và vận tải đa phương thức tại khu vực miền Trung, xác định các dự án phát triển GTVT và logistics để ADB có thể hỗ trợ.
Phạm vi nghiên cứu là chuẩn bị khung phát triển logistics và danh mục ban đầu của các dự án tiềm năng về phát triển logistics, trong đó chú trọng tới nâng cấp hạ tầng, các khu vực cần nâng cao hoạt động dịch vụ logistics và các biện pháp phát triển mạng lưới logistics tích hợp phục vụ cho các tỉnh cũng như cho toàn bộ khu vực. Cùng với đó là các biện pháp nhằm tăng cường dịch vụ GTVT và logistics tiết kiệm năng lượng; Các biện pháp nhằm nâng cao thuận lợi thương mại; Cải tiến các quy định và thể chế; Các mô hình sáng kiến về tài chính.
Trên cơ sở các kết quả khảo sát, nghiên cứu, báo cáo cuối kỳ của nghiên cứu đã kiến nghị các giải pháp chính để phát triển vận tải và logistics khu vực. Theo đó, nâng cao mạng lưới logistics với việc phát triển một cảng nước sâu quy mô lớn, bố trí hệ thống đa cảng biển và nhiều cổng ra vào; Tiến hành cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay; Thúc đẩy việc phát triển cảng cạn, trung tâm logistics, các bãi xe tải và cơ sở logistics. Chuyển dịch phương thức vận tải từ đường bộ sang hàng hải và đường sắt; Cải thiện về các quy định và thể chế trong lĩnh vực này.
Đồng thời, xây dựng đường cao tốc nối với các cảng biển nhằm thúc đẩy có hiệu quả vận tải tuyến Hành lang Đông - Tây và hỗ trợ các nhà vận chuyển/chủ hàng chọn được cảng biển thuận tiện cho xuất nhập khẩu hàng hóa. Phát triển cảng cạn và trung tâm logistics gắn kết chặt chẽ với cảng biển, sân bay, hệ thống đường bộ cao tốc và đường sắt. Cần sớm đầu tư xây dựng ga hàng hóa cảng hàng không để phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng.
Tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, để cải thiện hiệu quả hoạt động logistics của Vùng duyên hải miền Trung, điều cấp thiết là phải phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay, các cảng nội địa (ICD), các bến xe tải và trung tâm dịch vụ logistics.
Cùng với đó, từ năm 2017, Ban Vận tải Hiệp hội VLA tại Hội nghị “Phát triển thương mại thông qua vận tải xuyên biên giới tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây”, cũng đã có ý kiến đề xuất về việc phát triển hệ thống logistics Vùng duyên hải miền Trung, cụ thể về định hướng phát triển, để Chu Lai trở thành trung tâm logistics của vùng. Việc thiết lập trung tâm logistics Chu Lai là hoạt động thiết yếu trong thời điểm hiện tại sẽ góp phần kích cầu thương mại tại khu vực duyên hải miền Trung và các vùng lân cận.
Quan điểm của VLA về phát triển hạ tầng logistics Chu Lai
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Chu Lai – Quảng Nam có một vị trí thuận lợi để phát triển là trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm logistics cấp vùng.
Trung tâm logistics Chu Lai là địa điểm trung chuyển các luồng hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu và quá cảnh theo hướng Bắc - Nam và Hành lang kinh tế Đông - Tây
Theo ý kiến đề xuất của Ban Vận tải Hiệp hội VLA, Chu Lai hội tụ đủ những yếu tố để trở thành một trung tâm logistics. Chu Lai với lợi thế nằm ở ngay Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Ngoài việc có sẵn hệ thống các chủ hàng như KCN VSIP Nghệ An, KCN Bắc Chu Lai, Khu kinh tế mở Chu Lai, cảng Chu Lai còn nằm gần QL1 và kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hành lang kinh tế Đông – Tây, kế bên là sân bay Chu Lai, cảng Dung Quất. Bên cạnh đó, cảng Chu Lai có công suất 3 triệu tấn/năm, cầu cảng dài 500m, độ sâu trước bến -9,5m, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu có trọng tải đến 30.000 tấn.
Trung tâm logistics Chu Lai là địa điểm trung chuyển các luồng hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu và quá cảnh theo hướng Bắc - Nam và Hành lang kinh tế Đông - Tây, phục vụ cho các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, các luồng hàng từ cảng Liên Chiểu, cảng Đà Nẵng đến các tỉnh trong và ngoài vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các luồng hàng quá cảnh từ Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan.
Đồng thời, Chu Lai sẽ đảm nhận chức năng đầu mối giao thông và là điểm trung chuyển giữa các phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt, đường biển và đường hàng không.