Phương pháp tính chi phí logistics quốc gia (Phần 1)

27/11/2017 14:45

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Việc tính toán chi phí logistics trở thành mối quan tâm của rất nhiều quốc gia để có thể hiểu rõ hơn về hệ thống logistics từ đó có được chính sách và chiến lược phù hợp nhằm cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới, chưa có cách tính duy nhất cho tổng chi phí logistics quốc gia, do mỗi quốc gia khác nhau có những đặc điểm khác nhau. Dưới đây là một vài phương pháp tính tổng chi phí logistics quốc gia trên thế giới có thể nghiên cứu áp dụng tại Việt Nam.

(Vietnam Logistics Review) Việc tính toán chi phí logistics trở thành mối quan tâm của rất nhiều quốc gia để có thể hiểu rõ hơn về hệ thống logistics từ đó có được chính sách và chiến lược phù hợp nhằm cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới, chưa có cách tính duy nhất cho tổng chi phí logistics quốc gia, do mỗi quốc gia khác nhau có những đặc điểm khác nhau. Dưới đây là một vài phương pháp tính tổng chi phí logistics quốc gia trên thế giới có thể nghiên cứu áp dụng tại Việt Nam.

Tính tổng chi phí logistics qua số liệu thống kê

Với phương pháp này, tổng chi phí logistics được tính toán trên cơ sở số liệu thống kê có sẵn từ các nguồn khác nhau, thống kê vĩ mô về kế toán, tài chính, sản phẩm đầu vào và đầu ra của cả nước, dữ liệu từ các doanh nghiệp, dữ liệu về thương mại, sản xuất… Phương pháp này thường được tiếp cận từ phía cung – người cung cấp dịch vụ logistics.

Cụ thể, tổng chi phí logistics của Liên minh châu Âu EU (European Union) được tính toán dựa trên các nghiên cứu và số liệu của Ủy ban châu Âu EC (European Commission) về logistics, Tổng cục thống kê của các quốc gia thành viên và Cục thống kê của EU (Eurostat).

Chi phí logistics của Mỹ được tính toán bằng phương pháp CASS do Hội đồng các chuyên gia về quản trị chuỗi cung ứng (CSCMP) đưa ra, trong đó chi phí hàng dự trữ (inventory cost) được tính theo công thức cố định với số liệu công bố bởi Cục Thương mại và Cục Điều tra dân số, chi phí vận tải được tính dựa vào Báo cáo Vận tải ở Mỹ do Tổ chức Vận tải ENO xuất bản, chi phí hành chính được tính bằng 4% tổng hai chi phí kia.

Các thuật toán được sử dụng theo phương pháp này cũng tương đối đơn giản. Tổng chi phí logistics bao gồm các chi phí thành phần. Tùy từng nghiên cứu mà các thành phần này khác nhau, thường bao gồm: chi phí vận tải, chi phí hàng dự trữ, chi phí hành chính, chi phí quản lý, chi phí thông tin, chi phí xử lý đơn hàng,… Từng chi phí thành phần lại tiếp tục được chia nhỏ, ví dụ chi phí vận tải chia theo các loại hình vận tải: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường ống. Đối với mỗi loại hình vận tải, chi phí được tính bằng số dặm đường nhân chi phí trung bình trên một dặm đường (vehicle-miles) (Mỹ) hoặc chi phí vận hành phương tiện là tổng của chi phí nhiên liệu, nhân công, bảo hiểm, bảo trì, sửa chữa, khấu hao (Hàn Quốc).

Theo phương pháp này, việc thu thập dữ liệu có thể mất khá nhiều thời gian. Ở Nam Phi, khi áp dụng phương pháp tính tổng chi phí logistics qua số liệu thống kê, số liệu về tổng chi phí logistics đang xem xét thường được đưa ra chậm 2 năm, chẳng hạn Báo cáo logistics lần 8 (năm 2012) đưa ra kết quả tính tổng chi phí logistics năm 2010. Bên cạnh đó một số dữ liệu cần thiết chỉ được đưa ra vào giữa năm tiếp theo, sau đó lại cần thêm nhiều tháng để thực hiện tính toán. Để khắc phục vấn đề này, người ta phải tiến hành ước lượng số liệu năm nay dựa vào kết quả có sẵn từ các năm trước, có thể có những chỉ tiêu chưa có sẵn kết quả thì cần phải tính toán bằng phương pháp riêng. Chẳng hạn ở Hàn Quốc, chi phí vận tải trên các tuyến đường tư nhân (private road) không được thống kê và không thể áp dụng phương pháp tính chi phí như trên tuyến đường công cộng (public road) nên Viện Giao thông vận tải Hàn Quốc (KOTI) phải tự tính toán. Tương tự khi tính tổng chi phí logistics ở Mỹ, chi phí nhà kho tư nhân cũng phải tính toán độc lập vì Ban Thương mại thuộc Cục Điều tra dân số Mỹ chỉ thống kê chi phí nhà kho công.

Đã có khá nhiều nghiên cứu về tính tổng chi phí logistics quốc gia sử dụng phương pháp số liệu thống kê như: Nghiên cứu chính sách thương mại ứng dụng (Shepherd, 2011); 100 dịch vụ logistics và vận tải hàng đầu châu Âu (Kiaus & Kille, 2007); Phân tích logistics của Canada/Mỹ; Điều tra về logistics của Nam Phi, Số liệu thống kê về chi phí logistics của CFLP của Trung Quốc; Báo cáo logistics của các quốc gia như Thụy Điển, Hà Lan, Thái Lan, Hàn Quốc, Maroc, Thụy Sỹ. Bảng 1 đã thống kê các nghiên cứu về tính tổng chi phí logistics quốc gia theo phương pháp trên.

Tính tổng chi phí logistics quốc gia bằng tình huống

Việc tính tổng chi phí logistics quốc gia bằng tình huống được sử dụng khi không có đủ số liệu thống kê và không thực hiện được điều tra. Những nghiên cứu sử dụng phương pháp này cũng thường khá đa dạng và khó so sánh với nhau.

Trên thế giới, tổng chi phí logistics thường được ước lượng so với GDP của một quốc gia. Tỷ trọng này càng cao thì càng chứng tỏ cơ cấu nền kinh tế của nước đó chưa tối ưu và có thể lĩnh vực logistics còn yếu kém chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của quốc gia đó. Các con số thống kê chỉ ra, tỷ trọng này là khoảng 8%10% GDP ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, châu Âu và khoảng 18%-25% GDP ở các quốc gia đang phát triển gồm Trung Quốc, Mexico và một số nước châu Á khác.

Phương pháp này đã được sử dụng trong nghiên cứu về chi phí logistics của vùng Đông Nam Á của Ngân hàng thế giới (World Bank - WB) năm 2008 để điều tra tổng chi phí logistics của các quốc gia: Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia, Brunei, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Việt Nam, Philippines. Các bảng câu hỏi trong phương pháp này liên quan đến hoạt động logistics trong thông quan, cảng, vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ, đường thủy và dịch vụ logistics.

(còn tiếp)


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phương pháp tính chi phí logistics quốc gia (Phần 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO