Quảng Ninh ưu tiên cho phát triển dịch vụ cảng biển

28/05/2018 16:05

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Theo số liệu của Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, năm 2017, sản lượng hàng hóa thông qua các khu vực hàng hải Quảng Ninh đạt 86,5 triệu tấn, 16.392 lượt tàu biển và 98.041 lượt hành khách. Chỉ tính riêng quý I-2018, sản lượng hàng hóa đạt 23,5 triệu tấn, 5.444 lượt tàu biển và 75.000 lượt hành khách. Riêng mặt hàng container, kể từ khi mở tuyến ACS đến nay đã có 133.000 Teus, tương ứng với 1,5 triệu tấn thông qua cảng Cái Lân. Bước sang năm 2018, tình hình cũng rất khả quan khi 4 tháng đầu năm đã có gần 41.000 lượt tàu thuyền ra, vào các cảng biển trên địa bàn tỉnh (tăng 31% so với cùng kỳ năm 2017), với tổng số lượng hàng hóa trung chuyển đạt trên 30 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017.

(Vietnam Logistics Review) Theo số liệu của Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, năm 2017, sản lượng hàng hóa thông qua các khu vực hàng hải Quảng Ninh đạt 86,5 triệu tấn, 16.392 lượt tàu biển và 98.041 lượt hành khách. Chỉ tính riêng quý I-2018, sản lượng hàng hóa đạt 23,5 triệu tấn, 5.444 lượt tàu biển và 75.000 lượt hành khách. Riêng mặt hàng container, kể từ khi mở tuyến ACS đến nay đã có 133.000 Teus, tương ứng với 1,5 triệu tấn thông qua cảng Cái Lân. Bước sang năm 2018, tình hình cũng rất khả quan khi 4 tháng đầu năm đã có gần 41.000 lượt tàu thuyền ra, vào các cảng biển trên địa bàn tỉnh (tăng 31% so với cùng kỳ năm 2017), với tổng số lượng hàng hóa trung chuyển đạt trên 30 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017.

Với 250km đường biển, Quảng Ninh hiện có 6 khu vực hoạt động hàng hải, tuy nhiên, hiện mới có 4 khu vực hàng hải: Hòn Gai, Cẩm Phả, Móng Cái và Quảng Yên đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường biển, phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, khu vực Hòn Gai đã được rất nhiều chủ tàu, chủ hàng lựa chọn. Năm 2017 là năm đánh dấu sự tăng trưởng trở lại của vận tải container đến khu vực cảng biển Quảng Ninh nói chung, bến cảng Cái Lân nói riêng. Đặc biệt, tháng 6-2017, Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Cái Lân (CICT) đã công bố khai trương tuyến tàu mới ACS (liên minh giữa Hãng tàu Hyundai Merchant Marine và Gold Star Line), đón các tàu chở container cỡ lớn trên 5.000 Teus vào làm hàng mỗi tuần. Đây là lần đầu tiên tàu container cỡ lớn với sức chở đến 5.000 Teus ra, vào cảng Cái Lân, tạo đột phá trong thu hút các hãng tàu có trọng tải lớn trên thế giới, đánh dấu vào bản đồ vận tải container tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, góp phần tăng trưởng hàng hóa tại khu vực cảng biển Hòn Gai. So với năm 2016, mặc dù số tàu biển đến cảng Hòn Gai năm 2017 giảm, nhưng hàng hóa thông qua cảng lại tăng, do xu thế vận tải biển thế giới hiện nay chủ yếu sử dụng các tàu biển có trọng tải lớn để tiết giảm chi phí…

Cùng với cảng biển Hòn Gai, hoạt động các khu vực hàng hải Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh việc quan tâm đầu tư cho các bến cảng, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đã tăng cường phối hợp với các đơn vị, chủ tàu, đại lý để thực hiện thủ tục tàu biển trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định. Theo đó, tàu biển ra, vào khu vực cảng biển Quảng Ninh thực hiện khai báo, cấp giấy phép rời cảng bằng điện tử. Đối với tàu khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cũng chủ động thực hiện thủ tục nhanh gọn, đúng quy định pháp luật…

Hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại cảng Cái Lân

Ngoài ra, hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng ngày một hoàn thiện. Cụ thể: Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm đã được triển khai và chuẩn bị đưa vào khai thác, như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, đường nối Quốc lộ 18 vào KCN cảng biển Hải Hà và trong tương lai có thêm tuyến cao tốc Móng Cái - Vân Đồn… Những tuyến đường này sẽ kết nối chặt chẽ các cảng, cụm cảng, các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp và cửa khẩu của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, có ưu thế tuyệt đối để cạnh tranh phát triển cảng biển và Logistic.

Xác định được tầm quan trọng của cảng biển trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, thời gian qua các cơ quan thực thi công vụ tại cảng đã có nhiều nỗ lực, phối hợp tốt, có những giải pháp mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa các quy trình thủ tục, mức phí và lệ phí theo quy định. Cụ thể, đã đưa phần mềm quản lý mới thay thế phần mềm cũ, lạc hậu; năng lực bốc xếp hàng hóa ngày càng được nâng cao, thời gian làm hàng cũng được rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho khách hàng. Mặc dù có rất nhiều lợi thế, song hiện nay hoạt động cảng biển tại Quảng Ninh vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, dẫn đến yếu tố cạnh tranh còn yếu, thiếu nguồn hàng. Điều này đã khiến hầu hết các cảng đang dư thừa năng lực, lượng hàng hóa thông qua các cảng còn ở mức khá khiêm tốn. Đơn cử như cảng biển khu vực Hòn Gai, mặc dù có đầy đủ các yếu tố trở thành khu vực cảng biển tổng hợp then chốt của Việt Nam và quốc tế, tuy nhiên, các hãng tàu nước ngoài đến cảng cũng như các chủ hàng còn đắn đo khi lựa chọn giữa cảng biển này với cảng biển Hải Phòng.

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất tại các bến cảng khu vực Hòn Gai là kết nối giao thông sau cảng. Bởi khoảng cách từ Hòn Gai đi các tỉnh phía Bắc dài hơn so với việc xuất phát đi từ Hải Phòng, điều này dẫn đến việc tăng phí vận tải nội địa cho các hãng tàu, chủ hàng. Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ hàng hải tại khu vực Hòn Gai mới chỉ dừng lại ở việc làm đại lý tàu biển, dịch vụ lai dắt hỗ trợ, cung ứng một số loại hình dịch vụ đơn giản. Các dịch vụ đòi hỏi trình độ cao, như: Sửa chữa, bảo dưỡng máy móc tàu, lặn ngầm khảo sát thân vỏ tàu… còn phải huy động các cơ sở dịch vụ từ khu vực Hải Phòng thực hiện.

Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, để cảng biển phát triển, Quảng Ninh sẽ tổ chức rà soát, quy hoạch và có định hướng dài hơi cho từng vị trí cảng. Hướng phát triển cảng biển sẽ gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp để khai thác theo chiều sâu, có hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ có chính sách hỗ trợ bền vững để chủ tàu, chủ hàng, chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ lựa chọn khu vực cảng biển Quảng Ninh; mở rộng các loại hình dịch vụ như: đại lý hàng hải, cung ứng thiết bị tàu biển, sửa chữa và đóng mới tàu, cho thuê bến bãi; công tác thủ tục hành chính cho tàu thuyền vào và rời cảng cần phải được làm tốt hơn nữa…

Theo đó, thông tin thủ tục hành chính đối với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp cần công khai, minh bạch và kịp thời; những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục được thống nhất tháo gỡ ngay; những vụ việc vượt thẩm quyền được báo cáo kịp thời, giải quyết nhanh chóng cho các doanh nghiệp. Song song với đó, cần xây dựng cơ chế giám sát chất lượng hoạt động dịch vụ và khuyến khích các doanh nghiệp cùng ngành nghề tham gia Hiệp hội để hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển, hướng tới tổ chức các chương trình xúc tiến, thu hút nguồn hàng bằng những lợi thế cạnh tranh.

Trong cuộc họp bàn công tác quản lý nhà nước về tàu biển chở hàng hóa vào địa bàn Quảng Ninh tổ chức vào tháng 5/2018, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát và quy hoạch lại hệ thống cảng biển địa phương và các bến thuỷ nội địa mang tầm cỡ quốc tế và khu vực, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả nhất và đảm bảo môi trường trong tương lai. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các dự án đang triển khai và đầu tư nâng cấp một số cảng khách du lịch và các cảng bốc xếp hàng hoá thông thương với Trung quốc như: Cảng Núi Đỏ, Mũi Chùa, Dân Tiến... Đồng thời, tập trung nghiên cứu đầu tư tổ hợp cảng biển lớn tại khu vực Đầm Nhà Mạc (thị xã Quảng Yên); xây dựng cảng Hải Hà thành cảng trung chuyển hàng hoá lớn trong nước và quốc tế, chuyển mục đích sử dụng một số cảng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đầu tư hiện đại hoá hệ thống cảng biển là một trong những danh mục dự án mà tỉnh kêu gọi đầu tư để biến những lợi thế thành cơ hội phát triển.

Đặc biệt, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cần phải tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất để các chủ tàu, hãng tàu, thuyền yên tâm khi vào cảng Quảng Ninh; các ngành chức năng phối hợp làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, tạo thuận lợi nhất trong quá trình giao nhận hàng hóa tại cảng… Có như vậy, lợi thế cảng biển của Quảng Ninh mới phát huy được hiệu quả cao, trở thành một trong những ngành dịch vụ đứng đầu trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh ưu tiên cho phát triển dịch vụ cảng biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO