Sự kiện 2023: Tổ chức Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Logistics

Đức Trung (tổng hợp)|29/01/2023 16:26

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam (tên viết tắt VILOG) dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương Việt Nam (cụ thể hai đơn vị đầu mối là Cục Xúc tiến thương mại và Cục Xuất nhập khẩu), thực hiện bởi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và VINEXAD sẽ chính thức diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 10-12/8/2023 tại SECC (Nhà B), 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TP HCM.

pexels-photo-1117210.jpeg
Logistics Việt Nam phải phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có. Ảnh minh họa: Internet

Logistisc là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, với quy mô 40 - 42 tỷ đô/ năm. Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

Nhờ vào sự ổn định về chính trị, xã hội và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Thêm nữa, Việt Nam đã tận dụng những lợi thế từ đường bờ biển dài để có hệ thống cảng biển đạt công suất tối ưu; Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan, sản xuất duy trì ổn định, đặc biệt sự bùng nổ của thương mại điện tử đang phát triển như vũ bão ở cả hai chiều xuất khẩu và tiêu dùng trong nước giúp Việt Nam nâng tính cạnh tranh trở thành một trung tâm chung chuyển hàng hóa của thế giới, là “mắt xích” trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam được kỳ vọng trở thành “ngôi sao logistics” của Châu Á trong thời gian tới.

Bên cạnh lợi thế, những khó khăn và thách thức đồng thời hiện hữu như chi phí dịch vụ cao, áp lực lên cơ sở hạ tầng ngày một lớn. Theo các chuyên gia, ngành Logistics vẫn rất cần phát triển kết nối hạ tầng, hợp tác công tư mở rộng thành các trung tâm Logistics và chuỗi cung ứng toàn diện về lưu thông, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối.

Theo Bộ Công Thương, năm 2023, lần đầu tiên tại Việt Nam, triển lãm quốc tế chuyên ngành Logistisc được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương Việt nam (chỉ đạo bởi Cục Xúc tiến thương mại, cùng sự phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu).

Triển lãm được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Nhà tổ chức VINEXAD. Sự kết hợp giữa Hiệp hội mang "tiếng nói có trọng lượng” trong ngành Logistics và một nhà tổ chức chuyên nghiệp với kinh nghiệm và hệ thống mạng lưới đối tác sâu rộng, kỳ vọng sẽ tạo một sự kiện giúp thúc đẩy ngành công nghiệp Logistics Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, đồng thời tạo tiếng vang kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ vận hành, đào tạo nhân lực, thiết lập hệ sinh thái Xanh trong ngành Logistics.

Theo đó, năm 2023, Triển lãm sẽ được tổ chức đầu tiên tại TP HCM, từ ngày 10-12/8; với quy mô dự kiến 250 doanh nghiệp tham gia trưng bày trong các nhóm ngành hàng: 1. Vận tải & Giao nhận; 2. Hệ thống Kho & xếp dỡ hàng hóa; 3. Đóng gói; 4. Dịch vụ & Ứng dụng; 5. Công nghệ thông tin.

Điểm đặc biệt, Triển lãm Logistics sẽ được tổ chức đồng thời gian và địa điểm với Triển lãm Quốc tế chuyên nghành Vietfood & Beverage - Propack lần thứ 27. Mối giao thoa giữa 02 triển lãm ngành F&B và Logistics sẽ tạo thành chuỗi liên kết gia tăng hiệu quả thương mại, đa dạng hóa nguồn cung ứng, thúc đẩy cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và ngoại khối.

Chuỗi sự kiện sẽ có quy mô lớn nhất trong ngành F&B và Logistics với 800 gian hàng trưng bày, dự kiến thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia vùng lãnh thổ.

Mô hình triển lãm kết hợp tiếp tục là “Kim chỉ nam” trong năm 2023 được nhà tổ chức VINEXAD lựa chọn với mục tiêu đa dạng tệp khách hàng, phát triển chuyên ngành mục tiêu, đồng thời thúc đẩy giao thương hai chiều giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

1-10.02.jpg
Việt Nam đã được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Ảnh: Internet

* “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% – 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% – 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% – 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% – 20% GDP, xếp hạng theo Chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”. (Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025).

* Ứng dụng các công nghệ mới trong logistics, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất, thương mại của doanh nghiệp. Hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước, bao gồm các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý tương xứng với trình độ phát triển của dịch vụ logistics của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017)

Copy Link
Bài liên quan
  • Thuỷ sản Việt Nam và chìa khoá vàng logistics
    Với quy mô ngày càng mở rộng, ngành thủy sản hiện nay là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Thương hiệu “Thủy sản Việt Nam” không chỉ được khẳng định trong nước mà ngày càng hấp dẫn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được dự đoán sẽ cán mốc 11 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Sự kiện 2023: Tổ chức Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO