Tái cấu trúc - Việc cần làm ngay

01/01/1970 08:00

(VLR) Nhiều thông tin tiêu cực dồn dập đến cùng với sự thoái vốn của khối ngoại, thị trường chứng khoán ngày 1.10 rất tồi tệ. VN-Index giảm hơn 6 điểm với lượng thanh khoản èo uột. Trong khi đó, HNX-Index đã rơi xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử: 54.27 điểm. Những ngày tiếp đó và đến hết tháng 10, TTCK cũng không có gì sáng sủa. Hiện nay, với 370/700 mã chứng khoán đang giao dịch trên sàn dưới mệnh giá (10.000 đồng) có thể nhận xét rằng, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán VN hiện đang ở mức tệ hại nhất trong hơn 12 năm qua, kể từ ngày giao dịch (28.7.2000). Và như vậy, việc các công ty chứng khoán (CTCK) của ngành ngân hàng cũng cùng chung số phận với các CTCK khác là đang rơi vào tình cảnh khó khăn, nếu không có các biện pháp quản trị và tái cơ cấu tốt.

Nhiều thông tin tiêu cực dồn dập đến cùng với sự thoái vốn của khối ngoại, thị trường chứng khoán ngày 1.10 rất tồi tệ. VN-Index giảm hơn 6 điểm với lượng thanh khoản èo uột. Trong khi đó, HNX-Index đã rơi xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử: 54.27 điểm. Những ngày tiếp đó và đến hết tháng 10, TTCK cũng không có gì sáng sủa. Hiện nay, với 370/700 mã chứng khoán đang giao dịch trên sàn dưới mệnh giá (10.000 đồng) có thể nhận xét rằng, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán VN hiện đang ở mức tệ hại nhất trong hơn 12 năm qua, kể từ ngày giao dịch (28.7.2000). Và như vậy, việc các công ty chứng khoán (CTCK) của ngành ngân hàng cũng cùng chung số phận với các CTCK khác là đang rơi vào tình cảnh khó khăn, nếu không có các biện pháp quản trị và tái cơ cấu tốt.

NGHỊCH LÝ KHÓ HIỂU

Hai tháng sau khi lập đỉnh từ đầu tháng 5.2012, TTCK VN tái lập điệp khúc đi ngang và giảm của thời gian trước đó. Đến nay, tại 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TP.HCM có cổ phiếu có giá chỉ 900 đồng. Tuy nhiên, sự lo lắng của nhà đầu tư giờ đây không chỉ là giá cổ phiếu giảm mà còn là nên chọn CTCK nào để mở tài khoản. Bởi thời gian qua, đã có nhiều CTCK bị thua lỗ nhưng nhà đầu tư bị giấu thông tin, trong đó có CTCK bị phá sản, làm cho quyền lợi nhà đầu tư bị thiệt hại. Ngày 17.9.2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Chứng khoán ACB do tỉ lệ nợ ngắn hạn/tài sản ngắn hạn của công ty tại các thời điểm 30.6.2011, 30.9.2011, 31.12.2011 không đáp ứng các quy định về tổ chức và hoạt động CTCK. Dù đến ngày 31.3.2012, công ty đã khắc phục các lỗi vi phạm, nhưng vừa qua UBCKNN vẫn xử phạt 70 triệu đồng.

Theo giải thích của UBCKNN, dù thua lỗ lớn trong các năm vừa qua, nhưng nhiều CTCK vẫn đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính theo Thông tư 226/TT-BTC nên không bị đưa vào diện kiểm soát. Mới đây, UBCK đã đưa Công ty CP chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (mã SBS) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong sáu tháng, đến hết ngày 28.2.2013, dù được đánh giá còn khá ít so với số CTCK bị thua lỗ, nhưng động thái này cũng cảnh báo đến các CTCK phải tự tái cấu trúc để tránh rủi ro.

Cuối tháng 9.2012 vừa qua, SBS đã tiến hành lấy ý kiến cổ đông, nhằm thông qua hai nội dung chính là đề án tái cấu trúc tổ chức, hoạt động SBS và thông qua chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên chủ chốt, tương đương 5% vốn điều lệ tại thời điểm cuối năm 2012, 2013, và 2014. Theo thông tin công bố trước đó về thực trạng công ty tính đến 30.6.2012, tổng lỗ lũy kế của SBS lên tới 1.772 tỷ đồng, phát sinh chủ yếu do trích lập dự phòng bổ sung danh mục đầu tư và khoản phải thu trong giai đoạn năm 2010-2011.Tổng tài sản công ty hiện đạt 1.480 tỷ đồng. Tổng nợ SBS phải trả đạt 1.736 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu bị âm 256 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối trong giai đoạn này cũng âm 1.772 tỷ đồng. Cụ thể, kế hoạch tái cấu trúc tổ chức và hoạt động được xây dựng nhằm hướng tới các mục tiêu ngắn hạn, trong giai đoạn từ nay đến 31.12.2014, tập trung vào các nội dung cốt lõi để đảm bảo cho SBS có khả năng tồn tại. SBS dự kiến công bố báo cáo kết quả thực hiện việc tái cấu trúc nguồn vốn vào tháng 11.2012.

Diễn biến TTCK thời điểm hiện nay gần giống như quý I.2011. Đó là thị trường lặp đi lặp lại tình trạng lình xình, nhưng lượng giao dịch còm cỏi. Tiếp đó, theo các chuyên gia, vào nửa đầu tháng 11.2012 này, thị trường vẫn phải đối mặt với một tương lai ngắn hạn đầy u ám. Bởi, trong 2 tháng còn lại của năm 2012, động lực phát triển mạnh nhất cho nền kinh tế và các thị trường đầu cơ chỉ còn là cơ chế “bơm” tín dụng, mà phần lớn trong số này là nguồn từ đầu tư công. Nhưng năm nay rất khó có chuyện một phần đầu tư công biến thành dòng tiền đầu cơ, bởi có nhiều tập đoàn nhà nước đã lỗ và nợ nặng nề, trong khi đó, việc đầu tư ngoài ngành chưa thể thoái vốn. Mặt khác, tình thế hiện nay không cò nhiều dấu hiệu cho thấy các tổ chức lớn sẵn sàng bơm tiền để đẩy giá cổ phiếu lên. Trong bối cảnh và triển vọng như thế, CTCK đang khá mong manh. Và như thế các CTCKNH cũng không là ngoại lệ.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong hoàn cảnh như thế, lại nảy lên một số CTCKNH lại lãi lớn. Vậy lợi nhuận của CTCKNH đến từ đâu?

Các CTCK trực thuộc ngân hàng, với lợi thế được sự hỗ trợ mạnh mẽ về vốn từ phía ngân hàng mẹ, đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nguồn vốn, kinh doanh trái phiếu, đem lại lợi nhuận lớn. Đó là trường hợp của các CTCK Ngân hàng Ngoại thương VN (VCBS), CTCK Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agriseco (AGR), CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BSC). Bất ngờ đối với TTCK trong thời gian vừa qua là sự nhảy vọt thứ hạng lên vị trí thứ tư về thị phần môi giới trên sàn chứng khoán TP.HCM trong quý II.2012 của CTCK Ngân hàng Phương Nam (PNS). Nhiều ý kiến cho rằng, riêng khoản tự doanh cổ phiếu STB (Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín) mang lại lợi nhuận đáng kể cho PNS trong năm 2012.

CẦN BƯỚC ĐỘT PHÁ

Hiện nay, có 40/105 CTCK khó khăn về thanh khoản không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính; có 71 CTCK bị thua lỗ (do giá cổ phiếu giảm thấp và đầu tư không hiệu quả). Mặc dù Thông tư 226/TT-BTC đã được áp dụng gần 6 tháng, nhưng số lượng CTCK không giảm bớt. Các CTCK mất thanh khoản vẫn ung dung tồn tại, một số thì “lách luật” bằng cách không gửi báo cáo đúng hạn, một số còn báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính vừa để qua ải. Điều này gây khó khăn cho việc cấu trúc lại TTCK và làm mất niềm tin, an toàn trong việc bảo vệ tiền của nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, UBCKNN cần phải tìm và áp dụng các biện pháp mạnh dạn hơn đối với các CTCK này để thị trường được trong sạch lành mạnh hơn.

Nhìn vào xu hướng thị trường hiện nay có thể thấy rằng, đã hết thời của các CTCK sống nhờ những "con sóng". Có vẻ như từ trước tới nay, việc hoạt động của các CTCK đã phụ thuộc quá nhiều vào việc lên xuống của thị trường mà không chủ động tìm kiếm nguồn lợi nhuận ổn định, ít rủi ro. Theo các chuyên gia, xu hướng mới trong kinh doanh tại các CTCKNH trong thời điểm khủng hoảng này là theo đuổi con đường tư vấn tái cơ cấu DN, tham gia vào hoạt động quản trị trực tiếp DN, sâu xa hơn là góp vốn như một khoản đầu tư lâu dài và chờ đợi DN hoạt động tốt lên, đưa DN niêm yết lên sàn, bán cổ phần và thu lại vốn cũng như tìm kiếm lợi nhuận từ đây. Giới chuyên môn gọi đây là nghiệp vụ ngân hàng đầu tư - một nghiệp vụ cốt lõi cho một CTCK - nếu muốn vươn lên theo mô hình hoạt động của một ngân hàng đầu tư. Đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng như hiện nay, rất nhiều DN không đủ sức chèo chống qua cơn khủng hoảng, cho thấy nhu cầu tư vấn tái cấu trúc DN là rất lớn.

Tuy nhiên, hiện nay TTCK gặp khó khăn chung. Và các CTCKNH lâm vào tình trạng thua lỗ đều xuất phát từ nguyên nhân chính là quản trị yếu kém, quyền lực tập trung vào một cá nhân hay một nhóm người có liên quan mật thiết. Do vậy, các CTCK này "dính" phải nghi ngờ là ban lãnh đạo đã dùng khá nhiều nguồn lực vào việc cho vay các khách hàng đầu tư chứng khoán, nhất là các khách hàng ngoại giao, khách hàng… "tình thương mến thương".

Dường như thấy được những rủi ro có thể xảy ra đối với những CTCKNH, UBCK vừa có những động thái “quan tâm đặc biệt”. Cụ thể là UBCK đã tiến hành kiểm tra tài chính tại một số CTCK thuộc ngân hàng như Nông nghiệp (Agriseco), Công thương (VietinbankSC) và BIDV (BSC). Các CTCK hiện có vốn chủ sở hữu khoảng 36.000 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 100.000 tỷ đồng, chưa kể đến các công ty quản lý quỹ… thì việc luân chuyển vốn thiếu giám sát là rất rủi ro. Bởi lẽ, việc luân chuyển vốn giữa các thị trường tiền tệ - chứng khoán - bảo hiểm đang là mối lo chung của các cơ quan giám sát tài chính quốc tế. Do vậy, UBCK đã đề nghị các ngân hàng mẹ cần sớm thu hồi nguồn vốn đã bơm cho CTCKNH. Bởi, việc hỗ trợ vốn quá mức giữa ngân hàng mẹ và CTCKNH gây rủi ro lớn với thị trường tài chính. UBCK cho biết tới đây sẽ kiểm tra 20 CTCK có ngân hàng đứng sau. Tuy nhiên, cho đến nay tình hình tái cấu trúc CTCKNH vẫn khá chậm chạp và chưa có nhiều diễn biến mới. Bây giờ, chúng ta có quyền đề nghị từ phía UBCKNN có những động thái mạnh mẽ hơn trong việc tái cấu trúc các CTCKNH.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tái cấu trúc - Việc cần làm ngay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO