(Vietnam Logistics Review)Hiệp định TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Do lúc đầu chỉ có 4 nước tham gia nên còn được gọi là P4.
Hiệp định này khởi nguồn là Hiệp định đối tác kinh tế chặt chẽ hơn do nguyên thủ 3 nước Chile, New Zealand và Singapore (P3) phát động đàm phán nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC 2002 tổ chức tại Mexico. Tháng 4.2005, Brunei xin gia nhập với tư cách thành viên sáng lập trước khi vòng đàm phán cuối cùng kết thúc, biến P3 thành P4.
Đầu năm 2009, Việt Nam quyết định tham gia Hiệp định TPP với tư cách thành viên liên kết. Tháng 11.2010, sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP với tư cách này, Việt Nam đã chính thức tham gia đàm phán TPP. Trước đó, tháng 10.2010, Malaysia cũng chính thức tham gia vào TPP, nâng tổng số nước tham gia đàm phán lên thành 9 nước.
Hiệp định TPP hiện nay được kỳ vọng sẽ trở thành một khuôn khổ thương mại toàn diện, có chất lượng cao và là khuôn mẫu cho các hiệp định thế kỷ 21. Phạm vi của hiệp định sẽ bao gồm hầu hết các lĩnh vực có liên quan tới thương mại, trong đó có nhiều lĩnh vực mới như môi trường, lao động, các vấn đề xuyên suốt liên quan đến thương mại như chuỗi cung ứng, doanh nghiệp vừa và nhỏ v.v…
Tân Thanh với vị thế là nhà sản xuất container & sơmi romoóc lớn nhất trong nước, nhiều năm liền nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt do chính phủ công nhận, sản phẩm của Tân Thanh không chỉ giữ vững được niềm tin của khách hàng trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Cambodia, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út và Phần Lan. Tuy nhiên Tân Thanh cũng gặp rất nhiều khó khăn với giá của sản phẩm đến từ Trung Quốc ngay trên sân nhà.
Với những khó khăn về vật tư sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp từ Trung Quốc rẻ hơn hơn 1/3 so với phụ tùng từ Thái Lan hay Singapore vì vậy không thế sử dụng vật tư từ Trung Quốc để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm tới các nước TPP do đó lợi thế mà TPP mang lại là miễn thuế nhập khẩu vẫn chưa hẳn là một lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó khâu vận chuyển bằng đường bộ tại Việt Nam tốn rất nhiều chi phí không tên, phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến Thương Mại & Đầu Tư – Hiệp định TPP : Giải pháp hỗ trợ Doanh nghiệp, bà Kiều Ngọc Phương, Phó TGĐ Công ty Tân Thanh đề xuất Nhà nước có thể quy hoạch lại các khu công nghiệp nhỏ, lẻ.. thành các khu đại công nghiệp để các Doanh nghiệp cơ khí giảm chi phí vận chuyển lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó bà Phương cũng đề xuất Nhà nước hỗ trợ Doanh nghiệp vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm lãi vay, hoặc phát triển những viện nghiên cứu công nghệ, khoa học kỹ thuật cấp quốc gia để đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp luyện kim.
Với những thực trạng và khó khăn được nêu ra tại diễn đàn này, cộng đồng Doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh mong rằng Trung ương & Thành phố sẽ có những chính sách mới, cụ thể hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp cơ khí nói riêng và các ngành thương mại, sản xuất nói chung trước ngưỡng cửa TPP.