Tăng trưởng kinh tế 2019 đối diện nhiều thách thức

Báo Hải Quan Online|09/01/2019 11:20

(VLR) Năm 2019 đóng vai trò quyết định cho sự thành công của kế hoạch 5 năm 2016-2020 (do nền kinh tế đã không đạt được mục tiêu ở năm 2016) và xa hơn là việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Điều này đặt ra nhiều thách thức khi bối cảnh bên trong còn một số khó khăn, bên ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm tốc. Ảnh: N.Hiền

Nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm tốc. Ảnh: N.Hiền

Vấn đề trên đã được đưa ra thảo luận tại hội thảo “Kinh tế việt Nam 2019 trước khúc quanh quyết định” do Trường Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức chiều ngày 8/1. Hội thảo cũng là buổi công bố tập 2 của Báo cáo thường niên Kinh tế vĩ mô Việt Nam – Phân tích và dự báo do nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TPHCM chủ biên.

Tăng trưởng giảm tốc

PGS.TS Nguyễn Đức Trung đánh giá, năm 2018 khép lại với niềm tự hào về những thành tựu đặc biệt trong phát triển kinh tế Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,08% - là mức tăng cao nhất trong 11 năm trở lại đây, trở thành quốc gia nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Điều này đến từ ngành chế biến, chế tạo với mức tăng trưởng 12,98% cũng như mức tăng cao nhất của nông nghiệp trong giai đoạn 2012-2018, đạt 3,76%.

Đặc biệt, vai trò đóng góp chủ đạo vào tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân được thể hiện rõ. Tiêu dùng tư nhân cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của tổng cầu với mức tăng cao hơn năm trước 11,7%. Đầu tư tư nhân vẫn giữ được nhịp tăng của năm trước ở mức 18,5% trong bối cảnh đầu tư toàn xã hội tăng trưởng ở mức thấp hơn so với năm trước.

Mặt trận kinh tế đối ngoại cũng có sự bứt phá ấn tượng. Hoạt động xuất nhập khẩu đã thiết lập kỷ lục mới với giá trị xuất siêu cả năm ở mức 7,2 tỷ USD, tăng 147% so với năm trước đó. Đặc biệt, lần đầu tiên khu vực tư nhân có mức tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (15,9% so với 12,9%).

Rõ ràng, môi trường kinh doanh đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2019 so với quý IV/2018 của Tổng cục Thống kê cho thấy 85,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt lên và ổn định. Bên cạnh đó, chỉ số phát triển bền vững năm 2018 tăng 11 bậc, xếp hạng 57/176 quốc gia.

Tuy nhiên, len lỏi trong bức tranh kinh tế rực rỡ năm 2018 vẫn còn một số mảng tối đáng lo ngại. Theo đó, quý III/2018 đã chứng kiến sự giảm tốc của nền kinh tế, đồng thời, quý IV/2018 tuy đạt 7,31% nhưng ở mức thấp hơn cùng kỳ 2017.

Đáng chú ý, những ngành vốn tạo động lực cho giai đoạn 2015 trở lại đây như điện thoại, điện tử, xây dựng đã không còn duy trì được tốc độ ấn tượng như 2016-2017 đi kèm với ngành khai khoáng tiếp tục chuỗi thời gian tăng trưởng âm. Thêm vào đó, ngành dịch vụ đã tăng trưởng thấp hơn so với 2017.

Đối mặt nhiều thách thức

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, tính từ năm 2008 (năm mà Việt Nam đạt mức GDP bình quân đầu người 1.070 USD và trở thành quốc gia đạt mức thu nhập trung bình), nếu tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, Việt Nam cần 40,5 năm để chuyển sang nước có thu nhập cao. Bởi theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, một quốc gia bị mắc kẹt trong 42 năm không vượt qua được ngưỡng thu nhập bình quân đầu người từ 1.000 USD – 10.000 USD/năm thì bị coi rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Các chuyên gia đánh giá, mức tăng trưởng bình quân 7%/năm trở nên khó khăn hơn khi kinh tế thế giới giai đoạn 2019-2020 được dự đoán tiềm ẩn những diễn biến hết sức khó lường. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2018 đã cho thấy xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng.

Mặt khác, dòng FDI vừa có xu hướng giảm trên phạm vi toàn cầu, vừa có tín hiệu chuyển hướng về các nước có nguồn lực công nghệ cao trên nền tảng 4.0 cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fullbright Việt Nam bày tỏ quan ngại về số vốn FDI đăng ký năm 2018 giảm 15,5% so với 2017. Đây là dấu hiệu đáng báo động cho sự suy giảm của nguồn lực này sắp tới.

Tuy nhiên, theo ông Thành, nếu nhìn vào từng ngành kinh tế, có một số ngành có cơ hội tăng trưởng trong năm 2019. Đặc biệt là những ngành có thể cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc như nội thất, tôm đông lạnh… Song, cũng cần lưu ý rằng cạnh tranh ở thị trường nội địa cũng sẽ tăng lên đối với những ngành mà Việt Nam không xuất khẩu vào Mỹ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra một số nhân tố tích cực cho tăng trưởng kinh tế năm 2019. Đó là triển vọng lạc quan của kinh tế thế giới, sự ổn định của tăng trưởng khu vực tư nhân ở cả cấu phần tiêu dùng và đầu tư, xu hướng phục hồi của ngành nông – lâm – thuỷ sản…


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng kinh tế 2019 đối diện nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO