Tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án bất động sản
Tín hiệu hồi phục của thị trường bất động sản Hà Nội bắt đầu xuất hiện kể từ thời điểm cuối tháng 3, lãi suất cho vay bất động sản bắt đầu hạ. Nhiều dự án cũng đã cho ra mắt trên thị trường bất động sản.
Thị trường bất động sản đón nhận những tín hiệu phục hồi tích cực là do từ trung tuần tháng 3, Chính phủ đã có Nghị quyết 33/NQ-CP ban hành một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Nghị quyết đã đặt nền tảng cho việc giải quyết hai vấn đề cơ bản nhất của thị trường bất động sản hiện nay là pháp lý và nguồn vốn.
Trước đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 08, mở ra lối thoát cho các doanh nghiệp phát hành đang gặp áp lực đáo hạn trái phiếu. Những chuyển động quan trọng về chính sách này đã mở ra nhiều hứa hẹn khởi thông những điểm nghẽn của thị trường bất động sản.
Theo ý kiến của một số chuyên gia bất động sản thì hầu hết các chính sách, quyết định được ban hành gần đây, như: Gói hỗ trợ 120 nghìn tỉ đồng cho nhà ở xã hội, việc thành lập 5 tổ công tác tháo gỡ đầu tư công, Nghị định 08 về quy định trái phiếu, Nghị quyết 33 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đã có tác động tích cực đến tín hiệu đảo chiều của thị trường. Nhiều nhà đầu tư bất động sản đã quay lại cùng với các dự án được tháo gỡ pháp lý phát hành huy động mới, phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại giúp cho việc thanh toán/thanh khoản dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, nhiều thông tin đang tác động tích cực đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Cụ thể, với các nghị định được ban hành như Nghị định 08/2023/NĐ-CP; Nghị quyết 33/NQ-CP; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội; 5 quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước; Nghị định 10... cho thấy Chính phủ đã và đang có nhiều động thái trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Điển hình, Nghị quyết 33 đã cụ thể hoá các giải pháp từ thể chế, nguồn vốn, nguồn cung và điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhằm thúc đẩy nguồn hàng hợp lý cho thị trường. Chính phủ đã rất sát sao, đánh giá chính xác những khó khăn mà thị trường bất động sản đang phải đối mặt, từ đó, chỉ rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan để kịp tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Bất động sản Hà Nội sẽ phục hồi "sẽ rõ nét" hơn vào quý III/2023
Không chỉ ở những đô thị lớn như Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng chính thức vào cuộc, đẩy mạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn. Các chuyển biến bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định khi một số dự án đã cơ bản tháo gỡ được vướng mắc và nhiều dự án được tái khởi động.
Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn tăng trưởng này đã tạo tiền đề cho chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục được triển khai, hoàn thiện. Nhờ đó, nền kinh tế được thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra nhiều khu kinh tế, du lịch, đô thị, kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng, dịch vụ, văn phòng…
Ở thời điểm cuối tháng 5, sau động thái tiếp tục giảm lãi suất, thanh khoản trên thị trường tiếp tục ghi nhận gia tăng. Theo đơn vị môi giới, chỉ trong một ngày, đơn vị này ghi nhận phát sinh thành công 3 giao dịch biệt thự tại khu đô thị nằm ở huyện Mê Linh, Hà Nội.
Tỉ lệ thanh khoản của các dự án lớn ở phía Đông Hà Nội tăng đáng kể. Mới đây, một công ty chuyên phân phối dự án bất động sản ở Hà Nội công bố, chỉ trong một tuần giữa tháng 6, đơn vị này ghi nhận gần 100 giao dịch phát sinh. Phần lớn các giao dịch tập trung vào chung cư mới mở bán. Tỉ trọng giao dịch chuyển nhượng, cho thuê thứ cấp chiếm con số nhỏ. Đại diện đơn vị này cho biết, thanh khoản ở thời điểm tháng 6/2023 tăng đáng kể so thời điểm đầu năm 2022.
Thông tin thanh khoản trên thị trường đang tăng trở lại khiến giới đầu tư kỳ vọng vào kịch bản sớm sôi động trở lại của bất động sản Hà Nội. Đại diện một đơn vị môi giới địa ốc ở Hà Nội cho biết, động thái giảm lãi suất cho vay mua bất động sản, cùng việc giải ngân cho vay nhanh từ phía ngân hàng khiến người mua mạnh tay xuống tiền.
Ngoài ra, một số dự án cũng tung ra chương trình chiết khấu sâu, và khuyến mãi cũng là động lực giúp nhà đầu tư hay người mua nhà mạnh dạn ra quyết định thay vì sự chần chừ, lo ngại như giai đoạn trước. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn chỉ tập trung với loại hình đáp ứng nhu cầu ở thực hoặc có thể cho thuê, kinh doanh. Đối với loại hình đất nền, đất thổ cư hay nhà phố nằm khu vực không đông dân cư, thanh khoản vẫn trì trệ.
Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, với những diễn biến trên, có thể thấy, những vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường bất động sản khả năng được khơi thông một phần trong cuối quý II, đầu quý III, tạo tiền đề cho sự hồi phục, ổn định và phát triển trở lại trong quý kế tiếp và năm tới.
Dấu hiệu phục hồi "sẽ rõ nét" hơn vào quý III/2023 khi các dự án nhà ở xã hội được triển khai. Thanh khoản của thị trường sẽ tập trung chính ở phân khúc này. Với việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành thì nếu lãi suất huy động được điều chỉnh xuống dưới 5%, dòng tiền đầu tư sẽ được rút ra khỏi ngân hàng, quay trở về bất động sản, làm tăng đầu tư, giao dịch trên thị trường.
Đặc biệt, bước sang tháng 7, tác động của lãi suất hạ sẽ "ngấm" dần. Bên cạnh dó, các công trình đầu tư công đang được đẩy mạnh là một xung lực tạo đà phục hồi, phát triển mạnh mẽ hơn cho thị trường bất động sản. Đơn cử như dự án Vành đai 4 đang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đền bù và xây dựng nút giao cũng sẽ góp phần làm "nóng" thị trường bất động sản trong thời gian tới.