Luật Đất đai (sửa đổi): Cần tiếp tục xem xét, đánh giá kỹ lưỡng nhiều vấn đề

Trung Kiên|12/06/2023 07:19

Vừa qua, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Đất đai (sửa đổi). Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật có nhiều quy định mới, giải quyết những bất cập, tồn tại thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai.

Tuy nhiên, còn có một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách, bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.

Phát biểu thảo luận tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng nên cần rà soát xem luật bám sát chủ trương đường lối của Đảng và góp phần tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn. Nhấn mạnh bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để nghiên cứu sửa luật, Thủ tướng cho rằng không thể đòi hỏi một lần sửa đổi giải quyết được hết vướng mắc, bao phủ được hết góc cạnh của cuộc sống, nhưng phải cố gắng giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai, vì đây là nguồn lực quan trọng của đất nước.

Trên tinh thần đó, dự án luật vừa phải giải quyết vấn đề có tính thực tiễn, vừa phải có tầm nhìn mang tính dự báo, từ đó sửa đổi mang tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược hơn để khi luật ra đời đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.

Liên quan quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Thủ tướng cũng cho rằng cần quy định rõ thẩm quyền, phân cấp, phân quyền và giảm thủ tục hành chính. Quy hoạch đất vừa giải quyết vấn đề trước mắt vừa có tầm nhìn dài hạn để phát triển bền vững, lâu dài.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm, đất đai không thể sinh ra, phải sử dụng, khai thác sao cho hiệu quả, gồm cả không gian trên trời, mặt đất và không gian ngầm, rồi liên quan cả không gian biển như vấn đề lấn biển, lấp biển thế nào để vừa giữ môi trường, vừa đảm bảo sự phát triển của đất nước. Phải sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai; làm thế nào cho phù hợp phải có đánh giá. Quy hoạch đất vừa giải quyết vấn đề trước mắt vừa có tầm nhìn dài hạn để phát triển bền vững, lâu dài.

ha-2-bat-dong-san-vlr-12062023.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Về việc thu hồi đất và tái định cư, đây là nội dung được người dân và cử tri quan tâm nhiều. Thủ tướng nêu lại quan điểm của Đảng rất rõ: Khi thu hồi đất, thực hiện tái định cư thì làm sao người dân nhường đất chuyển đi nơi khác được đảm bảo bằng hoặc hơn nơi ở cũ. “Bằng” hoặc “hơn” thế nào thì luật cần lượng hoá. Điều kiện của từng khu vực, từng địa phương khác nhau nên phải phân cấp để chủ động.

Về vấn đề định giá đất rất được cử tri quan tâm, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, định giá như thế nào cho phù hợp là vấn đề khó, thị trường luôn lên xuống, phải cân đối, cần có công cụ của Nhà nước để thị trường phát triển lành mạnh nhưng không tạo nên xáo trộn, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải nhường đất để triển khai các dự án. “Nếu không lượng hoá ra được sẽ dễ dẫn đến không bám sát thực tế và tùy tiện, dẫn đến sai" - Thủ tướng lưu ý.

Phát biểu tại thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm xử lý trong dự thảo Luật, trong đó có việc phải làm rõ hơn các quy định về tài chính đất đai, đặc biệt là định giá đất và quy hoạch sử dụng đất. Cần xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, đây là vấn đề căn cốt để quản lý tài nguyên, nguồn lực đất đai".

Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết số 18 của Trung ương yêu cầu phải có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường nhưng “đọc quy định về giá đất trong dự thảo Luật thì thấy rất khó, Quốc hội không biết thảo luận cái gì vì nội dung chi tiết do Chính phủ quy định”. Nhấn mạnh trong tài chính đất đai thì vấn đề khó nhất chính là định giá đất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay trong dự thảo Luật phải quy định các nguyên tắc xác định giá đất và các phương pháp xác định giá đất để Quốc hội cho ý kiến.

Cả Quốc hội cùng bàn thảo, xem xét, quyết định thì sẽ tốt hơn việc chờ Luật Đất đai được ban hành xong Chính phủ mới đi nghiên cứu, xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết. Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiều chuyên gia nói rằng, càng nhiều phương pháp thì càng khó áp dụng. ĐB Trần Xuân Cường (Đà Nẵng) cũng cho rằng, có quá nhiều phương pháp xác định giá đất, sẽ rất khó thực hiện cho địa phương.

ha-3-bat-dong-san-vlr-12062023.png
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ

Thảo luận về dự thảo luật, các ý kiến đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, đền bù tái định cư, định giá đất… ĐB Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) quan tâm tới quy trưng dụng đất, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, dự thảo Luật đã liệt kê rất kỹ về những vấn đề này. Tuy nhiên, ĐB bày tỏ băn khoăn khi dự thảo đã liệt kê rất cụ thể, chi tiết “nhưng nếu liệt kê quá kỹ sẽ dễ bị thiếu, dẫn đến không đầy đủ và quá trình tổ chức triển khai thực hiện có thể gây khó cho các địa phương”. Do đó, ĐB Đặng Bích Ngọc cho rằng cần những quy định cụ thể, nhưng cũng phải linh hoạt vì có những trường hợp vừa phải đảm bảo theo quy định và đảm bảo hợp tình, hợp lý.

ha-4-bat-dong-san-vlr-12062023.png
ĐB Trương Trọng Nghĩa-TPHCM

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ TPHCM, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho cũng rằng còn nhiều vấn đề cần quan tâm trong dự án Luật đất đai (sửa đổi). Theo đó, vấn đề thu hồi đất được cử tri và đồng bào cả nước quan tâm. ĐB cho rằng không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi phải với mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà còn yêu cầu các trường hợp đó phải là trường hợp “thật cần thiết”.

Về giá đền bù, dự thảo luật đang tiếp cận theo hướng phù hợp giá thị trường nhưng theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, nếu chỉ như vậy cũng không thể giải quyết được trong nhiều trường hợp. Ví dụ, giá chuyển nhượng đất ruộng của người dân khoảng 500.000 đồng/m2. Khi thu hồi, nếu tính giá 600.000 đồng/m2, nhiều người nghĩ như vậy đã là tốt. Song với nhiều người dân, họ còn nhiều vấn đề không muốn bị thu hồi như tâm linh, gia đình, hàng xóm…

Do đó, khi tính giá đền bù, bên cạnh giá thị trường, phải tính thêm các yếu tố khác về tinh thần. Phải đền bù cho người dân việc họ phải di dời nhà cửa, cây trái, kỷ niệm, những thứ đã gắn bó vài chục năm… “Đặt mình trong hoàn cảnh của người có đất bị thu hồi mới giải quyết được bài toán này” - ĐB nhấn mạnh.

Một trong những vấn đề được ĐB Trương Trọng Nghĩa đặc biệt quan tâm là vấn đề thu hồi đất để phục vụ xây dựng nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 5 ha trở lên tại khu vực đô thị. Theo ĐB, trong chương thu hồi đất không tìm thấy nội dung thu hồi đất phục vụ xây nhà ở thương mại, mà nội dung này được dẫn chiếu sang quy định tại điều 112 về nhà ở thương mại.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhìn thấy điều này và đề nghị rà soát quy định cụ thể, rõ ràng ngay tại điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. ĐB nêu quan điểm, xây dựng nhà ở thương mại là việc tốt trong xã hội nhưng nếu quy định không rõ sẽ “nhập nhằng”…

Theo thanhuytphcm.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Luật Đất đai (sửa đổi): Cần tiếp tục xem xét, đánh giá kỹ lưỡng nhiều vấn đề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO