Tham dự buổi tọa đàm có Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE); Lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu; Lãnh đạo một số bộ, ngành; chuyên gia kinh tế, chuyên gia xã hội học và đông đảo cơ quan thông tấn báo chí.
Các ý kiến của đại biểu đã chỉ ra những khó khăn vướng mắc và đồng thời đề ra những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư đồng thời góp phần thay đổi cách nhìn nhận thiếu tích cực của một bộ phận công chúng và dư luận xã hội đối với giới doanh nghiệp trong nước.
Nói những rào cản đối với việc phát triển kinh tế tư nhân, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng: “Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, khi triển khai công việc, chúng tôi vẫn gặp khá nhiều vướng mắc. Rào cản lớn nhất hiện nay đến từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Là doanh nghiệp BOT lớn nhất Việt Nam hiện nay, nhưng trong quá trình đàm phán làm việc, chúng tôi chưa được đối xử bình đẳng. Khung pháp lý có rất nhiều bất cập, điển hình là xung đột giữa Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư”. Ông Thế lấy ví dụ, trong vòng hơn 1 năm nhưng thông tư Bộ Tài chính ban hành tới 4 lần. Cuối cùng, thông tư lại quay về cái đã được quy định trước đó khiến doanh nghiệp gặp khó.
Một khó khăn khác phát sinh từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp mình, ông Thế chỉ ra: “Cứ một người dân đi qua trạm BOT lại yêu cầu cung cấp hợp đồng BOT, mỗi ngày hàng chục nghìn chủ phương tiện đi qua, chúng tôi không thể giải trình cho từng người như vậy. Thêm vào đó, một bộ phận truyền thông chưa phản ánh đúng bản chất doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông do chưa thấu hiểu những khó khăn của nhà đầu tư. Họ thường nhìn nhận vấn đề phát sinh từ góc nhìn tiêu cực, làm nghiêm trọng tình tình”.
Nói về vấn đề tài chính ông Trần Văn Thế kiến nghị, cần tăng quy mô của các ngân hàng, bởi hiện nay ngân hàng quá nhiều nhưng quy mô quá nhỏ. Bên cạnh đó, một số ngân hàng đồng hành với nhà đầu tư khi nhận ra tiềm năng lợi ích, tuy nhiên lại thiếu hợp tác khi gặp vướng mắc.
Đồng cảm với những khó khăn của doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, doanh nghiệp đang hoạt động trong môi trường kinh doanh bên cạnh các rủi ro thông thường còn phải đối mặt rủi ro pháp lý. Điều này đến từ hệ thống pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng, minh bạch, với sự áp dụng tùy ý, tùy tiện, doanh nghiệp không thể tính toán được lâu dài, cách tốt nhất là họ làm nhỏ và không lớn, không chính thức.
TS. Nguyễn Đình Cung còn cho rằng, phải đánh giá lại vai trò của kinh tế tư nhân về mặt kinh tế. Các con số thống kê đánh giá khu vực này đóng góp 9% GDP, con số này kéo dài từ khi có Luật doanh nghiệp đến hiện tại. Năm 2000, yếu tố này chỉ tăng 1 điểm % GDP. Ông Cung nghi ngờ sự xác thực con số này.
Ở khía cạnh quản lý nhà nước, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, vẫn còn có sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác.
“Mục tiêu của chúng ta từ nay đến năm 2030 là xóa dần ranh giới doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, chỉ còn doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Lúc đó, Nhà nước trở thành Nhà nước kiến tạo, Nhà nước phục vụ, Nhà nước không quản lý trực tiếp doanh nghiệp. Mô hình Nhà nước của chúng ta sẽ linh hoạt hơn, nhường quyền quyết định về kinh tế vi mô cho doanh nghiệp để có những phản ứng kịp thời, hợp lý hơn với những diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế, chứ không phải bằng các quyết định hành chính”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.