Thí điểm cơ chế Hải quan một cửa quốc gia: giải pháp cải cách thủ tục hành chính (Kỳ 2)

01/01/1970 08:00

(VLR) Cơ chế hải quan một cửa quốc gia (HQMCQG) đang là một trong những giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tạo thuận lợi cho DN trong việc giảm chi phí và rút ngắn thời gian thông quan. Tạp chí VLR tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc và DN về vấn đề này.

Cơ chế hải quan một cửa quốc gia (HQMCQG) đang là một trong những giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tạo thuận lợi cho DN trong việc giảm chi phí và rút ngắn thời gian thông quan. Tạp chí VLR tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc và DN về vấn đề này.

CẦN CÓ SỰ KẾT HỢP GIỮA MÔ HÌNH HỆ THỐNG TẬP TRUNG VÀ TÍCH HỢP

Thống nhất áp dụng mô hình CNTT theo QĐ 48 dựa trên nguyên tắc các Bộ, ngành xử lý độc lập các TTHC trong nội bộ của Bộ, ngành mình. Các TTHC giữa các Bộ, ngành được thực hiện trong Hệ thống xử lý của từng Bộ, ngành riêng lẻ, sau đó, thông qua kết nối Internet sẽ chuyển kết quả xử lý về Cổng thông tin HQMCQG để phản hồi cho DN như đã nêu ở số báo kỳ trước.

Như vậy, có thể thấy thực chất đây là mô hình hệ thống CNTT phi tập trung (Decentralised). Vì dữ liệu khai báo đến Cổng thông tin HQMCQG và sau đó được chuyển đến các Hệ thống của các Bộ, ngành để xử lý; sau đó, Cổng thông tin HQMCQG tiếp nhận kết quả phản hồi thông tin từ Hệ thống của các Bộ, ngành. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh thì mô hình này là phù hợp.

Tuy nhiên, để giải quyết thủ tục đối với phương tiện vận tải là tàu biển thì cần có sự kết hợp với mô hình hệ thống tích hợp (Integrated System) để xử lý dữ liệu tại Cổng thông tin HQMCQG. Do đó, nếu thực hiện mô hình hệ thống CNTT theo mô hình của cách làm thủ công đối với thủ tục tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo Nghị định số 21/2011/NĐ-CP như hiện nay thì Cảng vụ hàng hải là cơ quan ra quyết định đầu tiên đối với tàu biển nhập cảnh (Kết quả của thủ tục hành chính này là tàu biển được cấp Giấy phép neo đậu); ngược lại, trước khi tàu xuất cảnh, các cơ quan chuyên ngành phải hoàn thành các thủ tục của mình trước thủ tục của Cảng vụ (Kết quả của thủ tục hành chính đối với tàu biển xuất cảnh của Cảng vụ là tàu biển được cấp Giấy phép rời cảng-Port Clearance).

Nói cách khác, khi tàu đáp ứng đầy đủ các điều kiện an ninh, an toàn hàng hải thì tàu mới được nhập cảnh để sau đó các thủ tục tiếp theo đối với hàng hóa, thuyền viên được thực hiện bởi các cơ quan chuyên ngành. Cơ chế này cần được nghiên cứu sửa đổi khi áp dụng Cơ chế HQMCQG theo hướng sau khi thủ tục của các cơ quan chuyên ngành hoàn thành (kể cả cơ quan Cảng vụ hàng hải) và gửi về Cổng thông tin một cửa để cấp chứng nhận cho tàu nhập cảnh, xuất cảnh hay quá cảnh. Mô hình dưới đây mô tả rõ sự kết hợp giữa mô hình hệ thống tập trung và mô hình tích hợp.

GẤP RÚT HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CNTT

Gấp rút hoàn thiện hệ thống CNTT của các Bộ, ngành. Để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại QĐ 48 thì Hệ thống CNTT của các Bộ, ngành cần phải sớm hoàn thiện. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tiến độ quy định tại QĐ 48 và hiệu quả của Cơ chế HQMCQG theo đúng nghĩa của nó và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có Hệ thống thông quan điện tử, Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng hải VN) đã có Hệ thống thông tin dùng chung để làm các thủ tục hành chính cho tàu biển tại các cảng biển quốc tế.

Tuy nhiên, các Hệ thống này còn hoạt động riêng lẻ, chưa kết nối và phối hơp xử lý thông tin một cách hiệu quả để giải quyết thủ tục hành chính cho tàu biển ra vào cảng. Riêng đối với ngành Hải quan, đến cuối năm 2014, Hệ thống thông quan hàng hóa tự động VN (Vietnam Automated Cargo Clearance System - VNACCS) và Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tình báo (Vietnam Customs Intelligent Database System-VCIS) (gọi tắt là hệ thống VNACCS/VCIS) do Nhật Bản tài trợ cho Hải quan VN sẽ được thay thế cho Hệ thống thông quan điện tử hiện tại. Với thiết kế đang được xây dựng, Hệ thống VNACCS và VCIS sẽ kết nối tự động với Cổng thông tin của Hệ thống Cơ chế HQMCQG. Do đó, ngay từ bây giờ các Bộ, ngành phối hợp và cần hoàn thiện hệ thống CNTT của mình theo hướng tập trung đầu mối ra quyết định thông quan và giải quyết thủ tục hành chính cho tàu biển thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

ĐỒNG BỘ HÓA TTHC CỦA CÁC BỘ, NGÀNH

Về các TTHC của các Bộ, ngành khi tham gia Cơ chế HQMCQG. Thực hiện Cơ chế HQMCQG đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các Bộ, ngành liên quan và phải có sự phối hợp thực hiện các TTHC rất chặt chẽ và nhanh chóng. Chẳng hạn, để thông quan tàu biển nhập cảnh thì việc thực hiện TTHC tàu biển nhập cảnh có vận chuyển hàng hóa thuộc đối tương kiểm dịch thực vật, động vật thì cần phải có sự tham gia xử lý thông tin của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tương tự như vậy, Cảng vụ hàng hải, Biên phòng, Kiểm dịch quốc tế cũng phải phối hợp thực hiện đầy đủ các TTHC theo chức năng một cách đầy đủ, hợp lý giữa các cơ quan để đảm bảo yêu cầu khi khai báo theo Cơ chế một cửa là khai báo một lần, tại một nơi duy nhất với dữ liệu đã được chuẩn hóa. Do đó, cần có sự thay đổi căn bản về trách nhiệm giải quyết các TTHC liên quan của các cơ quan quản lý chuyên ngành tại cảng biển trên nền tảng xử lý điện tử chứ không phải dựa trên quy trình thủ công như hiện nay tránh tình trạng Công thông tin một cửa quốc gia chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là “tiếp nhận” và “chuyển” thông tin khai báo của doanh nghiệp đến các Hệ thống của các Bộ, ngành để xử lý.

Vì vậy, khi thí điểm Cơ chế HQMCQG cần nghiên cứu áp dụng đồng bộ các TTHC của các Bộ, ngành để thực hiện đồng bộ dựa trên sự kết hợp xử lý thông tin tích hợp tại Cổng thông tin một cửa quốc gia để hạn chế sự chậm trễ khi thông quan, tránh gây ách tắc không đáng có.

CẦN XÁC ĐỊNH RÕ CƠ QUAN CHỊU TRÁCH NHIỆM QUẢN LÁY TÀU BIỂN XUẤT NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH

Cần mạnh dạn thay đổi cơ chế quản lý tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hiện nay. Vì khi triển khai Cơ chế HQMCQG trên nền tảng TTHC quy định tại Nghị định số 21 nêu trên sẽ gây chậm trễ và tốn thêm thời gian và chi phí do tại Cảng vụ hàng hải cần phải có thêm một hệ thống một cửa nữa để xử lý thông tin và TTHC của các cơ quan chuyên ngành tại cảng (gồm các cơ quan: Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch quốc tế, Kiểm dịch thực vật, Kiểm dịch động vật) rồi mới ra quyết định tàu nhập cảnh, xuất cảnh để gửi về Cổng thông tin một cửa quốc gia. Hiện tại, Cổng thông tin điện tử dùng chung của Cục Hàng hải chưa giải quyết được các yêu cầu về TTHC đối với tàu ra vào cảng. Do đó, sẽ gặp nhiều trắc trở tại cảng vụ hàng hải vì cần phải đầu tư thêm hệ thống CNTT, thay đổi quy trình, đầu tư nhân lực, thời gian… gây chậm trễ trong xử lý thông tin và làm tăng chi phí không cần thiết. Một hệ thống con như vậy đã được nhiều quốc gia khuyến nghị cần bãi bỏ khi áp dụng Cơ chế HQMCQG.

Do đó, trên cơ sở xác định rõ mô hình CNTT theo Cơ chế HQMCQG thì cũng cần xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm quản lý tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy trình thủ tục để khi áp dụng thống nhất, đồng bộ, không gây vướng mắc. Theo tôi, sẽ là thuận lợi hơn nếu quy trình này được kết hợp với mô hình hệ thống tích hợp để Cổng thông tin một cửa là nơi xử lý thông tin và đưa ra quyết định sau cùng đối với tàu nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh. Trong đó, Hệ thống bao gồm cả chức năng xác nhận tàu biển đã thanh toán các khoản cảng phí, hoa tiêu phí, luồng lạch phí… cho cảng vụ và các DN dịch vụ cảng khác. Nói cách khác, cơ quan Hải quan sẽ là cơ quan cấp Giấy chứng nhận thông quan cho tàu đến cảng hay rời cảng (Customs Clearance Certificate). Có như vậy Cơ chế HQMCQG mới thực sự trở thành “một cửa”.

Cơ chế HQMCQG là công cụ để thực hiện cải cách TTHC một cách hữu hiệu, hướng đến nền hành chính văn minh, hiện đại. Tuy nhiên để thực hiện thí điểm thành công thì cần có các giải pháp đồng bộ. Trong đó, mô hình áp dụng CNTT; xác định các TTHC cần thiết; và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành là hết sức cần thiết. Thực hiện thành công HQMCQG sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho thương mại và vận tải nhờ sự phối hợp xử lý của các Bộ, ngành trên môi trường điện tử và phản hồi kết quả xử lý cho người khai nhanh nhất sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng DN.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm cơ chế Hải quan một cửa quốc gia: giải pháp cải cách thủ tục hành chính (Kỳ 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO