Thị trường bán lẻ Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp?

Quang Anh|26/10/2018 12:39

(VLR) Theo như ý kiến của các chuyên gia, thị trường bán lẻ trong nước đang tăng trưởng một cách đột biến dần trở thành "miếng bánh" béo bở cho các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, năm 2018, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp; trong đó có một số xu hướng đáng chú ý.

Theo các chuyên gia, năm 2018, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp; trong đó có một số xu hướng đáng chú ý.

Việt Nam nằm trong top 30 quốc gia có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới, đang có sự tăng trưởng nóng và sẽ giữ xu hướng đi lên trong thời gian tới. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư), tính chung 7 tháng năm 2018, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.493.400 tỷ đồng, tăng 11,1%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4% (cùng kỳ năm 2017 tăng 7,98%).

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Đa dạng & hấp dẫn

Việt Nam là quốc gia có đông dân số, tỷ lệ dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao. Có thể dễ dàng thay đổi thói quen tiêu dùng, cũng như có thời gian gắn bó với thương hiệu mới lâu hơn ở nhóm dân số này, nên đây là một trong những lợi thế đầu tiên để ngành bán lẻ phát triển thuận lợi.

Hiện tại theo thống kê của JLL, đến cuối tháng 3/2018, chỉ riêng TP.HCM đã có hơn 1.800 cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini phủ khắp khu vực nội - ngoại thành (tăng 5,1% so với năm 2017).

Theo giới phân tích, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO - Tổ chức Thương mại thế giới (năm 2007), Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Qua đó có thể thấy được sự tăng trưởng nhanh chóng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong những năm qua cho thấy tiêu dùng trong nước luôn là một động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Đồng thời yếu tố quan trọng đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam cũng phụ thuộc vào tốc độ tăng tiêu trưởng tiêu dùng.

So với tỷ lệ 90 triệu dân thì số lượng cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại,... ở Việt Nam vẫn còn tương đối ít. Vì vậy đây là phân khúc thị trường màu mỡ cho các nhà bán lẻ nước ngoài đến đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam có các loại mặt hàng nông sản, thực phẩm (nguồn hàng tại chỗ) rất dồi dào là điều kiện tốt để phát triển các hình thức bán lẻ hiện đại. Điển hình như chuỗi hệ thống các cửa hàng rau sạch, hoặc các chuỗi cửa hàng bán đồ thực phẩm tươi sống ngày càng được mở rộng và phát triển.

Vì vậy, bên cạnh việc phát triển siêu thị, trung tâm thương mại, mô hình cửa hàng tiện lợi cũng đang là hình thức được nhiều doanh nghiệp ưu tiên đầu tư do có đặc tính nằm sâu trong khu dân cư, đa dạng mặt hàng, dễ dàng mua sắm, kể cả với số lượng rất ít nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng...

Gia tăng sức hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước

Việt Nam đã từng tuột khỏi danh sách 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới năm 2012, trong khi từng đứng đầu danh sách này năm 2008, xếp vị trí thức 6 trong năm 2009, xếp thứ 23 trong năm 2011. Cho đến năm 2017, Việt Nam quay trở lại và vươn lên bậc thứ 6 trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), Việt Nam chỉ đứng sau các thị trường lớn là Ấn độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Việt Nam đã vượt các thị trường đông dân như Indonesia (vị trí thứ 8), hay các nước có thị trường bán lẻ tốt trong những năm qua như Thái Lan (vị trí 30), Philippines (vị trí 18),... Điều này cho thấy thị trường bán lẻ trong nước đang hấp dẫn trở lại đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Bộ Công Thương, diễn biến thị trường năm 2018 được dự báo sẽ ít có những biến động bất thường, các yếu tố về nguồn cung vẫn được bảo đảm (giá tăng do giá thế giới, tỷ giá, chi phí nhiên liệu... nhưng sẽ được kiểm soát từ phía Nhà nước), các yếu tố từ phía cầu (thu nhập, niềm tin của người tiêu dùng) cũng khả quan.

Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 sẽ đạt khoảng 4.269 - 4.288 nghìn tỷ đồng, tăng 10 - 10,5% so với năm 2017. Theo dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ nâng tỷ lệ lên 45%, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, số trung tâm thương mại cũng tăng lên trên 300 và cửa hàng tiện ích lên đến hàng ngàn hay hàng chục ngàn...


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bán lẻ Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO