Tham dự hội nghị còn có Đại tướng Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành.
Sau 20 năm triển khai thực hiện Quyết định số 178 của Thủ tướng Chính phủ, bộ mặt của “thành phố đảo” đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, đạt gần 19,6%/năm, mang tính ổn định và bền vững. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỉ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm về nông nghiệp. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng cao qua các năm, đóng góp tỉ lệ lớn vào ngân sách chung của tỉnh.
Năm 2023 thu ngân sách đạt hơn 7.800 tỉ đồng tăng trên 113 lần so với năm 2004. Trong 5 năm trở lại đây Phú Quốc không những tự chủ ngân sách từ nguồn thu mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội liên tục tăng qua từng năm, riêng năm 2023 đạt hơn 21.600 tỉ đồng, tăng gần 64 lần với năm 2004. Đến nay địa phương có hơn 320 dự án của nhà đầu tư với tổng vốn khoảng 20 tỉ USD.
Về phát triển du lịch, từ huyện đảo ít người biết, năm 2004 Phú Quốc chỉ thu hút trên 130.000 lượt khách du lịch, nhưng đến cuối năm 2023, Phú Quốc đón khoảng 5,57 triệu lượt đến khách tham quan du lịch. Phú Quốc đã khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới bằng nhiều sản phẩm du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy cho biết, thông qua các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, với những cơ chế thông thoáng, ưu đãi hấp dẫn, tình hình thu hút đầu tư vào Phú Quốc đã có bước phát triển đột phá, nhiều tập đoàn kinh tế lớn quan tâm tìm hiểu và triển khai đầu tư dự án tại Phú Quốc, nhiều doanh nghiệp được thành lập và số lượng không ngừng tăng. Năm 2023 Phú Quốc đã có hơn 4.400 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đầu tư trên 142 nghìn tỉ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thanh Bình khẳng định, nhờ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, nhất là từ kinh tế biển, Kiên Giang đã khắc phục khó khăn, từng bước vượt qua thách thức để phục hồi và phát triển. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh (năm 2020 đạt 98.880 tỉ đồng, đến năm 2023 đạt gần 130.000 tỉ đồng, trong đó Phú Quốc chiếm khoảng 15%); Năm 2023, tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt 15.120 tỉ đồng, trong đó Phú Quốc đóng góp 51,7%; lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng khá, đạt hơn 10% (đứng đầu 13 tỉnh ĐBSCL), doanh thu từ du lịch Phú Quốc chiếm 85% toàn tỉnh; huy động vốn đầu tư toàn xã hội Phú Quốc chiếm hơn 54% toàn tỉnh.
Để phát triển Phú Quốc, Kiên Giang đề xuất ưu tiên nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho Phú Quốc đầu tư phát triển hạ tầng về cấp nước, xử lý rác thải, hạ tầng giao thông… với tổng nhu cầu khoảng 42.000 tỉ đồng. Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thanh Bình kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh Kiên Giang cập nhật, bổ sung vào Báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù chung cho Vùng, trong đó có thành phố Phú Quốc.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng sau gần 20 năm (2004-2023) Phú Quốc phát triển vượt bậc, mạnh mẽ và trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của du khách trong và ngoài nước. Nhận diện lại tiềm năng Phú Quốc Đến nay Phú Quốc có nhiều cái hơn, gồm: Phú Quốc hiện có tiềm lực được tăng cường hơn, hạ tầng chiến lược phát triển đồng bộ hơn; vai trò, uy tính và vị thế của Phú Quốc cũng hơn các điểm khác. Thời cơ thuận lợi Phú Quốc được nhiều hơn.
Song, đi kèm với đó, Phú Quốc còn nhiều khó khăn thách thức như: chưa phát triển đúng tầm của Phú Quốc. Phú Quốc đang phát triển nóng, có nhiều yếu tố thiếu bền vững, gồm: Phú Quốc chưa có nhà máy rác thải đúng tầm, thu gom và xử lý rác thải này; nước thải nước sạch trên đảo để phục vụ người dân và du khách. Tiềm năng lớn Phú Quốc nhưng cơ chế chính sách hạn hẹp; môi trường và nguồn nhân lực còn nhiều thách thức.
“Phú Quốc cần đánh giá và nhận diện đúng với tiềm năng khác biệt, cơ hội cạnh tranh, thời cơ cho sự phát triển. Phát huy tính tự lực tự cường, đi lên bằng bàn tay khói óc và Phú Quốc cần có tư tưởng biến không thành có, biến khó thành dễ và biến cái không thể thành có thể. Chúng ta tiếp tục đổi mới tư duy; tư duy tốt ra nguồn lực tốt. Khơi dậy lan toả nâng cao khát vọng của Phú Quốc. Chúng ta phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, phát triển xanh, sạch đẹp, thành phố thông minh. Chúng ta phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, tiếp tục chủ động, tạo sự chuyển biến, phát triển bền vững du lịch Phú Quốc” Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Ngoài ra phải nâng cao nhận thức vai trò, vị thế của Phú Quốc trong nhiệm vụ chung của cả nước, tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, cùng quan tâm đầu tư thúc đẩy sự phát triển Phú Quốc. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng đồng bộ, hạ tầng giao thông, xã hội, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho Phú Quốc; tăng cường cơ chế kiểm tra, kiểm soát chống tham nhũng; Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Phát huy khai thác truyền thống lịch sử, văn hoá, bản sắc, hào hùng gắn với phát triển dịch vụ du lịch để đáp ứng lòng nhân dân mong đợi.