Thương mại điện tử chớp cơ hội trong đại dịch

Thời báo Ngân hàng|17/09/2021 09:39

(VLR) Bất chấp khó khăn từ dịch COVID-19, các sàn thương mại điện tử vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến trong tiêu dùng. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội phát triển trong thời gian tới, thương mại điện tử cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ.

Thương mại điện tử tận dụng cơ hội trong đại dịch

Thương mại điện tử tận dụng cơ hội trong đại dịch

Vấn đề nói trên được các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm cấp cao “Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới” do Ban Kinh tế Trung ương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ngày 16/9.

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, đại dịch bùng phát nhưng chưa có thời điểm nào thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mãnh mẽ như hiện nay. Quy mô của thị trường thương mại điện tử thế giới liên tục tăng theo từng năm.

Tại thị trường Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công Thương, từ 2016 đến nay, doanh số TMĐT tăng bình quân 25-30%/năm. Dự kiến đến 2025, doanh thu từ giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng qua các phương tiện điện tử (B2C) là 35 tỷ USD, chiếm 10% doanh số bán lẻ cả nước trong một năm; đến năm 2025 tăng trưởng trung bình 24%/năm. Ước tính mua sắm trực tuyến năm 2020 đạt 240 USD/người/năm thì đến 2025 sẽ là 600 USD/năm.

Đặc biệt, dịch COVID-19 như một cú huých đẩy nhanh quá trình tăng trưởng của TMĐT tại Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT cho biết, đại dịch làm tiến độ phát triển ứng dụng cho TMĐT từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1-2 năm so với kế hoạch đến 2025. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong các năm gần đây khoảng 30% - 35%/năm và thời gian tới sau đại dịch sẽ là một bức tranh hoàn toàn thay đổi.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông James Dong, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam và Thái Lan, cho biết Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của sàn này cả về bên bán cũng như bên mua. Ngay cả trong giãn cách xã hội, bất chấp khó khăn chồng chất, số lượng đơn hàng vẫn gấp ba lần so với năm ngoái.

Cũng là sàn thương mại điện tử đón nhận sự tăng trưởng đáng kể trong mùa dịch, ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Tiki, chia sẻ doanh nghiệp đã nhìn nhận ba trụ cột chính sách, công nghệ và người vận hành của kinh tế số để phát triển TMĐT. Nhờ đó, doanh nghiệp đã được hưởng những chính sách cởi mở hơn, làm chủ được công nghệ, áp dụng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, thậm chí thử nghiệm rô-bốt trong quá trình vận chuyển hàng hóa tại kho bãi. Quá trình logistics trong và ngoài vũng giãn cách của sàn cũng nhận được sự hỗ trợ của các bộ, ngành…

Cũng nhờ có sự hỗ trợ, sàn TMĐT Sendo đã được giải quyết được vấn đề khó khăn. Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ, cho biết trong thời điểm giãn cách, Sendo và các sàn thương mại khác đều triển khai các ngày siêu ưu đãi mua sắm như 8/8, 9/9 lượng lớn hàng hóa tồn đọng chưa thể xử lý được cho khách hàng. Nhưng, nhờ có chính sách hỗ trợ, các đối tác vận chuyển của sàn đã được mở lại tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp.

Không chỉ tập trung kinh doanh, các sàn TMĐT cũng tích cực góp sức cùng cộng đồng. Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, Hiệp hội TMĐT kết hợp với các hiệp hội khác như Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ để hỗ trợ cho thanh niên, phụ nữ sau dịch. Thông qua TMĐT, họ có thể giúp kinh tế địa phương phát triển.

Ngoài ra, Hiệp hội TMĐT tiếp nhận nhiều thông tin về ứng dụng chuỗi khối (blockchain), thu gọi vốn từ các sàn TMĐT cũng như từ các nền tảng blockchain toàn cầu để gia tăng giá trị gọi vốn trong thời gian dịch bệnh thông qua internet và có thành công đáng kể.

Toàn cảnh tọa đàm cấp cao Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới

Toàn cảnh tọa đàm cấp cao Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới

Cần thêm các giải pháp hỗ trợ

Bên cạnh những thuận lợi, dịch COVID-19 cũng mang theo nhiều khó khăn cho các sàn TMĐT. Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho biết lượng truy cập vào sàn của doanh nghiệp gấp rưỡi, số lượng đơn hàng gấp ba, việc mua bán trên mạng tốt nhưng một sự thật là Shopee đang gặp khó khăn để cung ứng dịch vụ này đến với người tiêu dùng do cầu nối đang bị đứt gãy nghiêm trọng.

Không chỉ Shopee, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT cho biết các công ty kinh doanh TMĐT chịu ảnh hưởng nặng bởi hoạt động giãn cách xã hội tại các thành phố lớn. Hiệp hội cùng các doanh nghiệp đã kiến nghị cá bộ, ban, ngành ưu tiên cho shipper được di chuyển cũng như được lưu thông, giao hàng hoá liên quận. Cho đến nay, một số địa phương đã có hỗ trợ và ưu tiên cho các hoạt động của shipper hơn.

Đối với các sàn TMĐT đáp ứng nhu cầu thanh toán điện tử của người dân cũng là vấn đề được quan tâm. Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ bày tỏ mong muốn mở rộng thanh toán điện tử và được liên kết nhiều hơn với các ví điện tử, thẻ ngân hàng. Điều này giúp giảm thiểu số lượng khách hàng hủy đơn, khách hàng sẽ chắc chắn hơn về sản phẩm mình đã đặt.

"Khi chuyển dịch sang điều kiện bình thường mới, logistics, các hoạt động phối hợp giữa Chính phủ với doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy nhiều hơn. Tôi tin chúng ta sẽ tìm ra được giải pháp phù hợp để vừa sống chung với đại dịch, vừa đảm bảo logistics sẽ vận hành phù hợp và hiệu quả, hiệu suất", ông James Dong tin tưởng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử chớp cơ hội trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO