Tiền Giang: Tập trung thực hiện chiến lược phát triển logistics

Ngô Đức Hành|12/10/2023 13:54

Tính đến hết tháng 7/2023, các khu công nghiệp (kcn) của Tiền Giang đã thu hút 110 dự án; trong đó có 81 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 2,4 tỷ USD và 29 dự án trong nước với hơn 4.800 tỷ đồng. Đó là thành quả lớn với nhiều nỗ lực trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực mời gọi hợp tác đầu tư vào những lĩnh vực là thế mạnh của Tiền Giang.

Thông qua chuyên đề “Phát triển logistics Tiền Giang”, Tạp chí Vietnam Logistics Review (VLR) đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang – Phạm Văn Trọng về những vấn đề liên quan.

images1646507_img_2883.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Ông Phạm Văn Trọng

Thưa ông, hiện nay tỉnh Tiền Giang đã có những chính sách hỗ trợ đặc biệt nào để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa phương?

Phó Chủ tịch Phạm Văn Trọng: Để phát huy những lợi thế của địa phương, những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch với tầm nhìn chiến lược dài hạn, từ đó xác định danh mục các dự án để mời gọi đầu tư vào tỉnh, giúp cho doanh nghiệp an tâm và xây dựng các kế hoạch tham gia đầu tư, kinh doanh ở Tiền Giang.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 8,2%/năm, cao hơn mức bình quân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Có được kết quả này là do có sự đóng góp đáng kể của các doanh nhiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, sản xuất kinh doanh ở địa phương.

Năm 2022, các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Tiền Giang đã hoạt động sản xuất kinh doanh đạt kết quả tốt. Doanh thu các doanh nghiệp FDI đạt trên 3,99 tỷ USD, tăng gần 60% chỉ tiêu cả năm; doanh thu các doanh nghiệp trong nước đạt trên 7.553 tỷ đồng, đạt 100,71% chỉ tiêu; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,4 tỷ USD, tăng hơn 48% chỉ tiêu cả năm. Qua đó, giải quyết việc làm cho trên 92.000 lao động.

nvt_2360.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Nguyễn Văn Vĩnh đến thăm và làm việc với các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của tỉnh Tiền Giang

UBND tỉnh Tiền Giang đã thành lập Tổ thẩm định dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tổ có trách nhiệm xem xét, thẩm định các dự án trên địa bàn để chuyển cơ quan liên quan giải quyết theo quy định. Đồng thời, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn giao trách nhiệm cho Ban Quản lý các Khu Công nghiệp (BQLCKCN) Tiền Giang thường xuyên theo dõi tình hình đầu tư sản xuất của nhà đầu tư trong KCN, nhằm kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn vốn ngân sách để đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối các KCN, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư.

Tỉnh cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh chỉ tiêu đất KCN tỉnh Tiền Giang trong kỳ kế hoạch sử dụng đất 2021-2025 là 2.076ha, đến năm 2030 là 4.429ha; đồng thời, khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành trung ương để tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chuyển giao KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp về tỉnh quản lý để tiếp tục mời gọi đầu tư.

BQLCKCN Tiền Giang thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư trong KCN; báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đối với các nội dung vượt thẩm quyền; chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tránh sự chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư.

Trong giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài, BQLCKCN Tiền Giang hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đảm bảo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động và pháp luật có liên quan; phối hợp cho ý kiến trong thẩm định hồ sơ đề xuất thực hiện dự án của nhà đầu tư, đảm bảo cơ sở pháp lý, tính phù hợp, để đề nghị nhà đầu tư chỉnh sửa, hoàn thiện, làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án tại các KCN.

Cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nào đang được tỉnh Tiền Giang tạo điều kiện và khuyến khích phát triển?

Phó Chủ tịch Phạm Văn Trọng: Những năm qua, Tiền Giang tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp làm cơ sở mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp, đồng thời có nhiều chính sách đẩy mạnh thu hút, ưu đãi đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế thế mạnh của địa phương.

Mục tiêu của tỉnh là thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và công nghiệp công nghệ cao ít sử dụng lao động, giảm bớt các dự án gia công, thu hút đầu tư các dự án ít ảnh hưởng môi trường, tích cực mời gọi đầu tư các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, các ngành nghề tạo ra sản phẩm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Địa phương cũng quan tâm mời gọi đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang khuyến khích các cơ sở công nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất cũng như kiên quyết không tiếp nhận các ngành công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế của nước ta.

Theo ông, đâu là điểm nhấn nổi bật để Tiền Giang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần logistics?

Phó Chủ tịch Phạm Văn Trọng: Tiền Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh, dư địa phát triển còn rất lớn. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định 3 khâu đột phá chiến lược; trong đó, những nội dung liên quan đến logistics có mặt ở tất cả 3 khâu.

Để phát triển logistics, UBND tỉnh Tiền Giang chủ trương xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các vùng ĐBSCL. Thực tế, là hệ thống giao thông ở Tiền Giang ngày càng đồng bộ, hiện đại, thông suốt.

Giai đoạn 2016 – 2020, hệ thống giao thông của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều tuyến đường giao thông quan trọng. Hiện nay, các công trình cầu, đường như cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2 để nối thông tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ… đang được Chính phủ chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ. Về mạng lưới giao thông đường thủy, Tiền Giang có các tuyến kênh Chợ Gạo, kênh Tháp Mười số 2 (kênh Nguyễn Văn Tiếp) là những tuyến giao thông thủy huyết mạch vận chuyển hàng hóa qua lại giữa ĐBSCL và TP.HCM được nạo vét mở rộng, đã đáp ứng nhu cầu vận tải đường thủy, phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

3-1690702331284496635454.jpg

Tiền Giang có bờ biển dài 32 km và đang được đầu tư nhiều dự án để phát triển kinh tế biển, kết nối giao thương hàng hải quốc tế. Do vậy, Tiền Giang không chỉ đầu tư, phát triển hệ thống GTVT đường bộ, mà còn chú trọng quy hoạch cảng biển, giao thông đường thủy nội địa. Tương lai cảng biển Mỹ Tho sẽ được đầu tư nâng khả năng tiếp nhận tàu lên tới 5.000 DWT...

Cũng xin nói thêm, Tiền Giang phát triển không chỉ vì Tiền Giang mà còn vì cả nước, trước hết là các tỉnh, thành phố khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Do vậy, chiến lược, quy hoạch, kêu gọi đầu tư còn thể hiện tầm nhìn, liên kết vùng để cùng phát triển.

Trong chủ trương thông thoáng - cải cách hành chính, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện những biện pháp nào để cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư?

Phó Chủ tịch Phạm Văn Trọng: Như trên tôi đã nói, thành công trong thu hút đầu tư những năm qua ở Tiền Giang là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Từ ngày 7/01/2022, UBND đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ trên, BQLCKCN Tiền Giang thực hiện cung ứng dịch vụ hành chính công thuộc các lĩnh vực đầu tư, lao động, xây dựng và các dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan cho nhà đầu tư, đảm bảo giải quyết 100% hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa trước hạn và đúng hạn. Các nội dung cung ứng đã đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư kinh doanh tại KCN.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban QLCKCN tỉnh Tiền Giang tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC, trọng tâm là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số... Từ đó, góp phần rút ngắn thời gian và giảm chi phí, giảm phiền hà cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tỉnh Tiền Giang thực hiện tốt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001: 2015, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; kịp thời phổ biến và cung cấp đầy đủ, công khai các quy định của pháp luật về những vấn đề liên quan đến đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, doanh nghiệp, lao động, môi trường... đến các doanh nghiệp có nhu cầu.

Hiện nay, các nguồn lực về nhân công và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực của địa phương có đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Tiền Giang không?

Phó Chủ tịch Phạm Văn Trọng: Tiền Giang có nguồn nhân lực với số lượng trên 1,3 triệu lao động, có chất lượng khá tốt với tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 47%, người lao động có ý thức làm việc tốt, thích nghi nhanh với tác phong công nghiệp, đáp ứng được yêu cầu nền sản xuất hiện đại...

Để đáp ứng nguồn nhân lực ở địa phương, năm qua Tỉnh ủy Tiền Giang đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 17/11/2022) của Trung ương VI (Khóa XIII) về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

2-1690702331345965388261.jpg

Hiện nay Tiền Giang có Trường Đại học Tiền Giang có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh, vùng ĐBSCL và cả nước. Nhà trường đã tích cực phối hợp với hơn 20 cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Tiền Giang thực hiện thành công các nghiên cứu, phần lớn được chuyển giao kỹ thuật, công nghệ phục vụ cộng đồng.
Tỉnh đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp, đào tạo nghề nghiệp cho sinh viên các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Qua đó, giúp tạo nguồn cung phục vụ thị trường lao động và thuận lợi cho lao động trong nhu cầu tìm việc làm với thu nhập ổn định, phù hợp sở trường, nguyện vọng…

Tất nhiên, đối với nguồn nhân lực chất lượng cao đang là “điểm nghẽn” ở Tiền Giang. Chúng tôi ý thức rằng, với nền tảng công nghệ số, tích hợp tất cả các thông tin về công nghệ, quy trình, phương thức sản xuất, nhu cầu về ngành, nghề, kỹ năng… và nhất là khả năng kết nối, chia sẻ trên toàn thế giới thông qua các thiết bị công nghệ… sẽ làm thay đổi cách thức kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động. Do vậy, Tiền Giang đã và đang đa dạng các hình thức đào tạo, từ tại chỗ cho đến hợp tác đào tạo...

Bài liên quan
  • Nhận diện những thách thức lớn của ngành Logistics Việt Nam
     Thêm nhiều thương hiệu nước ngoài gia nhập thị trường Nga  Mỹ nới lỏng kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip cho các nhà máy Samsung và SK tại Trung Quốc  Thủ phủ vải Bắc Giang sắp có khu dịch vụ tổng hợp, logistics rộng 31 ha  Xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lai Châu tăng mạnh nhờ khai thác hiệu quả các FTA  Hải quan TP.HCM tăng cường giám sát, ngăn chặn các loại chất cấm mới  Nhận diện những thách thức lớn của ngành Logistics Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang: Tập trung thực hiện chiến lược phát triển logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO