Đại hội thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) đã diễn ra từ ngày 4-6/10 tại Trung tâm Hội nghị Brussels, Bỉ với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu đến từ các ngành giao nhận, vận tải hàng hóa cũng như các quan sát viên từ các lĩnh vực khác.
Đoàn Việt Nam do ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch và ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) dẫn đầu đoàn đã tham dự các hoạt động tại FWC 2023.
Trước đây, vấn đề môi trường và thương mại luôn được đặt ra tại các diễn đàn thế giới. Nhưng câu chuyện chỉ dừng lại ở mức bàn thảo, mà chưa có tác động đáng kể tới hoạt động thương mại vì chưa có tính cưỡng bức.
Các quốc gia ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững, thể hiện thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và COP27. Liên minh châu Âu (EU) ban hành và dự kiến ban hành hàng loạt đạo luật thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường, đã tạo nên áp lực lớn cho các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam.
Mới đây, vào đầu tháng 7/2023, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU đã đề xuất các quy tắc buộc nhà sản xuất phải đảm nhận trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm dệt may và hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải dệt may trên toàn EU. Nhiều quốc gia cũng đã ban hành đạo luật về Nghĩa vụ thẩm định chuỗi cung ứng như Đức, Pháp, Na Uy, Mỹ, Australia, Canada...
Đại hội FIATA (FWC) là một sự kiện quốc tế mang lại cơ hội kinh doanh, xã hội và kết nối cũng như tương tác với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Trong ba ngày diễn ra hội nghị, các diễn giả nổi tiếng thuyết trình, cũng như các cuộc thảo luận về các vấn đề thời sự và chính sách là những nội dung chính của FWC 2023.
Với chủ đề “Khí hậu đang thay đổi ngành logistics”, FIATA đã đề cập đến những thách thức, đổi mới và phát triển mới nhất trong một thị trường toàn cầu đang thay đổi; tập trung vào các xu hướng mới trong lĩnh vực logistics toàn cầu, giáo dục, sự tuân thủ, tính đa dạng và trách nhiệm của ngành logistics trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Đặng Vũ Thành, chủ đề do FWC 2023 lựa chọn rất ý nghĩa với thời điểm hiện nay. Ngành logistics Việt Nam cũng đang định hướng với sự phát triển bền vững, xanh hóa trong sự biến đổi chung này. "Chúng tôi hi vọng các doanh nghiệp logistics Việt Nam được tiếp cận các xu hướng mới và có những giải pháp thích ứng với sự biến đổi khí hậu, môi trường kinh doanh hiện nay. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp giao lưu, kết nối và hợp tác phát triển những lĩnh vực phù hợp", ông Thành nhấn mạnh.
Ông Đặng Vũ Thành cũng cho biết, sự kiện đã thu hút nhiều doanh nghiệp logistics toàn cầu và đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp logistics Việt Nam giao lưu kết nối, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác phát triển. Đặc biệt các kiến thức, kinh nghiệm về số hóa, xanh hóa ngành logistics để áp dụng tại Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một trung tâm lớn hơn về logistics và phát triển bền vững.
Khẳng định triển vọng phát triển của lĩnh vực logistics tại Việt Nam, ông Stéphane Graber, Tổng giám đốc FIATA cho biết, tháng 7/2023, ông vừa có chuyến khảo sát ở Việt Nam, để chuẩn bị cho FWC 2025 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2025. Cũng trong dịp này, Chủ tịch FIATA Ivan Petrov và ông Stéphane Graber đã gặp gỡ và có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính. Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn quan hệ của Việt Nam với Liên đoàn FIATA ngày càng thắt chặt và hiệu quả.
Tại cuộc gặp với Tổng giám đốc FIATA, Thủ tướng Việt Nam, Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam cần hợp tác với FIATA để được tham vấn cơ chế phát triển logistics Việt Nam "đi sau về trước" theo kịp xu thế chung của thế giới và quan trọng nhất giúp giảm chi phí, tạo giá thành thấp cho sản phẩm và nâng sức cạnh tranh trên trường quốc tế, giúp đỡ Việt Nam đào tạo về nguồn nhân lực, quản trị tổ chức, tham vấn vấn đề công nghệ phát triển...
FWC 2023 có hơn 1.000 đại biểu tới từ 80 quốc gia tham dự với 72 diễn giả, 27 cuộc họp và phiên thảo luận. Việt Nam có gần 20 đại biểu là lãnh đạo Hiệp hội VLA, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về logistics quốc tế của Việt Nam như Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP), Công ty Cổ phần Kho vận miền Nam (SOTRANS), Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải Con Ong (Bee Logistics), Công ty Cổ phần Hàng hải MACS, Công ty WE ARE ONE (WR1)…
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14 - 16%, quy mô 40 - 42 tỉ USD/năm. Hiện có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán.
Tuy nhiên, xanh hóa logistics đang đặt ra nhiều thách thức. Chưa bao giờ từ khóa xanh và phát triển bền vững lại có tính cưỡng bức và tính áp đặt mạnh mẽ như hiện nay. Nếu không chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại, vì nếu không xanh, khách hàng sẽ không mua.
Bài học từ ngành dệt may cho thấy, trước đây chúng ta tự hào ngành dệt may đi trước các nước như Bangladesh, Campuchia. Nhưng hiện nay, họ đã đi trước trong chuyển đổi xanh. Do vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chuyển đổi, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, đơn hàng không chỉ bị giảm bởi nhu cầu sụt giảm, mà còn có thể bị mất vào tay các đối thủ cạnh tranh.
Ngoài chất lượng và giá cả, khách hàng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp đáp ứng được cao nhất yêu cầu; trong đó có yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy chuyển đổi xanh hóa và phát triển bền vững, bên cạnh quyết tâm chính trị và hỗ trợ của Nhà nước, cùng giải pháp phát huy quyền lợi của người tiêu dùng, mỗi doanh nghiệp phải chủ động thay đổi tư duy và chuyển đổi chính mình.
Mặc dù Việt Nam đã có Kế hoạch hành động cho Chiến lược Tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, nhưng kết quả chỉ đạt 3/12 mục tiêu đề ra. Các chuyển động xanh của doanh nghiệp còn hạn chế. Tỷ lệ sản phẩm xanh đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, nhất là EU, còn thấp, chỉ khoảng 5%.
Trong khi đó, các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và cơ quan quản lý Nhà nước đều cho thấy, các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu xanh đều có có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với bình quân toàn thị trường 2,5% - 11,4%. Uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp được nâng cao, chi phí tài nguyên được tiết giảm, năng suất lao động tăng. Vốn được tiếp cận dễ dàng hơn. Đơn hàng có được tốt hơn doanh nghiệp khác khi cầu từ thị trường đối tác giảm.
Xanh hóa và số hóa đã và đang cần được trao đổi, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế của FIATA.