Tiền Giang phát triển logistics thành “điểm sáng” trong hệ sinh thái dịch vụ đa dạng

TS Võ Phước Lộc|21/08/2023 16:24

Tỉnh Tiền Giang có diện tích 2.556,36 km2 (chiếm 5,88% diện tích vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long), là cửa ngõ, giữ vị trí trung chuyển, nối kết các địa phương khu vực Tây Nam Bộ với vùng kinh tế trọng điểm phía nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và liên kết thông suốt với khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Với vị trí “địa kinh tế”, Tiền Giang có lợi thế lớn trong việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng va

Ưu thế nổi trội

So với Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre... Tiền Giang có ưu thế hơn về giao thông vận tải thủy bộ. Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50 chạy xuyên suốt nối liền chiều dài từ đông sang tây của tỉnh trên 120km. Kết nối cảng Mỹ Tho với các đầu mối giao thông giữa các tỉnh miền Tây (cầu Mỹ Thuận), thủ phủ của tỉnh có thể xem là một trung tâm logistics phức hợp có vai trò phân phối vận tải hàng hóa, dịch vụ kho bãi, bảo dưỡng, sửa chữa container và công nghiệp phụ trợ.

1682584636-tlmt-2-compressed.jpeg

Tiền Giang còn được biết đến là đầu mối nối kết thông suốt với các quốc lộ 1A, 30, 50, 60 đi các tỉnh trong vùng Nam Bộ và cả nước. Về đường thủy tỉnh có 32km bờ biển với ba cửa sông lớn giữ vị trí trọng yếu trong giao lưu quốc tế. Phía Nam, Sông Tiền chảy qua địa phận trên 120km (tàu trọng tải 3.000 – 5.000 tấn có thể đi đến Phnom Penh, Campuchia). Phía Bắc, Sông Vàm Cỏ chảy qua 39km nối với kênh

Chợ Gạo là tuyến đường thủy huyết mạch của Đồng bằng sông Cửu Long đi TP. Hồ Chí Minh. Có thể nói ưu thế đặc biệt của Tiền Giang là sở hữu hai trục giao thông thủy bộ liên hoàn, bổ trợ cho nhau trong lưu thông vận tải.

Theo dòng lịch sử, ưu thế trên đã sớm được nhân dân và chính quyền tỉnh Tiền Giang qua các thời kỳ đã chú trọng việc quy hoạch, khai thác,... và đã hình thành nên Mỹ Tho Đại Phố (1679). Kể từ đó cho đến nay thành phố Mỹ Tho luôn là trung tâm giao lưu quan trọng của miền Trung Nam Bộ; và là cầu nối tập trung vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với các địa phương là TP. Hồ Chí Minh và toàn vùng miền Đông Nam Bộ. Có lẽ do vậy mà trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức có chép: “Mỹ Tho Đại Phố... ghe thuyền sông biển ở các ngã đến đây đông đúc, làm một đại đô hội, phồn hoa huyên náo...”.

Kinh nghiệm quy hoạch khơi thông trên, sớm định hình thành mô hình phát triển: chuyên canh sản xuất hàng hóa + tập kết và lưu chuyển nguồn hàng + giao lưu tiện lợi và hiệu quả. Từ đặc điểm và lợi thế quan trọng này sẽ tạo ra nền tảng thực tiễn hình thành hệ sinh thái dịch vụ đa dạng, trong đó có lĩnh vực dịch vụ hậu cần logistics.

Cho đến nay, Tiền Giang vẫn còn lưu giữ các địa danh nổi tiếng: Chợ Gạo, Bến Tranh, Chợ Xoài Hột, Chợ Cầu Kho, Chợ Giữa... Dân gian còn truyền tụng các câu ca minh chứng: Đạo nào vui bằng đạo đi buôn/ Xuống biển lên nguồn gạo chợ nước sông. Khen ai khéo bắc cầu kè/ Cái Thia đi xuống Cái Bè đi lên. Anh đi thuyền gạo Gò Công/ Anh về Bao Ngược bị giông rách buồm/ Rách buồm nước chảy có cuồn/ Anh đi về đó dựng buồm chạy luôn.

Quy hoạch và triển vọng phát triển

cao-toc-8515-1639995305-compressed.jpeg

Nhận thức rõ về yêu cầu phát triển, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố khác để đảm bảo thực hiện tốt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển ngành dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025; từ năm 2014 Tỉnh ủy và Ủy Ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã gấp rút phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến 2050 gồm hai giai đoạn như sau:

Từ 2015 – 2025:

Quan điểm và mục tiêu quy hoạch: định hướng sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đảm bảo phù hợp liên kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Có đột phá ngay trong giai đoạn đầu, đặc biệt chú trọng phát triển mạng lưới giao thông hợp lý, liên hoàn giữa các phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển. Liên thông giữa mạng giao thông tỉnh với mạng giao thông quốc gia, khu vực và quốc tế. Mục tiêu đến năm 2020 vận chuyển được 30,86 triệu tấn hàng hóa; 75,72 triệu lượt hành khách. Trong đó, phải sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 54km (hiện nay tuyến cao tốc này đã hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác). Tu chỉnh và nâng cấp các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh; phát triển 740km mạng lưới đường tỉnh. Hình thành mạng lưới giao thông đường bộ kết nối liên hoàn giữa xã – huyện, huyện – các quốc lộ có đầu mối thủy bộ, bến bãi tập kết hành khách và hàng hóa, theo chiều dọc và ngang trong tỉnh. Bước đầu nghiên cứu xây dựng đoạn đường sắt chạy qua tỉnh nối thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ.

Về cơ sở hạ tầng logistics: cải tạo, nâng cấp cảng Mỹ Tho thành cảng chính của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm ba chức năng: cảng biển, cảng tổng hợp, cảng cho du khách. Công suất thiết kế đạt 500.000 tấn/ năm, khả năng tiếp nhận tàu lên tới 5.000 DWT, có bến mới kho hàng container, bãi công nghệ mới, khả năng bốc xếp cầu trục
40T tầm với R=20m, xe nâng chạy điện đến 2,5T. Nâng cấp bến Gò Công trên sông Soài Rạp, cảng cá Mỹ Tho và Vàm Láng. Xây dựng thêm các cảng như: bến xăng dầu Hiệp Phước, cảng tổng hợp năng lượng, cảng hàng hóa nông sản thực phẩm Tiền Giang... Nạo vét và cải tạo bước một tuyến đường thủy kênh Chợ Gạo... 

Giai đoạn 2026 – 2030, tầm nhìn 2050:

Nâng cấp toàn bộ đoạn tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Mỹ Thuận từ 6 – 8 làn xe theo quy hoạch được phê duyệt. Tăng lên 82,661km gồm các tuyến tránh thuộc quốc lộ 1, 30, 50. Tăng 243,588km đường tỉnh quy hoạch mới 11 tuyến dài 222,85km. hoàn thành nâng cấp cải tạo kênh Chợ Gạo giai đoạn 2. Tiếp tục nghiên cứu và đề xuất xây dựng tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch giai đoạn 1.

Về kết cấu hạ tầng logistics: tiếp tục phát triển 2 khu bến cảng: Gò Công trên Sông Soài Rạp, tàu 70.000 tấn trọng tải vào được, khu bến cảng Mỹ Tho trên Sông Tiền đón cỡ tàu trọng tải 5.000 tấn. Hiện đại hóa các bến phao, neo đậu, chuyển tải, tránh trú bão... Đến năm 2030 Tiền Giang có 3 trung tâm logistics cấp tỉnh: Gò Công Đông (15ha), Tân Phước (20ha), Cái Bè (30ha). Tất cả đảm bảo kết nối đồng bộ, liên hoàn với các trục quốc lộ 30B, 30C, các tuyến vận tải đường sông, hàng hải quốc tế, thu gom hàng hóa nông sản, hàng hóa tại khu chế biến thủy hải sản.

top-5-loai-trai-cay-dac-san-tien-giang-2-compressed.jpeg

Từ tầm nhìn quy hoạch nêu trên, chúng ta kỳ vọng rằng Tiền Giang trong tương lai gần có thể xây dựng và hình thành nên hệ sinh thái logistics, dịch vụ tổng hợp theo mô hình kinh tế mới. Đồng thời, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghệ làm nền tảng tạo đột phá chuyển đổi sang nền kinh tế số nhằm đáp ứng 10 xu hướng thúc đẩy phát triển ngành logistics của quốc tế hiện nay như giao thông vận tải nhanh; bến bãi tập kết hàng hóa đảm bảo kỹ thuật; bảo quản và duy trì chất lượng sản phẩm; uy tín, đúng hạn giao kết trong thương mại nội bộ và quốc tế;...

Với những yếu tố và lợi thế như đã nêu trên, chúng ta có quyền tin tưởng rằng tỉnh Tiền Giang có triển vọng tạo đột phá trong việc phát triển ngành dịch vụ logistics trở thành “điểm sáng” trong hệ sinh thái dịch vụ đa dạng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực và cùng cả nước phát triển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang phát triển logistics thành “điểm sáng” trong hệ sinh thái dịch vụ đa dạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO