(Vietnam Logistics Review)Không chỉ góp phần cải thiện môi trường, chuỗi cung ứng bền vững và chuỗi cung ứng xanh cũng mang lại khá nhiều lợi ích cho các chiến lược về chuỗi cung ứng của các công ty.
Hầu hết các công ty đều quan tâm đặc biệt đến các tiến trình trong chuỗi cung ứng, nhất là việc gửi trả lại sản phẩm cho nhà cung cấp. Ngày nay, nhiều công ty cũng bắt đầu tập trung đến quá trình “logistics ngược” này, không chỉ nhằm giải quyết vấn đề chất thải mà còn cải thiện môi trường chung và đem lại lợi nhuận sau cùng cho khách hàng.
Giành lại giá trị sản phẩm
Kết quả của sự chuyển đổi hình thức hoạt động này, các chuỗi cung ứng bền vững đã trở thành một thuật ngữ khá phổ biến bao gồm yếu tố quản lý các tác động đến môi trường, xã hội, kinh tế hợp lý nhất trong suốt vòng đời của hàng hóa lẫn dịch vụ.
Chuỗi cung ứng xanh có tác dụng giảm thiểu tối đa tác động sinh thái của toàn bộ chuỗi cung ứng. Trong đó, giảm thiểu lượng khí thải nhà kính là điều được ưu tiên hàng đầu. Ví dụ giảm lượng năng lượng và sử dụng vật liệu trong các hoạt động logistics.
Yếu tố môi trường ảnh hưởng rất lớn đến những quyết định trong lĩnh vực logistics. Ví dụ, nhiều sản phẩm sau khi sử dụng sẽ không được phép chôn lấp tại các bãi đất trống, từ đó nhiều công ty sẽ phải nhận lại các sản phẩm sau khi không còn sử dụng được nữa. Cùng lúc đó, nhu cầu cung cấp đất chôn lấp cũng giảm dần, khiến giá cả của dịch vụ này cũng nhích lên từ từ.
Nhiều bộ phận trong các sản phẩm như ống tia âm cực trong tivi và màn hình máy tính cũ, hiện nay đang bị cấm tiêu hủy bằng biện pháp chôn lấp do sự nguy hại đến sức khỏe con người trong tương lai và do diện tích cho biện pháp tiêu hủy này chiếm quá lớn. Những sản phẩm này là mục tiêu chính và cũng là cơ hội vàng cho tiến trình logistics ngược. Hình thức này sẽ giúp các công ty lấy lại những sản phẩm này để tái sử dụng lại từ đó tiết kiệm được chi phí.
Triển khai thực hiện các sáng kiến xanh
Hiện nay, đã có một số công ty như Hewlett-Packard và Xerox đang bắt đầu áp dụng chương trình “Extended Product Responsibility” – hoặc EPR – nhằm tập trung vào toàn bộ vòng đời của sản phẩm và tìm cách giảm tối đa mức độ ô nhiễm lẫn hao tốn năng lượng sử dụng trong thời gian đó.
Một số chương trình và quá trình tiêu biểu của việc trả hàng cũ về phía cung cấp là một trong những chiến lược quen thuộc được biết đến như một chuỗi cung ứng vòng khép kín, được thiết kế đặc biệt cho từng công ty để quản lý và giải quyết cả dòng sản phẩm đi lẫn về trong chuỗi cung ứng.
Các hoạt động logistics ngược bao gồm việc tái sử dụng, tái lắp ráp, tân trang, tái chế đang dần được biết đến rộng rãi hơn như 4 chữ R nổi tiếng của quá trình xanh này (Reuse, Remanufacturing, Refurbishing, Recycling). Gần như các chương trình chuỗi cung ứng xanh nào cũng hội tụ đủ 4 phần này do sự hỗ trợ lẫn nhau khá hiệu quả của chúng.
Giảm chi phí, tăng tính hiệu quả
Cốt lõi của các chương trình quản lý chuỗi cung ứng xanh chính là việc giảm lượng chất thải bằng cách hoạt động hiệu quả hơn. Việc quản lý tốt nguồn tài nguyên và nhà cung cấp có thể giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy quá trình tái chế, tái sử dụng vật liệu thô. Ngoài ra, các vật dụng độc hại cũng sẽ được quản lý, loại bỏ tốt hơn, giúp các công ty và tổ chức lớn tránh được các sai phạm về quy định môi trường ở địa phương.
Do đó, chi phí hoạt động của công ty sẽ dần được giảm xuống và tính hiệu quả của quá trình sử dụng tài nguyên cũng nâng cao hơn. Nhìn chung, chuỗi cung ứng xanh sẽ mang lại những hiệu quả tích cực sau đây:
• Quản lý các nhà cung cấp hiệu quả hơn
• Nguồn đầu tư và rủi ro được chia đều cho các đối tác trong chuỗi
• Phổ biến công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, vốn và kiến thức giữa các đối tác trong chuỗi
• Kiểm soát tốt hơn về an toàn và chất lượng sản phẩm
• Tính minh bạch của các chuỗi cung ứng
• Tăng doanh số bán hàng và doanh thu cuối
• Sử dụng chất thải hiệu quả hơn