TP. HCM: Tạo đột phá từ công nghệ

Hà Nội mới|02/06/2021 08:37

(VLR) Để trở thành thành phố thông minh, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh triển khai, ứng dụng công nghệ trong nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống. Mục tiêu là dùng công nghệ làm bàn đạp, tạo bước đột phá để đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% tổng sản phẩm trên địa bàn.

Người dân tra cứu thông tin trên bảng điện tử tại Bệnh viện Thống Nhất (TP. HCM)

Người dân tra cứu thông tin trên bảng điện tử tại Bệnh viện Thống Nhất (TP. HCM)

Nhiều ứng dụng tiện ích

Sáng 31/5/2021, một vụ cháy đã xảy ra tại căn nhà ở số 16A đường Nguyễn Thiện Thuật (phường 2, quận 3, TP. HCM). Khi vụ cháy xảy ra, người dân đã nhanh chóng thông báo cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ... Anh Hoàng Thanh Bảo ở phường 2, là người thông báo cho lực lượng chức năng thông qua ứng dụng báo cháy Help 114 cho biết, anh đã cài đặt ứng dụng này và thấy rất thuận tiện. “Khi thấy sự cố cháy, nổ hay tai nạn, tôi chỉ cần bấm vào biểu tượng ứng dụng trên màn hình điện thoại là có thể thực hiện nhiều cách báo tin tới cơ quan chức năng”, anh Hoàng Thanh Bảo chia sẻ.

Help 114 là đề tài khoa học của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an TP. HCM) phối hợp với các chuyên gia về công nghệ nghiên cứu phát triển. Ứng dụng có chức năng xác định vị trí, định danh người gọi, giúp công an biết được tin báo thật hay giả và biết được khu vực xảy ra cháy, nổ trên bản đồ số, từ đó triển khai công tác chữa cháy, cứu nạn nhanh, chính xác. Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, hiện mỗi ngày, đơn vị nhận được khoảng 200 - 300 tin báo cháy, nổ, cứu nạn qua ứng dụng Help 114.

Một ứng dụng khác được triển khai từ thành phố xuống xã, phường thời gian qua là ứng dụng Khai báo y tế qua mã QR. Từ Nghệ An vào TP. HCM đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, anh Hoàng Nghĩa Dũng cho biết: "Tôi dùng điện thoại thông minh đọc mã QR dán tại bảng thông báo ở sảnh chung cư MP (đường Lâm Văn Bền, quận 7). Ngay lập tức cửa sổ khai báo y tế của Trạm Y tế phường Tân Kiểng hiện ra, tôi chỉ việc trả lời các câu hỏi bằng cách bấm vào vị trí ô trả lời trên màn hình. Tất cả chỉ mất 5 phút".

Nhiều doanh nghiệp tại TP. HCM cũng được hưởng lợi từ tiện ích công nghệ mà các cấp chính quyền TP. HCM đang áp dụng trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính. Đơn cử như Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM đã triển khai thí điểm 6 dịch vụ công của Sở lên cấp độ 4. Chị Dương Bảo Ngọc, đại diện Công ty Truyền thông BN (quận 7) cho hay, các thủ tục nộp hồ sơ, giải quyết đề nghị và trả kết quả xử lý được tiến hành 100% qua mạng internet. Doanh nghiệp được chủ động thời gian và biết hồ sơ mình đã giải quyết đến đâu, còn thiếu thủ tục gì hay không. Việc thanh toán lệ phí cho một số thủ tục hành chính có tính phí cũng được thực hiện qua mạng internet, rất tiện cho doanh nghiệp.

Tiếp tục phát triển kinh tế số

TP. HCM xác định sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số cho 10 lĩnh vực trọng tâm là: Y tế, giáo dục, giao thông - vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nhân lực. Để triển khai, thành phố hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, hướng tới làm chủ công nghệ số, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện công việc thường ngày.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM Lê Hồng Sơn cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, ngày 04/5/2021, Sở đã ban hành Kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, có 100% đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn được kết nối đường truyền băng thông rộng để triển khai hiệu quả các ứng dụng trực tuyến; hoàn thành việc xây dựng thư viện số; 100% học sinh, sinh viên được tiếp cận kho học liệu trực tuyến phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập. "Chúng tôi phấn đấu đưa các giải pháp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), nâng cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3 và 4, góp phần xây dựng nền quản trị giáo dục thông minh", ông Lê Hồng Sơn nói.

Trên quy mô toàn thành phố, UBND TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; kinh tế số chiếm 25% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. "Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ sẽ giúp TP. HCM phát triển đột phá, nhanh và bền vững về kinh tế - xã hội như mục tiêu đã đề ra", Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong kỳ vọng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM: Tạo đột phá từ công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO