… Trao đổi với tôi, Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Công (TCC), đồng thời cũng là Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam (VREC) và Câu lạc bộ Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HREC) khẳng định rằng thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam hứa hẹn nhiều tiềm năng phục hồi, tạo những “vùng sáng” nhờ sự ổn định kinh tế, đầu tư hạ tầng và nhu cầu nhà ở tăng cao. Và, Bảo cho rằng chính công nghệ và chuyển đổi số sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa quy trình quản lý và cải thiện trải nghiệm khách hàng, tạo ra môi trường kinh doanh bền vững và hiệu quả.
Chào Quốc Bảo, anh có thể chia sẻ ngắn vài nét về VREC và HREC không?
Nguyễn Quốc Bảo: Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam (VREC) và Câu lạc bộ Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HREC) là tổ chức tự nguyện, hiện đã quy tụ hơn 250 doanh nhân, bao gồm các cá nhân, tổ chức và chuyên gia đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS).
Ban Chấp hành (BCH) Câu lạc bộ (CLB) gồm 25 thành viên, do Bảo làm Chủ tịch. Hoạt động của CLB dựa trên nguyên tắc phi lợi nhuận, kết hợp năng lực các thành viên để triển khai và phát triển các hoạt động.
Theo Bảo, những xu hướng chính trong thị trường BĐS Việt Nam hiện nay là gì và chúng ảnh hưởng thế nào đến các nhà đầu tư và người tiêu dùng?
Nguyễn Quốc Bảo: Tại thị trường BĐS Việt Nam, có một số xu hướng quan trọng đang diễn ra như vấn đề nhà ở xã hội đang bùng nổ. Dự kiến năm 2024 là thời điểm tốt để phân khúc nhà ở xã hội phục hồi, giúp giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân có thu nhập thấp. Tiếp theo đó là vấn đề “xanh hóa” lên ngôi. Phong cách sống hướng đến môi trường xanh đang thay đổi nhanh chóng, thu hút khách hàng. Và một vấn đề nữa là công nghệ số. Chính đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS, giúp tạo ra các giao dịch trực tuyến và giải quyết bài toán giao dịch.
Tất nhiên là còn nhiều xu hướng, yếu tố nữa nhưng những xu hướng vừa nêu sẽ tạo ra cơ hội và cả thách thức cho nhà đầu tư và người tiêu dùng trong thị trường BĐS Việt Nam hiện tại và tương lai.
Về tiềm năng phát triển của thị trường BĐS tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... trong những năm tới Bảo thấy thế nào?
Nguyễn Quốc Bảo: Thị trường BĐS tại Việt Nam hứa hẹn có nhiều tiềm năng và cơ hội phục hồi. Có thể kể ra đây một số khía cạnh tích cực như: Kinh tế ổn định sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhà ở và các dự án đầu tư BĐS; Chính phủ đang tập trung đầu tư hạ tầng, tạo ra các khu vực phát triển mới, thu hút nhà đầu tư; Dân số trẻ và thu nhập tăng, tạo ra nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ.
Còn vai trò của các CLB BĐS như VREC và HREC trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển ngành BĐS Việt Nam là gì?
Nguyễn Quốc Bảo: Có thể nhận biết vai trò của hai CLB này qua các vấn đề như: Nâng cao hiểu biết nhằm cung cấp kiến thức, thông tin và tư vấn giúp doanh nghiệp hiểu rõ về thị trường, quy định pháp luật và xu hướng mới. Kết nối và hỗ trợ thành viên để tạo cơ hội và môi trường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình kinh doanh. Tổ chức hội thảo và sự kiện để doanh nghiệp nắm bắt thông tin mới nhất về quy định, chính sách và thay đổi trong ngành. Giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội và đối mặt với thách thức trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Ở vai lãnh đạo TCC, vậy chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp trong ngành BĐS và những mục tiêu cụ thể mà công ty đặt ra trong những năm tới?
Nguyễn Quốc Bảo: TCC đầu tư phát triển mạnh ngành BĐS và dịch vụ quản lý tòa nhà, cam kết mang đến dịch vụ chuyên nghiệp, nhất quán và minh bạch. Một trong những dự án nổi bật là Vani Villas Bình Dương, dự kiến ra mắt thị trường vào đầu năm 2025, phục vụ nghỉ dưỡng cho người cao tuổi, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Trong cạnh tranh hiện nay, TCC đã áp dụng những biện pháp gì để duy trì lợi thế và nâng cao vị thế trên thị trường BĐS Việt Nam?
Nguyễn Quốc Bảo: Về vấn đề này Bảo cho rằng có bốn vấn đề chính. Một là, thu hút đầu tư tư nhân và FDI có chọn lọc. Hai là, cải thiện năng lực sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ba là, tận dụng lợi thế về nguồn cung và phân phối. Và bốn là tác động chính sách, kêu gọi Chính phủ cần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, giảm chi phí đầu vào và tăng sức chống chịu của doanh nghiệp.
Quốc Bảo có thể chia sẻ về những dự án BĐS nổi bật mà TCC đang thực hiện hoặc đã hoàn thành?
Nguyễn Quốc Bảo: TCC đã phát triển nhiều dự án BĐS, bao gồm Vani Villas Bình Dương, Vani Bình Thuận, Căn hộ Cộng Hòa Garden, Dự án Mimosa Garden và Vienna Town - Vũng Tàu. Công ty tập trung vào 3 mảng kinh doanh: BĐS dân dụng, BĐS cho thuê và hoạt động kinh doanh phân tán.
Vậy theo Bảo, yếu tố nào là quan trọng nhất để thành công trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS?
Nguyễn Quốc Bảo: Bảo nghĩ, thứ nhất là vị trí bất động sản - liên quan đến các tiện ích như không gian xanh, view đẹp, gần chợ, trường học và đường sá…; Thứ hai là việc định giá tài sản - cung cấp thông tin về giá niêm yết, phân tích đầu tư, bảo hiểm và thuế; Và thứ ba là mục đích đầu tư - xác định rõ mục đích để tránh kết quả không mong muốn.
Làm thế nào để các nhà đầu tư BĐS Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các chính sách phát triển của Chính phủ và Luật Đất đai mới?
Nguyễn Quốc Bảo: Tăng cơ hội cho doanh nghiệp BĐS mà Luật Đất đai sửa đổi mới có khả năng tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chuyên nghiệp và có năng lực tài chính. Giá đất tăng bền vững với việc bỏ khung giá đất giúp nền giá đất sát với thị trường. Luật Đất đai mới công khai và minh bạch sẽ giúp tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất…
Về phân khúc BĐS thương mại và công nghiệp tại Việt Nam, Bảo có nhận định gì về tình hình phát triển?
Nguyễn Quốc Bảo: Ngành BĐS vẫn là kênh đầu tư hiệu quả với đô thị hóa tăng nhanh và kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng ổn định. FDI vào lĩnh vực BĐS tăng, chủ yếu tập trung vào phân khúc BĐS công nghiệp và một số dự án lớn.
Theo Bảo, vai trò của công nghệ và chuyển đổi số trong ngành BĐS hiện nay là gì và chúng đã tác động ra sao đến thị trường?
Nguyễn Quốc Bảo: Về vai trò công nghệ và hoạt động chuyển đổi số, Bảo nghĩ đó là xu hướng tất yếu, có mấy vấn đề dễ nhận biết sau đây:
- Tăng hiệu quả và năng suất: Công nghệ giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh và thu thập dữ liệu.
- Cải thiện trải nghiệm khách hàng: Ứng dụng di động và trang web giúp khách hàng dễ dàng tìm hiểu thông tin về BĐS.
- Mở rộng thị trường và tăng doanh thu: Quảng cáo trực tuyến và sử dụng dữ liệu giúp tiếp cận khách hàng tiềm năng.
- Tối ưu hóa quy trình quản lý: Hệ thống quản lý BĐS giúp theo dõi dự án, tài sản và hợp đồng.
Vậy đâu là kinh nghiệm điều hành và quản lý cùng lúc hai CLB BĐS VREC và HREC của Bảo?
Nguyễn Quốc Bảo: Đó là hoạt động lập kế hoạch và theo dõi tiến độ để xác định mục tiêu và điều chỉnh khi cần thiết. Công tác giao việc và trao quyền cho đội ngũ trong CLB nhưng có kiểm tra, giám sát. Tiếp đến là phát huy hoạt động giao tiếp và lắng nghe để tạo môi trường làm việc và quan hệ cởi mở, đồng cảm với nhân sự trong và ngoài CLB. Và sau cùng là sự sáng tạo và linh hoạt thích nghi trước những thay đổi, đồng thời tạo liên kết chặt chẽ giữa các mối quan hệ.
Quốc Bảo nhận định thế nào về sự phát triển của thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam và tiềm năng của phân khúc này trong tương lai?
Nguyễn Quốc Bảo: Thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang ở giai đoạn trẻ và có tiềm năng phát triển lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và rào cản cần khắc phục để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và hoạt động mở rộng thị trường.
Theo Bảo, đâu là những yếu tố làm nên sự khác biệt của thị trường BĐS Việt Nam so với các nước trong khu vực?
Nguyễn Quốc Bảo: Về sự khác biệt, Bảo thấy nổi lên hai vấn đề chính đó là chúng ta có nguồn vốn FDI nên giúp thị trường BĐS Việt Nam được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan và đồng thời lại tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI. Tiếp đến là vấn đề nguồn tài chính bất động sản ngày càng cởi mở, vốn cho lĩnh vực BĐS và tín dụng ngân hàng tăng, lãi suất giảm. Các chuyển biến tích cực trong thị trường tài chính, giúp dòng tiền trên thị trường BĐS trở nên dồi dào hơn.
Về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực trong ngành BĐS tại Việt Nam, theo Bảo làm thế nào để nâng cao chúng?
Nguyễn Quốc Bảo: Hãy tập trung đầu tư vào đào tạo và phát triển kỹ năng. Để đảm bảo rằng người lao động trong ngành BĐS có đủ hiểu biết và phát triển kỹ năng liên quan đến lĩnh vực hoạt động của họ. Việc cung cấp các khóa học, chứng chỉ và chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý dự án, phân tích thị trường, giao dịch và quản lý tài sản là rất cần thiết. Đồng thời, việc tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn, thúc đẩy sự sáng tạo, linh hoạt và tương tác giữa các thành viên. Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, tạo ra cơ hội thăng tiến và thúc đẩy tinh thần đồng đội. Khuyến khích người lao động tham gia vào các hoạt động học tập và phát triển bản thân. Hỗ trợ họ học tập ngoại ngữ, kỹ năng mềm và kiến thức chuyên ngành về ngành BĐS.
Nói là vậy, nhưng chúng ta cũng hiểu rằng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự hợp tác, hợp lực và dẫn dắt của cả ngành giáo dục và hệ thống các cơ quan liên quan của Chính phủ mới mong mang lại những kết quả mong đợi.