1. Xin chào BS. Hoàng Vân, rất vui vì cuộc gặp hôm nay. Trước hết, Vân có thể nói một chút về công việc của mình tại Khoa Chấn thương sọ não - Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi mà BS đã gắn bó suốt gần 15 năm qua?

BS. Hoàng Vân: Chào anh! “Thời gian thoi đưa” quả là nhanh thật. Thấy mới đây mà Vân đã gắn bó với Khoa Chấn thương sọ não - Bệnh viện Chợ Rẫy 15 năm rồi đó. Công việc chính của các BS tại khoa là chăm sóc, khám bệnh, điều trị và phẫu thuật cho bệnh nhân bị chấn thương sọ não. Nói chung là cũng khá vất vả, đôi lúc cũng “căng”, phải “chạy đua” từng phút về cơ hội sống cho bệnh nhân. Nhưng nếu ta nhận chân đây là nghề, là nghiệp… thì lại thấy ấm áp, hạnh phúc.

2. Trong quá trình làm việc ở Khoa Chấn thương sọ não, Hoàng Vân chắc đã từng gặp những trường hợp khó và Vân giải quyết chúng ra sao?

BS. Hoàng Vân: Đa số bệnh nhân đa chấn thương tại khoa luôn có diễn biến phức tạp, họ bị đe dọa đến tính mạng. Chính kinh nghiệm và sự tận tụy, trách nhiệm của các BS và nhân viên y tế tại khoa đã giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ tử vong là rất nhiều. Nhưng, khi làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Vân thấy rằng những khó khăn, áp lực được giảm đi nhiều vì trong hệ sinh thái Chợ Rẫy tụi Vân luôn nhận được hỗ trợ rất tốt từ các thầy, các anh em đồng nghiệp và các chuyên khoa khác.

3. Được biết Vân đã dành rất nhiều tâm huyết cho quê hương Quảng Ngãi, vậy điều gì đã thúc đẩy BS tham gia vào các hoạt động xã hội - từ thiện tại quê nhà?

BS. Hoàng Vân: Vân là người con sinh ra tại Đức Phổ, Quảng Ngãi. Từng có thời gian thực tập ngoại khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, sống và làm việc cùng các đồng nghiệp tại quê nhà. Vân nghĩ, những khó khăn do quy định ngành đối với tuyến tỉnh, cơ chế đào tạo hạn chế, cuộc sống kinh tế khó khăn của các đồng nghiệp và người dân đã làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con tại địa phương. Vì vậy, Vân tự cảm thấy có trách nhiệm chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức y tế, giáo dục và kết nối các tổ chức để giúp quê hương Quảng Ngãi mình.

4. BS. Vân có thể kể về một số hoạt động cụ thể với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Quảng Ngãi tại TPHCM?

BS. Hoàng Vân: Trong vai trò Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Quảng Ngãi tại TPHCM, vân đã tham gia nhiều hoạt động như: Tham gia các tổ chức hội đoàn đồng hương và thông tin người Quảng Ngãi tại TPHCM để giúp mọi người giao lưu và giúp đỡ nhau; Tạo cầu nối giữa chính quyền địa phương Quảng Ngãi với người dân, doanh nghiệp, giới y khoa ở TPHCM có quê hương là Quảng Ngãi; Vận động công tác từ thiện – xã hội cho bà con quê hương Quảng Ngãi; Thông tin tình hình quê hương đến mọi người trong các tổ chức hội; Kết giao với các hội đồng hương tỉnh bạn…

5. Còn với vai trò là Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Quảng Ngãi, BS đã có những đóng góp như thế nào để hỗ trợ cộng đồng doanh nhân Quảng Ngãi tại TPHCM?

BS. Hoàng Vân: Là một BS và là người con của quê hương Quảng Ngãi, Vân được các anh chị em doanh nhân Quảng Ngãi tin tưởng giao phó nhiệm vụ Phó Chủ tịch danh dự của CLB Doanh nhân Quảng Ngãi tại TPHCM nhằm hỗ trợ hoạt động chăm sóc sức khỏe cho các anh em doanh nhân trong CLB. Vân chỉ nghĩ đơn giản là mình cố gắng tạo điều kiện để các doanh nhân gặp đúng thầy thuốc mình cần. Đồng thời, qua môi trường công việc chuyên môn, Vân có cơ hội kết nối nhiều doanh nhân ở các lĩnh vực khác nhau, giúp họ kết nối doanh nghiệp bằng "cầu nối 0 đồng", và điều này làm cho nhiều doanh nghiệp hăng hái tham gia công tác thiện nguyện dành cho quê hương Quảng Ngãi.

bs-hoang-van-15.jpg

6. Còn với hoạt động của CLB Y - Dược Quảng Ngãi tại TPHCM và những mục tiêu chính mà CLB đang hướng tới là gì Hoàng Vân?

BS. Hoàng Vân: Hoạt động của CLB Y - Dược Quảng Ngãi tại TPHCM rất thiết thực và mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên, ngành y tế, người dân và quê hương Quảng Ngãi. Mục tiêu của CLB là giúp các thành viên kết nối, hỗ trợ nhau trong chuyên môn; hỗ trợ bà con quê Quảng Ngãi thăm khám và chữa bệnh tại các bệnh viện ở TPHCM; hỗ trợ ngành y tế Quảng Ngãi kết nối với các đơn vị y tế tại TPHCM, các tổ chức y tế nhân đạo quốc tế, các cá nhân y tế giỏi trong cả nước. Các thành viên CLB ủng hộ tiền, thuốc men và sức lực tham gia khám chữa bệnh từ thiện tại quê hương và cả các địa phương khác trong cả nước.

7. Trong chuyên môn y khoa của mình, Hoàng Vân có nhận thấy sự thay đổi gì trong phương pháp điều trị chấn thương sọ não qua các năm không?

BS. Hoàng Vân: Nếu tính từ khi Vân tốt nghiệp y khoa (năm 2000), hơn hai thập kỷ qua thực sự đã có nhiều tiến bộ trong điều trị chấn thương sọ não. Nhiều BS được đào tạo chuyên sâu về ngoại thần kinh, nhiều phương pháp và máy móc hiện đại được ứng dụng như kẹp vỡ túi phình mạch máu, điều trị DSA hoặc Gamma knife trong dò động tĩnh mạch cảnh xoang hang sau chấn thương, lấy máu bao trong qua kính vi phẫu và hệ thống định vị dẫn đường Navigation. Nhiều tiến bộ và thành tựu y khoa, công nghệ y khoa của thế giới đã được ứng dụng và đầu tư cho hoạt động khám chữa bệnh lắm anh. Vân nghĩ, đó là hạnh phúc.

8. BS. Vân đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành ngoại thần kinh tại Việt Nam hiện nay?

BS. Hoàng Vân: (Hi. Hi…) Ví von cho vui nhé. Nếu ở thời điểm năm 2000, ngành ngoại thần kinh của chúng ta được ví như mới học hết lớp "vỡ lòng", thì đến giờ chúng ta đã đạt được cấp "đại học". Giờ chúng ta đã có những phẫu thuật viên trẻ, giỏi và được đào tạo bài bản. Chúng ta đã có các trung tâm đầu tư máy móc và các trang thiết bị hiện đại, cách tiếp cận và tổ chức các dịch vụ y tế theo hướng mới… lấy bệnh nhân - khách hàng làm trung tâm phục vụ (đã nhiều thay đổi lắm rồi). Tuy vậy, là người trong ngành, Vân cho rằng y tế của chúng ta hiện vẫn còn thiếu sự đồng bộ và phối hợp đúng các phương án để tối ưu giá trị cho bệnh nhân. Đồng thời các vấn đề về cơ chế và bệnh quan liêu cá nhân đã làm cho nhiều bệnh nhân không tiếp cận được khoa học hiện đại như họ đáng được hưởng trong thời đại 4.0.

9. Với thâm niên trong công tác chuyên môn của mình, BS. Vân có lời khuyên gì dành cho các BS trẻ trong lĩnh vực ngoại thần kinh?

BS. Hoàng Vân: Riêng với ngành ngoại thần kinh, Vân muốn chia sẻ với các phẫu thuật viên trẻ rằng, sẽ khó có thể thuần thục hết các thủ thuật của ngành, nhưng hãy cố gắng trở nên lành nghề nhất trong khả năng của mình. Và hãy luôn nhớ rằng phải tôn trọng tính mạng của bệnh nhân, vì đó là đạo, là đức của người thầy thuốc”… Cần tránh bệnh "ngôi sao" mà không ít thầy thuốc trẻ hay vướng phải.

10. Vậy Vân có câu chuyện đáng nhớ nào liên quan đến một ca phẫu thuật?

BS. Hoàng Vân: Trong 25 năm hành nghề ngoại khoa, Vân cũng không nhớ hết những ca phẫu thuật khó mà mình và ê kíp gặp phải. Tuy nhiên, Vân nhớ một trường hợp là vợ của một lãnh đạo doanh nghiệp, bị bệnh não mà đang có con nhỏ mới 5 tuổi. Bệnh nhân rất hoang mang, lo lắng và tâm lý đã muốn chuyển sang tìm thuốc nam để điều trị. Mình đã tư vấn, thuyết phục và cả trì hoãn cho bệnh nhân uống thuốc trong 2 tuần… Sau đó ca mổ đã diễn ra với kết quả tốt đẹp. Di chứng chỉ giảm một góc thị lực mắt, bệnh nhân sinh hoạt bình thường, và sau 2 năm mọi thứ đã ổn định. Vấn đề Vân muốn nói ở đây là người thầy thuốc bằng hiểu biết và kinh nghiệm của mình phải chọn cách thức và kiên trì tư vấn cho người bệnh và cả thân nhân của họ hiểu được mức độ bệnh tật và chỉ ra được hướng giải quyết, cơ hội và cả rủi ro… Trường hợp vừa dẫn ra đây nếu không mổ kịp thời thì bệnh nhân sẽ tử vong.

11. Là người luôn dành tình cảm đặc biệt cho quê hương Quảng Ngãi, Vân có kế hoạch gì trong tương lai để tiếp tục đóng góp cho quê nhà?

BS. Hoàng Vân: Trông trẻ vậy, nhưng Vân đã ở vào độ "Ngũ thập tri thiên mệnh" rồi anh. Làm được gì tốt cho quê hương là Vân sẵn lòng anh. Giống như khi người ta yêu vậy – yêu là sống (yêu thế nào thì sống như thế đó), không cần điều kiện gì cả.

12. Có một kỷ niệm đặc biệt nào trong những lần hoạt động từ thiện tại Quảng Ngãi mà BS. Vân thấy nhớ nhất?

BS. Hoàng Vân: Hoạt động từ thiện về quê hương Quảng Ngãi là công việc thường niên, thường xuyên của Vân và anh em. Một kỷ niệm gần đây là khi Vân tham gia trao học bổng "Thắp sáng ước mơ thanh thiếu niên Quảng Ngãi lần thứ 9" vào năm 2023. Trong chương trình đó, có một cháu học sinh lớp 7 bị mất chân khi mới 5 tuổi đã nhận được học bổng. Anh Bùi Duy Chính, trưởng đoàn, và chị Hằng, con nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, đã quyết định tặng cháu một chân giả trị giá 45 triệu đồng. Ngày 21/6/2024 cháu đến TPHCM và Vân đã tài trợ tiền ăn ở, thăm khám. Đến ngày 26/6/2024 cháu đã hoàn thành chiếc chân giả, có thể đi lại và đạp xe được. Và toàn bộ chi phí kiểm tra sức khỏe tổng quát cho cháu và cả mổ hội chứng ống cổ tay do lao động nặng của mẹ cháu đã được Phòng khám Y khoa Minh Ngọc tài trợ 100%.

13. Trong vai Chủ nhiệm CLB Y - Dược Quảng Ngãi, BS. Vân đã và đang làm gì để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân Quảng Ngãi?

BS. Hoàng Vân: Kết nối, kết nối và… kết nối là phương án nhanh và hiệu quả nhất để ngành Y - Dược Quảng Ngãi đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho bà con. Tại TPHCM, các thành viên trong CLB là những nhân tố giỏi trong ngành, có quan hệ quốc tế tốt. Với vai trò Chủ nhiệm CLB Y - Dược, Vân có tham vọng và mong muốn xây dựng và phát triển CLB nhằm hỗ trợ về nhân lực và vật lực cho ngành y - dược quê hương. Các cá nhân trong CLB cũng đã xây dựng các phòng khám tại quê nhà khá hiện đại và với chuyên môn cao để kịp thời hỗ trợ người dân.

14. Vân có suy nghĩ gì về việc kết hợp giữa chuyên môn y khoa và các hoạt động xã hội? Làm thế nào để cân bằng giữa hai lĩnh vực này?

BS. Hoàng Vân: Bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, và hai câu này Vân rất thích:

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”

Khi anh yêu quê hương hay một nơi chốn nào thì việc dành tình cảm cho nơi đó là điều bình thường và dễ hiểu. Và khi hiểu được những khó khăn ở nơi đó thì anh dành nhiều tâm sức, hoạt động hỗ trợ quê hương cũng là điều bình thường. Nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn từng viết “Vượt qua bên kia cầu là để sống bên ni cầu, rồi lại nhớ bên kia cầu…”. Có lẽ trong trạng thái của “khoảng” phân thân đó làm cho con người ta thấy thương hơn, yêu hơn và nhân văn. Vân nghĩ, mối tình đẹp đẽ nhất là mối tình tồn tại bên ngoài những giới hạn và điều kiện. Nhận thức như vậy, những cuộc gặp gỡ, chia sẻ chuyên môn với mọi người, kết nối nhiều người với nhau để cùng làm cái gì đó tốt đẹp sẽ trở thành những công việc tuy cần thiết nhưng bình thường. Còn việc cân bằng giữa chuyên môn và công tác thiện nguyện cần có lòng bao dung, lấy chữ yêu làm trọng. Cá nhân Vân may mắn còn được sự cảm thông của người bạn đời, luôn kề cận và ủng hộ.

15. Cuối cùng, BS. Hoàng Vân có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ muốn theo đuổi con đường y khoa và tham gia các hoạt động xã hội như Vân?

BS. Hoàng Vân: Đối với người trẻ theo ngành y, Vân thấy đây là ngành vất vả trong học tập và thực hành. Nếu đeo đuổi nghề BS, các bạn sẽ mất ba năm trung học để chuẩn bị và tập trung kiến thức thi vào trường y, mất sáu năm “tuổi xuân” để học kiến thức đa khoa, ba năm sau khi ra trường mới có kinh nghiệm và bằng cấp để điều trị bệnh nhân, và mất rất nhiều năm để trở thành bác sĩ có thương hiệu và giá trị trong hệ thống điều trị chuyên ngành. Vì vậy, khi chọn ngành y các bạn phải có trái tim yêu bệnh nhân. Và đối với việc tham gia công tác xã hội, Vân cho rằng các BS hãy dùng chuyên môn của mình cùng các hội đoàn tham gia các đợt khám chữa bệnh ở các địa phương, giúp đỡ nơi mình sinh ra như là một nghĩa vụ, nghĩa tình. Hãy học cách vui hơn khi giúp đỡ được người khác (như cho đi là nhận lại), hạ mình xuống để hiểu hơn hoàn cảnh của người nghèo, những người đang cần sự giúp đỡ, và quan trọng hơn là luôn giữ được sự tỉnh táo và sự tinh tế để giúp đúng người và đúng việc.

Cảm ơn BS. Hoàng Vân về cuộc trò chuyện và hạnh ngộ này. Ngày mai Sài Gòn có mưa nhẹ, ít nóng hơn, thời tiết dễ chịu theo dự báo. Chúc BS Hoàng Vân khỏe, mọi việc hanh thông.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ Hoàng Vân – yêu là sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO