“Mặt hồ giữa phố như nghiên mực / Sông thảo hoa văn một nét rồng / Hoa sữa thơm nồng lên giấy điệp / Bốn mùa thao thức tuổi rêu phong”. Chỉ với bốn câu thơ trong bài tứ tuyệt Bốn nét phác Hà Nội, Trương Nam Hương đã cho thấy sự khác biệt của một tài thơ.
“Rủ nhau thăm cảnh Kiếm hồ / Thăm cầu Thê Húc, thăm chùa Ngọc Sơn / Đài Nghiên Tháp Bút chưa sờn /Vì ai gây dựng nên non nước này”, (ca dao). Hồ Gươm, không chỉ là “lẵng hoa” giữa lòng Hà Nội, mà còn ôm vào mình biết bao huyền sử. Quần thể di tích hiện hữu cùng năm tháng minh chứng cho “kho báu” thiêng liêng ấy.
Trước khi vào Đền Ngọc Sơn (lúc đầu gọi là chùa, trên đảo Ngọc), ai chưa từng để ý tòa tháp ấy? Dẫu nhỏ bé và khiêm nhường nhưng ẩn dụ hoài bão lớn lao: “Tả Thanh thiên”, tức Viết lên trời xanh! Đó chính là Tháp Bút trên núi Ngọc Bội (tên cũ là núi Độc Tôn), bên hồ Hoàn Kiếm.
Trương Nam Hương tưởng tưởng ra Hồ Gươm như một “nghiên mực”. Đã có bút thì phải có mực mới viết được. Có hiểu bối cảnh lịch sử lúc cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (thường gọi là Thần Siêu), xây dựng vào năm 864 mới thấm ý nghĩa người xưa gửi gắm. Đó là khí phách Hà Nội.
Và nữa, đó là sông Hồng, với huyền sử Rồng bay lên. Hoa sữa – một thời là một trong những loài hoa đại diện cho tình yêu, đã đi vào bài hát Hoa Sữa của nhạc sỹ Hồng Đăng. Hà Nội là thơ, là âm nhạc, là hội họa, “Bốn mùa thao thức tuổi rêu phong”.
Viết về Hà Nội không dễ, viết ngắn về Hà Nội càng khó và để “nằm lòng” cùng thời gian, càng cực khó. Cố nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh từng nhắc đến yếu tố “may mắn” khi sáng tạo là ở điểm này. Thấu cảm Hà Nội và với tài thơ của mình, nhà thơ Trương Nam Hương mới có được thi phẩm Bốn nét phác Hà Nội.
***
Trương Nam Hương có bố người Huế, mẹ Bắc Ninh, tuổi thơ gắn bó với Hà Nội. Sau thời gian ngắn ở Huế, Biên Hòa, gia đình ông định cư tại TP. Hồ Chí Minh: “Ruổi rong khắp bốn phương trời/ Câu thơ hành khất theo người hành hương/ Ta gom nhặt giữa đời thường/ Nỗi đau của mẹ, nỗi buồn của cha”, (Câu thơ ngày về).
Do vậy, trong thơ Trương Nam Hương có ngọt ngào Kinh Bắc; thâm trầm cố đô Huế; hào hoa, thanh lịch Hà Nội; hào sảng, cưu mang của đất phương Nam. “Trong tôi có chút sâu đằm / của Kinh Bắc với thâm trầm Cố đô / sông Hồng hắt đỏ lên thơ / tôi buông lục bát xanh bờ Hương Giang”, (Gửi hai dòng sông quê).
Trương Nam Hương “thờ phụng” Hà Nội như thờ phụng một linh hồn. Trương Nam Hương viết khá nhiều về Hà Nội, tình cảm, tâm thế của ông thuộc về Hà Nội. Có thể kể đến Trăng phố, Hà Nội một thời, Mùa xanh, Hà Nội anh về, Viết ở Nghi Tàm, Rơm rạ một thời tôi, Lộc vừng Hồ Gươm, Với sông Hồng, Ký ức phố, Góc nhớ Hà Nội...Có thể nói, Hà Nội “ám ảnh” trong tâm hồn thơ ông.
Trương Nam Hương sống ở Hà Nội vào thời kỳ đất nước chưa thống nhất, cuộc sống biết bao gian khó: “Một thời Hà Nội lo toan/ Gạo ngô thì thiếu, hoa xoan lại thừa/ Một thời. Ôi, một - thời – xưa/ Áo phong phanh gió bốn mùa buồn vui”, (Hà Nội một thời)
Nhưng ta vẫn gặp một Hà Nội bình yên, thân thương và rộng lượng. “Nhớ Hà Nội những đêm báo động / Mặc bom rung dế vẫn gáy trong hầm / Hoa sữa còn thơm, biết mình còn sống / Mẹ khóc thầm trong giá rét căm căm”, (Thành phố tuổi thơ tôi).
Đến bây giờ Trương Nam Hương vẫn chưa quên những niềm vui trẻ con, chọc bàng chín, nhảy tàu điện ra Bờ Hồ xem chợ Tết, dỏng tai nghe hát xẩm....Đó là một phần ký ức.
Những quả sấu giòn rơi trưa tháng sáu
Hà Nội ơi nhớ quá tuổi lên mười
Ta nhón nhẩy bước cào cào châu chấu
Suối ve trào vòm phượng - nắp vung sôi
(Thành phố tuổi thơ)
Năm 1985, Trương Nam Hương trở lại Hà Nội lần đầu, anh xúc động: “Anh xa đất Bắc mười năm / Tay em Hà Nội xin cầm hơi lâu / Hỏi mùa hoa sữa đi đâu / Câu thơ ngồi khóc, mắt nâu lại buồn”, (Chiều Hà Nội và em). Và thổn thức: “Ly kem Thủy Tạ mười năm trước / Còn mãi thơm tho đến tận giờ / Anh đứng bên kia cầu Thê Húc / Nhìn áo em hồng nắng lấp lơ… “, (Nhớ mùa Đông Hà Nội).
Người ta đã từng tổ chức rất nhiều triểm lãm về Hà Nội, như “Triển lãm Hà Nội những năm đầu thế kỷ 19” (năm 2018), “Hoài niệm Hà Nội phố” (năm 2018), “Xưa và Nay, đổi thay đường phố Hà Nội” (năm 2023)....; đặc biệt, các triển lãm “Thương nhớ thời bao cấp" (năm 2018), "Ký ức Hà Nội" (năm 2018), “Hà Nội 1972 – Khát vọng hòa bình” (năm 2022), "Hà Nội 1967 - 1975" (năm 2023 của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt)... Tất cả những hình ảnh đó có trong bài thơ Hà Nội một thời của Trương Nam Hương.
...
Một thời Hà Nội hiên ngang
Giữa bom rơi. Hứng quả bàng chín rơi
Một thời Hà Nội cùng tôi
Mũ rơm, lọ mực, nếp xôi đến trường
Một thời Hà Nội thảo thương
Sẻ chia lát đậu, thìa đường, mớ rau
Một thời Hà Nội buốt đau
Khâm Thiên trắng xót mái đầu khăn tang
(Hà Nội một thời)
Đó là một thời lung liêng trong tâm hồn thơ Trương Nam Hương. Ông sống cùng gian khó mà tự hào, kiêu hãnh...Đến bây giờ, Trương Nam Hương vẫn “Tạ ơn Hà Nội trọn đời / Nuôi tôi thương khó. Tôi thời trong veo”, (Hà Nội một thời). “Chỉ sông Hồng thương mẹ hát đơn côi / Phù sa đỏ như miếng trầu mẹ quyệt/ Ăn hạt gạo mãi giờ con mới biết/ Có sông và đời mẹ ở bên trong”, (Với sông Hồng).
Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây... có vị trí “đặc biệt” trong thơ Trương Nam Hương; đó là không gian nghệ thuật trong thơ ông. Nhìn sương khói Hồ Hoàn Kiếm ông lặng nhớ về tuổi thơ, về mẹ của mình: “Nhớ lặng thầm thôi không dám gọi/ Sợ làm tóc mẹ giật mình rơi/ Bao nhiêu sợi trắng dâng như khói/ thảng mặt Hồ Gươm lạnh bốc hơi”, (Nhớ mùa Đông Hà Nội). Và ông bồi hồi: “Anh ra đền Ngọc Sơn ngồi/ Là si lựa chỗ không người để gieo”, (Viết ở Hồ Gươm).
Hồ Gươm hiện lên trong thơ ông với một lời mời: “Lên cầu Thê Húc đi em / Nhớ thăm thẳm nhớ một đêm gió lùa / Rễ si rét đến run mùa / Môi em đào nụ giao thừa - Mùa Xuân”, (Lời mời đêm giao thừa).
Còn đây là những câu thơ tình anh viết ở Hồ Tây: “Bao tình nhân đến Hồ Tây / Khéo thôi kẻo dẫm dấu giày anh xưa/ Áo lưng lửng lẳn eo mùa / Thun thăn váy lá bỏ bùa ai đây”, (Trăng phố). “Mùa hư ảo hay tình em ảo thế/ Anh xoay ngang khẽ chạm sóng Tây Hồ/ Có ánh mắt nhìn anh qua thế kỷ/ Thấy anh giờ dắt nhớ tuổi anh xưa!”, (Góc nhớ Hà Nội).
***
Tài thơ Trương Nam Hương bộc lộ từ sớm. Khi mới ngoài 20 tuổi Trương Nam Hương đã xuất bản Khúc hát người xa xứ, (NXB Trẻ, 1990) và cho đến nay ông đã có 12 tác phẩm. Về thành tựu, Trương Nam Hương đã có 10 giải thưởng; giải nào cũng danh giá, nhưng phải kể đến Giải thưởng Văn nghệ Quân đội (1989-1990) và Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, (năm 1991), nhiều giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và các giải thưởng khác.
Về đề tài Hà Nội, ông đã đạt Giải Nhất Cuộc thi thơ Thăng Long - Hà Nội, trái tim tôi, của báo Sài Gòn Giải phóng (năm 2010), nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Có thể nói thế này, nếu thi ca là một “tôn giáo” thì Trương Nam Hương từ lâu đã được chọn là một tông đồ. Ngoài thơ và dịch thơ, ông không “sân si” một lĩnh vực nào khác. Dẫu “thế giới xô lệch” và văn chương đang “bươn bả” với nhiều xu hướng, phong cách nhưng Trương Nam Hương vẫn vậy, bình thản, thánh thiện. Ông tiếp tục sáng tạo thi ca những gì thuộc về nhân bản.
“Nhớ xưa Hà Nội anh về/ Gặp Thu môi cốm váy xòe heo may”, (Hà Nội anh về). Với Hà Nội, Trương Nam Hương đã viết, vẫn viết cho những đứa con xa đất Thủ đô, ngược dòng cảm xúc. Thơ về Hà Nội của ông là tiếng thơ khắc khoải, sóng luôn vỗ đến nao lòng.
Khi tôi viết những dòng này, Hà Nội vào Thu. Dù tròn “lục thập hoa giáp” nhưng trái tim Trương Nam Hương vẫn dào dạt, trẻ trung lắm. Hà Nội vẫn chờ Hương đấy!