Công thức cũ, thành công mới: Ưu tiên cho xuất khẩu
Việc ngăn chặn thành công đại dịch cho phép Việt Nam nhanh chóng mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh và hiện được kỳ vọng sẽ là nền kinh tế giữ mức tăng trưởng trên 6% trong năm 2023. Nguyên nhân của thành công này chính là sự tự tin, và chủ động áp dụng sáng tạo các đường lối mở cửa giao thương với bên ngoài, trên xuất phát điểm của một nền kinh tế nhỏ, chịu quá nhiều tổn thương do chiến tranh.
Thật ra, điểm đột phá này đối với kinh tế của chúng ta đã được hình thành từ lâu. Sau Thế chiến II, "những điều kỳ diệu của châu Á" - đầu tiên là Nhật Bản, sau đó là Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, gần đây nhất là Trung Quốc - đã thoát nghèo bằng cách mở cửa thương mại, đầu tư và trở thành cường quốc sản xuất xuất khẩu. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong kinh tế học, đó gần như là một công thức. Nhưng chúng ta có cách áp dụng công thức theo kiểu Việt Nam vì đơn giản chúng ta biết mình là ai: Việt Nam là một nước nhỏ và nghèo, gánh hậu quả nặng nề của chiến tranh và những hạn chế của thời kỳ bao cấp, đã có những chọn lựa riêng, và đang trở thành một nền kinh tế mới nổi, dám thất bại để thành công. Tiến sĩ Ruchir Sharma, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại Morgan Stanley, từng nhận xét: "Với công thức cũ, Việt Nam đã xây dựng thành công một thực tế mới".
Mặc dù năm 2023, xuất khẩu có chững lại, do nguồn cầu trên thế giới giảm sút, nhưng vào những tháng cuối năm, giá trị xuất khẩu tăng trở lại. Kinh tế tăng trưởng tháng sau tốt hơn tháng trước, vững chắc. Ngày 2/8/2023, Ngân hàng HSBC công bố báo cáo với chủ đề "Sự ổn định quý giá" cho thấy trong khi dòng chảy thương mại toàn cầu vẫn chưa cho thấy sự hồi phục rõ ràng, Việt Nam khởi đầu nửa cuối năm 2023 với những dấu hiệu ổn định ở các lĩnh vực ngoại thương.
Khi các mặt hàng xuất khẩu chính, bao gồm dệt may, giày dép và điện thoại, tiếp tục chịu sự sụt giảm ở mức hai con số thì các lô hàng máy tính và linh kiện điện tử lại bất ngờ bù đắp phần nào những khó khăn này, tăng vọt 32% so với cùng kỳ.
Hạ tầng hàng đầu
Chúng ta đã dành nhiều nguồn lực cho xuất khẩu, đặc biệt là cơ sở hạ tầng và giáo dục-đào tạo. Xây dựng đường sá và bến cảng để đưa hàng hóa ra nước ngoài và xây dựng trường học để đào tạo nhân công.
Chính phủ đầu tư khoảng 8% GDP mỗi năm cho các dự án xây dựng mới và hiện được xếp hạng cao hơn về chất lượng cơ sở hạ tầng so với bất kỳ quốc gia nào ở giai đoạn phát triển tương tự.
Tính đến năm 2022, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đạt 6% GDP. Con số này thể hiện mức tăng đáng kể so với mức 2,6% GDP được chi cho cơ sở hạ tầng vào năm 2016. Theo Trung tâm Cơ sở hạ tầng toàn cầu, Việt Nam cần trung bình 25-30 tỷ USD hàng năm cho cơ sở hạ tầng nếu muốn đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, ngân sách quốc gia chỉ cho phép 15-18 tỷ USD. Đó cũng chính là "không gian" đẹp cho các dự án đầu tư nước ngoài lớn trong tương lai gần.
Số hóa và xanh
Báo cáo năm 2018 của Google và công ty đầu tư Singapore Temasek, được CNN trích dẫn, đã mô tả nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam - vốn đang tăng trưởng hơn 40% mỗi năm - là "một con rồng đang được tháo dây".
Sau 8 năm, tỷ lệ đầu tư của Samsung tại Việt Nam tăng lên hơn 20 lần, sử dụng đến 157.000 lao động. Trong đó, có một dự án rất quan trọng là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới tại Việt Nam (R&D) tại Hà Nội, sử dụng hơn 2.000 kỹ sư phần mềm của Việt Nam.
Đến khi chúng tôi viết bài này, vào cuối tháng 8/2023, thì đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã nhảy lên vị trí số 1. Kinh tế số và công nghệ chip bắt buộc các nền kinh tế phải liên lập (interdependence) lẫn nhau để cùng phát triển. Trong khi 70% kỹ nghệ chip được thiết kế tại Mỹ, thì phần đóng gói lại được thực hiện ở Đài Loan (Trung Quốc), Nam Phi và tới đây là Việt Nam. "Bắp thịt" công nghệ chip sẽ không làm giảm mà lại tăng thêm sức mạnh nội lực của nền kinh tế Việt Nam.
Ngay cả những ngành xuất khẩu tiêu thụ nhiều năng lượng cũng được khuyến khích chuyển đổi. Ví dụ ngành dệt may của Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về giá trị xuất khẩu (chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh). Nhưng đây lại là ngành công nghiệp gây ra nhiều tác động xấu đến với môi trường. Theo thống kê, mỗi năm, ngành công nghiệp này phải sử dụng đến 90 tỷ m3 nước, và "đóng góp" đến 10% tổng lượng phát thải khí carbon trên toàn cầu.
Tập đoàn sản xuất hàng dệt may Hong Kong - Royal Spirit Group đã xây dựng nhà máy mang tên Deutsche BekleidungsWerke tại khu vực ngoại ô TPHCM trong năm 2016. "Chúng tôi quyết định sẽ trở thành người đi tiên phong trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững", theo Hans Barkell-Schmitz, người chịu trách nhiệm trong dự án này cho biết. Barkell Schmitz cho rằng, việc cắt giảm sản lượng năng lượng tiêu thụ là yếu tố tối quan trọng. Nhà máy được vận hành dựa trên những nguồn năng lượng có thể tái tạo, trong đó bao gồm các dạng năng lượng sinh học và năng lượng mặt trời. Ông hy vọng nhà máy sẽ tạo cảm hứng cho các nhà máy khác trong cố gắng tối đa chuyển đổi theo định hướng xanh và sạch của Chính phủ Việt Nam.
Định hướng xây dựng một nền kinh tế xanh có lộ trình của Việt Nam cũng thu hút các dự án điện gió hàng chục tỷ USD. Ørsted - tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) với một tập đoàn trong nước về hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Theo cam kết này, Ørsted sẽ triển khai các dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10 GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD (dự kiến được phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm).
Gần đây, Tập đoàn Equinor của Na Uy cũng cho biết, đang muốn đầu tư và phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam vì cho rằng đây là một thị trường nhiều hứa hẹn. Trong khi đó, Tập đoàn UPC của Mỹ cũng đầu tư các dự án điện gió (trên bờ, gần bờ), điện mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, Đắk Nông, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, với tổng công suất ước tính gần 1.500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.
Chúng ta còn dư địa rất lớn cho điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Đây là hình ảnh một thực tế tương lai của nền kinh tế tự chủ, xanh và sạch của Việt Nam.
Vốn nước ngoài
Cũng theo các chuyên gia của HSBC, bất chấp những thách thức bên ngoài đang tiếp diễn, triển vọng FDI của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Vốn FDI mới đạt 3% GDP trong quý II/2023, ngang bằng với năm 2022. Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại so với mức đỉnh hơn 7% trong năm 2017, nhưng các điều kiện thắt chặt tiền tệ toàn cầu trong những năm gần đây phần nào lý giải cho sự giảm tốc này.
Trong 5 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trung bình hơn 6% GDP ở Việt Nam, tỉ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia mới nổi nào. Phần lớn trong số đó được dùng để xây dựng các nhà máy sản xuất và cơ sở hạ tầng liên quan, và hầu hết hiện nay đến từ các nước châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong kỷ nguyên bảo hộ, Việt Nam cũng là một nước tiến bước đột phá khi ký kết hơn một chục hiệp định thương mại tự do (FTA) - bao gồm cả một hiệp định mang tính bước ngoặt vừa được ký kết với Liên minh châu Âu. Và là thành viên trách nhiệm trong CPTPP và RCEP.
Ông Lương Văn Tự, nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại và là Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trao đổi: "Theo tôi, các FTA mới đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư. Nhưng do tình hình lạm phát cao của EU, Hoa Kỳ và giảm sút kinh tế của EU, Mỹ và Trung Quốc, xung đột giữa Nga và Ukraina, nên xuất khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng và giảm so với năm trước".
Là một trong những chuyên gia đàm phán, ông Tự cho rằng, tranh thủ vốn và công nghệ nước ngoài là cần thiết, song nếu doanh nghiệp trong nước không tự phát triển để đảm đương vai trò trụ cột nền kinh tế, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững, thì một khi lợi thế về nhân công và thuế thấp không còn, lợi nhuận giảm, doanh nghiệp FDI sẽ đi tìm nơi có lợi nhuận cao để đầu tư.
Dù thế nào, một thực tế không chối cãi là: Từ một quốc gia bị cô lập, nền kinh tế manh mún và bất ổn, Việt Nam đã hội nhập thật sự vào nền kinh tế toàn cầu, với tất cả cẩn trọng vốn có và tự tin đạt hiệu quả.
Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam, khác với quan ngại - phần lớn từ những nhà quan sát trong nước - về tính tự chủ - độc lập của nền kinh tế, trên thực tế đã "đứng vững trên đôi chân" của mình. Có thể ví von "đôi chân" đó là tự chủ - tự cường và hội nhập toàn cầu. Yếu đi một trong hai chân, nền kinh tế của chúng ta sẽ trở nên loạng choạng. Vào các thời kỳ khủng hoảng, tính tự chủ của nền kinh tế luôn đóng vai trò quan trọng và trở thành trụ đỡ cho toàn nền kinh tế.
Đúng hướng
Năm 2022 tạp chí Bloomberg từng có nhận định: "Việt Nam phải thúc đẩy năng suất lao động hơn 50% để duy trì tăng trưởng lành mạnh. Chỉ có khu vực tư nhân đang phát triển mạnh mới có thể làm được điều đó". Sự nhấn mạnh vai trò khu vực tư nhân trong tăng năng suất là một mặt khác của lo lắng về sự siết chặt khi có quyết sách về xây dựng một nền kinh tế tự chủ.
Thực ra thuật ngữ "kinh tế tự chủ" có nghĩa là quyền lực của các chính phủ quốc gia trong việc đưa ra các quyết định độc lập. Ngoài ra, tính minh bạch của hệ thống luật pháp về đầu tư nước ngoài và ngoại thương, thuế má… cũng cho thấy tính tự chủ-độc lập của quốc gia về kinh tế. Người ta cũng dùng thuật ngữ "lòng yêu nước kinh tế" để kêu gọi xây dựng nền kinh tế tự chủ-độc lập, trong khi đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Dân giàu nước mạnh, là muốn nói ý đó.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày 14/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chọn Đại học Harvard, Hoa Kỳ để nhấn mạnh về chiến lược và kế hoạch xây dựng nền kinh tế kép: tự chủ, độc lập và hội nhập sâu rộng.
Bởi vì, theo ông, một nền kinh tế tự chủ-tự cường và hội nhập thế giới không thể xây dựng trên một nền tảng giáo dục thiếu cập nhật.
Xét về ý nghĩa trên, nền kinh tế Việt Nam đã đi đúng hướng.