Viết là cách tri ân

Ngô Đức Hành|12/04/2020 00:30

(VLR) Tôi với nhà văn Trần Nhương quen biết và anh em chơi với nhau cũng chỉ mới 6 năm nay thôi. Không nhiều, nhưng khi biết anh là người lính Trường Sơn năm xưa thì nhận ra nhau như người lâu ngày mới gặp lại.

Gọi Trần Nhương là nhà văn hay nhà thơ hay họa sĩ? Với ông, có lẽ cách gọi nào cũng đúng. Gọi là nhà văn vì ít nhất, theo tôi biết ông đã có 3 tiểu thuyết, 5 tập truyện và tản văn; gọi là nhà thơ vì “gia tài thơ” của ông đã có 8 tập thơ và 01 trường ca (đã tái bản); gọi ông là họa sĩ, vì ông là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, gặp ông ở đâu là thấy hý hoáy vẽ.

Trần Nhương nguyên là lính lái xe trên đường Trường Sơn huyền thoại. Năm 1965, khi đang là giáo viên ông nhập ngũ lên đường vào tiền tuyến. Đây cũng là giai đoạn đế quốc Mỹ thực hiện kế hoạch Giôn Xơn - Mắc Namara, số quân Mỹ tham chiến ở miền Nam lên tới 25.000 người, cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam bước vào những giai đoạn ác liệt. Ở miền Bắc, chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ nhất của đế quốc Mỹ bắt đầu. Phải nói thế, để thấy, những người lính như Trần Nhương vào trận với tất cả khát khao được hy sinh vì đất nước.

Năm 1993 ông mới rời quân ngũ. 28 năm đời lính, trong đó có 11 năm thuộc biên chế lực lượng vận tải quân sự, hầu hết các tuyến đường ông đều đi qua. Đó là những năm tháng hào hùng của đất nước “tất cả hành quân, tất cả cùng ra trận”.

“Ở đâu có lính lái xe, có lính hậu cần là chúng tôi đến. Đó là những năm tuổi xuân của mình trong sáng nhất, tươi đẹp nhất, khỏe mạnh nhất. Chúng tôi đi cùng nhau, ôm nhau ngủ hầm. Có những đêm thức trắng”, Trần Nhương luôn trẻ ra khi ông nhắc lại những năm tháng ngồi trong cabin xe giữa rừng Trường Sơn.

Đó là thời điểm trên đường Trường Sơn huyền thoại (sau này mang tên đường Hồ Chí Minh) không chỉ có những người lính mà còn có hàng vạn thanh niên xung phong, chủ yếu là nữ. Những cuộc gặp, dẫu thoáng qua luôn gieo vào lòng người lính trẻ Trần Nhương những cảm xúc đẹp.

Trần Nhương kể về những năm tháng ấy: “Chúng tôi là những người lính của vận tải quân sự chi viện cho chiến trường Lào từ những năm 1965 cho đến khi nước Lào hoàn toàn giải phóng. Tôi không bám trụ ở vùng chiến trường này, nhưng hay đi công tác cùng anh em lái xe và những đồng chí làm nhiệm vụ ở đây. Có lần đến Noọng Pẹt, tất cả các đỉnh núi đều là vôi trắng, tức là bom đánh đến nỗi nung thành vôi”.

Trần Nhương bảo, anh đã ngủ ở hang Noọng Pẹt mấy đêm cùng anh em công binh và coi kho. Ban ngày, trong hang cũng rất tối. Anh em phải dùng dây bấc bằng vải, cho vào chai dầu mazút, đốt lên để lấy ánh sáng.

Đánh xong giặc, phút thảnh thơi

Ngồi lau súng hát đôi lời nhặt khoan

Nhìn nhau rồi bỗng cười vang

Ba anh lính hóa một dàn đồng ca

Trích bài thơ Ghi trên điểm tựa của nhà thơ Trần Nhương

Lính tráng sau một đêm hít khói muội, lỗ mũi người nào cũng đen, buổi sáng nhìn nhau buồn cười lắm. Như bây giờ thì bảo độc hại, nhưng lúc ấy không nghĩ gì đến độc hại cả. Và cuộc chiến đã kéo chúng ta đi. Chúng ta đã phải dấn thân rất nhiều, hy sinh xương máu.

Ở nghĩa trang Việt Lào có tới 11.000 mộ liệt sĩ. Đấy là chưa thể quy tập hết. Qua cuộc chiến tranh, không phải đến bây giờ chúng ta lại nuối tiếc rằng đáng lẽ thế nọ, đáng lẽ thế kia. Bởi vì thời điểm lịch sử ấy hình như nó đẩy dân tộc ta phải chiến thắng thì mới có Mùa xuân 1975.

“Ở trong hang đèn thắp cả ngày/. Chiến sỹ công binh chờ trời tối/ Đánh thức rừng khuya bằng tiếng cuốc mở đường”; “Ít ngày sau tiếng súng tấn công/ Phía mặt trận đồn thù bốc cháy/ Chiến sỹ công binh cầm tay nhau nhảy”, (Ngọn đèn trong hang). Bài thơ “Ngọn đèn trong hang” ông viết trên đất Lào vào đầu năm 1970. Sau này trên đường hành quân, nhiều địa danh là trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ đã vào thơ ông. Có thể kể đến “Qua cầu phao”, viết về Phà Ghép (Thanh Hóa); “Đèo Khỉ”, viết khi ông tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào; “Đường ra trận”, viết tặng Trung đội nữ lái xe Trường Sơn mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hạnh; “Tiễn chân em dưới vòm trời Vĩnh Linh”, lúc hành quân cũng như lúc “Ngủ giữa cung đường”.

“Tôi không quên một trận bom kinh hoàng ở chỗ đèo La Trọng (Quảng Bình). Đêm hôm ấy, anh em đưa tôi về. Trên xe chở một tử sĩ bọc trong túi nilon. Tôi đứng trên thùng xe. Đèo dốc nghiêng ngả, anh chiến sĩ hy sinh ấy cứ lăn sang bên nọ, bên kia. Tôi lại phải nhảy từ bên này sang bên kia để không động vào anh. Những ngày tháng ấy cho tôi một vốn sống không thể nào có được lần nữa. Có lẽ tôi trở thành người viết văn nhờ được nuôi dưỡng, được thai nghén từ những năm chiến tranh. Tôi viết với trách nhiệm là người xây dựng, đồng thời để tri ân người đã ngã xuống”, Trần Nhương giọng chùng xuống, dường như ký ức nặng trĩu trong ông.

Là người đã đi qua suốt chiều dài cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, kể cả sau này cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (dù lúc ấy ông đã ở cương vị khác trong quân ngũ), đã bước qua “làn ranh” sống chết nên với Trần Nhương tình cảm đồng chí thiêng liêng nhất. “Đó là một cái gì sâu thẳm, được cấy vào trong tâm hồn người lính, không dễ gì phai mờ. Những người lính cùng đơn vị cùng chiến trường, gặp nhau họ ôm nhau, cảm thấy như là anh em ruột thịt một nhà. Tôi nghĩ chỉ có những người bên cái sống cái chết mới có sự gắn bó thiêng liêng ấy”, ông tâm sự.

Không chỉ thơ, hình ảnh người lính luôn chủ đạo trong các sáng tác văn xuôi và hội họa của ông.

Ở đâu có lính lái xe, có lính hậu cần là chúng tôi đến. Đó là những năm tuổi xuân của mình trong sáng nhất, tươi đẹp nhất, khỏe mạnh nhất. Chúng tôi đi cùng nhau, ôm nhau ngủ hầm. Có những đêm thức trắng.

Đề tài thơ của Trần Nhương phong phú, quê hương, đất nước, tình yêu đều thấm đẫm trong thơ ông. Sau này thơ ông thiên về thân phận, thế sự; và nói như nhà văn Nguyễn Quang Lập “Khi Trần Nhương nhúng bút vào sự thật”, trong Tựa cho “Trần Nhương chọn lọc”, gồm 231 bài thơ và trích trường ca “Người làm ra cổ tích”, xuất bản năm 2017. Thực ra, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã dẫn câu nói của nhà văn Nga V.M.Shukshin (1929 - 1974): “Nhân dân luôn biết rõ sự thật. Muốn trở thành nhà văn lớn hãy nhúng ngòi bút của mình vào sự thật”.

Đất nước của thời kỳ “máu và hoa”, thời tình đồng chí thiêng liêng hơn tất cả như nhà thơ Trần Nhương nói là một phần “Sự thật”. Sự thật ấy đang nặng trĩu trong tâm hồn ông. Bao giờ cũng thế, quá khứ - hiện tại - tương lai là một dòng chảy liên tục. Không nâng niu quá khứ, sẽ khó sống tử tế trong hiện tại và kiến tạo những điều tốt đẹp cho tương lai.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Viết là cách tri ân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO