Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội VLA tại Diễn đàn phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics & xu hướng tại Việt Nam 2019
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội VLA tại Diễn đàn phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics & xu hướng tại Việt Nam 2019
Hiện nay, VLA đã và đang làm tốt vai trò kết nối Hội viên và ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ, tin tưởng từ cộng đồng các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế. Nhân dịp kỷ niệm 27 năm hình thành và phát triển (18/11/1993 - 18/11/2020), cùng điểm lại những mốc phát triển quan trọng, đó cũng chính là động lực để VLA tiếp tục kiên trì với sứ mệnh phát triển của mình.
Những dấu mốc
Năm 1993 để đáp ứng nhu cầu mở rộng, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu ra nước ngoài trong những năm đầu nền kinh tế Việt Nam mở cửa, tại Quyết định số 5874/KTTV ngày 18/11/1993 của Chính phủ, Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam (VIFFAS) chính thức được thành lập chỉ với 7 Hội viên, đặt dấu mốc quan trọng đầu tiên trong lịch sử phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
Năm 1994, với việc Hiệp hội VIFFAS trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Giao nhận Quốc tế (FIATA) và sau đó là thành viên của Hiệp hội Giao nhận Đông Nam Á (AFFA) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực giao nhận, kho vận mở rộng hợp tác, tìm kiếm khách hàng, đối tác trong khu vực và quốc tế.
Năm 2000, qua nhiều năm hoạt động, Hiệp hội VIFFAS ngày càng nhận được sự tín nhiệm của các Hội viên, trở thành tổ chức quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong nước với quốc tế. Uy tín của VIFFAS càng được khẳng định qua việc đăng cai tổ chức hội nghị AFFA lần thứ 10 vào tháng 11/2000, tại Hà Nội.
Năm 2013, trước yêu cầu phát triển mới nhằm tạo sự đồng bộ trong ngành, Ban chấp hành Hiệp hội VIFFAS đã mạnh dạn đề xuất đổi tên thành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), và được Bộ Nội vụ chấp thuận tại Quyết định số 07/QĐ-BNV ngày 04/01/2013.
Sau khi trở thành Hiệp hội logistics quốc gia, VLA đã đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác, kết nối với các tổ chức hoạt động logistics khu vực và thế giới như: FIATA, AFFA. Về đào tạo, thời kỳ này VLA đã có được Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam phụ trách đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho hoạt động của ngành. Về truyền thông, đã xây dựng được kênh truyền thông mạnh là Tạp chí Vietnam Logistics Review làm cơ quan ngôn luận của Hiệp hội, là cầu nối giữa hội viên và ban chấp hành; giữa hội viên với cơ quan quản lý và giữa các hội viên với nhau.
Đến nay, VLA trở thành một tổ chức uy tín với gần 500 Hội viên; giữ vai trò tham mưu, phản biện với các cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách về những khó khăn và vấn đề các doanh nghiệp quan tâm; là đại diện tích cực của ngành logistics Việt Nam trong việc kết nối, hội nhập kinh tế quốc tế.
Hình ảnh Hiệp hội VLA trên chiếc nón lá tại Hội nghị FIATA world congress 2019 tại Cape Town, Nam Phi
Kết nối và hội nhập
Nhằm tạo cơ hội để các hội viên giao lưu, gặp gỡ gắn kết với nhau, thời gian qua Hiệp hội VLA đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Hoạt động vì cộng đồng như: Hiến máu nhân đạo, được diễn ra thường xuyên, thu hút hàng trăm cá nhân đến từ các doanh nghiệp hội viên và các đơn vị thành viên trong cả nước tham gia; kêu gọi ủng hộ, chia sẻ khó khăn với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; đặc biệt, vừa qua, với chương trình Đôi bàn tay thắp lửa – Vì miền Trung thân yêu, VLA đã kịp thời trao tận tay người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở miền Trung nhiều món quà thiết thực, ý nghĩa. Các hoạt động này tạo nên sự lan tỏa, kết nối giữa từng cá nhân trong mỗi doanh nghiệp; giữa từng doanh nghiệp trong Hiệp hội với nhau; giữa các hội viên và Hiệp hội… Đó là cơ sở hình thành nên khối đoàn kết, cùng hợp lực thực hiện và đạt được các mục tiêu cao hơn trong các kế hoạch phát triển ngành logistics Việt Nam.
Đoàn công tác xã hội VLA kịp thời có mặt, chung tay 'thắp lửa', giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn mùa bão lũ
VLA thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên ngành nhằm mổ xẻ những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của ngành; phân tích những tiềm năng, cơ hội phát triển ngành logistics trong nước và quốc tế; đồng thời thảo luận tìm ra các giải pháp giúp doanh nghiệp hội viên hoạt động hiệu quả hơn tạo động lực đưa ngành logistics và nền kinh tế Việt Nam hội nhập toàn cầu… Năm 2020, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong bối cảnh chấp hành nghiêm các yêu cầu giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc để phòng dịch bệnh, VLA đã kịp thời thích ứng, ứng dụng các phần mềm trực tuyến trong việc kết nối, tổ chức, tham dự các hội thảo trong nước và quốc tế do đó đảm bảo được yêu cầu kết nối, phát triển ngành.
Ngoài ra, với chức năng phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi của hội viên, trong thời gian qua, Hiệp hội đã tạo được mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế), đóng góp ý kiến cho các văn bản pháp luật có liên quan, phản ánh các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong kinh doanh để các cơ quan quản lý kịp thời giải quyết. Hiện nay, VLA giữa vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho Bộ Công Thương nhiều vấn đề quan trọng trong phát triển ngành logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Đại diện Ban Chấp hành Hiệp hội VLA giao lưu với đại diện các tổ chức logistics khu vực và thế giới tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập VLA
Sau 27 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội VLA đạt được nhiều thành tựu trong việc mở rộng hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước. Trong nước, Hiệp hội đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều Hiệp hội ngành nghề trong nước, như: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Điện tử Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam. Có mối quan hệ tốt với các cơ quan quản lý liên quan như: Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Vận tải Bộ Giao thông vận tải, Cục Giám sát và Quản lý Hải quan và các Trường Đại học Giao thông vận tải, Đại học Công nghệ giao thông vận tải, Đại học quốc gia Hà Nội, Học viện Hàng không Việt Nam, Đại học Ngoại thương, Đại học kinh tế TP HCM, Học viên Tài chính và Tổng cục Giáo dục nghề nhiệp…
VLA đã ký thỏa thuận hợp tác quốc tế với các tổ chức nước ngoài như: Thỏa thuận khung hợp tác giữa VLA và cảng biên Pyeoengtaek, Hàn Quốc (năm 2015); Thỏa thuận Khung hợp tác Tứ Xuyên, Quý Châu, Quảng Đông và Hành lang quốc tế Nam Á với Chính quyền tỉnh Kiềm Nam -Hiệp hội logistics Quảng Đông - Hiệp hội logistics Hongkong, Liên đoàn Vận tải ASEAN và VLA, (năm 2017); Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội logistics Hongkong và VLA (năm 2017) nhằm thúc đẩy các dịch vụ logistics hiện đại, như thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối và dịch vụ trọn gói giữa Hongkong, Trung Quốc và Việt Nam; Thỏa thuận giữa VLA với Phòng Thương mại Chongqing thuộc phòng Thương mại quốc tế Trung Quốc và Thỏa thuận hợp tác giữa VLA với Hiệp hội logistics Quảng Tây (năm 2018); Thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội logistics Singapore nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của hai Hiệp hội đóng góp vào sự phát triển kinh tế giữa hai nước và với các nước ASEAN (năm 2017)…
… Tất cả tạo nên động lực to lớn giúp VLA kiên trì và quyết tâm hơn nữa với nhiệm vụ kết nối hội viên, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm mục tiêu phát triển ngành logistics, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.