VLA - 30 năm kết nối và lan tỏa giá trị logistics

Bảo Hân (tổng hợp)|17/11/2023 21:39

Ngày 17/11/2023 tại Trung tâm Hội nghị Gem, TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã long trọng tổ chức lễ Kỷ niệm 30 năm ra đời và phát triển (1993 - 2023)

VLA phát triển toàn diện

Đến nay VLA đã tròn 30 năm hình thành và phát triển. Hiệp hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, giao nhận, kho vận, dịch vụ logistics theo Luật Thương mại.

tcc08218-enternews-1700212217.jpg
Chủ tịch Lê Duy Hiệp khẳng định VLA đã phát triển trưởng thành nhanh cả về số lượng và chất lượng hoạt động, gắn với bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên, cả trong nước và trên trên trường quốc tế

Trong suốt 30 năm qua Hiệp hội luôn luôn hoạt động theo tôn chỉ, mục đích đã đề ra với tầm nhìn là liên kết hợp tác những nhà cung cấp vận tải, giao nhận logistics trong và ngoài nước. Với sứ mệnh nâng cao tính chuyên nghiệp, phát triển logistics hiện đại, kết nối logistics khu vực và toàn cầu, đóng góp hiệu quả vào phát triển doanh nghiệp ngành cũng như phát triển kinh tế đất nước Việt Nam. VLA luôn đề cao vai trò kết nối chuyên nghiệp Logistics, các hoạt động kinh doanh của Hội Viên theo Điều Kiện Kinh Doanh Chuẩn của Hiệp hội (STC).

Với mục đích đó, Hiệp hội đã phát triển trưởng thành nhanh cả về số lượng và chất lượng hoạt động, thực sự bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên, cả trong nước và trên trên trường quốc tế”, ông Lê Duy Hiệp khẳng định.

Theo đó, khi thành lập Hiệp hội có 7 hội viên, chủ yếu là các Doanh nghiệp nhà nước, đến tháng 10/2023 Hiệp hội đã có 745 hội viên trong đó có 601 hội viên chính thức, 134 hội viên liên kết, trong đó có 102 hội viên là các doanh nghiệp FDI.

Có thể nói VLA đã quy tụ được hầu hết các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ Logistics lớn của Việt Nam trở thành hội viên của Hiệp hội. Từ tháng 5/1994, VLA là Hội viên và là đại diện duy nhất của Việt Nam tại Liên đoàn giao nhận vận tải quốc tế (FIATA), là hội viên chính thức của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (tháng 4/1994) và là thành viên của Hiệp hội giao nhận vận tải ASEAN (AFFA) vào tháng 11/ 1999”, Chủ tịch VLA, ông Lê Duy Hiệp nhấn mạnh".


Đồng thời cho biết với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam và Hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước. Các hoạt động của Hội viên và Hiệp hội đã đóng góp vào việc phát triển chung về kinh tế xã hội và ngành dịch vụ logistics nước ta. Hiệp hội thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam, một ngành kinh tế là cầu nối của sản xuất, xuất nhập khẩu và đầu tư của nước ta.

Nhân dịp này thay mặt Hiệp hội, Chủ tịch Lê Duy Hiệp chân thành cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ hiệu quả của Chính phủ, các Bộ ngành quản lý, sự hợp tác phối hợp của các Hiệp hội bạn ngành nghề trong thời gian vừa qua. Và mong rằng, Hiệp hội sẽ tiếp nhận hơn nữa sự quan tâm giúp đỡ trong thời gian tới.

Ghi nhận biểu dương những đóng góp của VLA trong suốt 3 thập kỷ, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết sự ra đời phát triển của VLA gắn liền với quá trình mở cửa của nền kinh tế đất nước, thể hiện tầm nhìn đúng đắn và bước đi cần thiết của quá trình phát triển, vai trò của ngành đặc biệt được khẳng định rõ trong giai đoạn 10 năm gần đây nhìn từ phương diện quốc gia và quốc tế.

Với số lượng hơn 700 hội viên với các doanh nghiệp lớn, nòng cốt góp phần vào tất cả các lĩnh vực phát triển của ngành logistics Việt. VLA đồng thời thể hiện được tiếng nói của hiệp hội cấp quốc gia đại diện ngành logistics từ những thời điểm đứt gãy chuỗi cung ứng vì đại dịch Covid-19. Đặc biệt Hiệp hội là tiếng nói chính thức của các doanh nghiệp logistics Việt Nam trên trường quốc tế.

ngi_4748.jpg
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 30 năm VLA

VLA cũng đã triển khai nhiều hoạt động trọng điểm, tham gia sâu vào quá trình đóng góp hoàn thiện chính sách… “VLA đã có bề dày phát triển. Chúng ta ngồi với nhau hôm nay có quyền tự hào về hành trình đã qua”, ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Đặc biệt, VLA cũng là hội viên của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) ngay từ những ngày đầu thành lập, Chủ tịch FIATA - Turgut Erkeskin khẳng định VLA là hội viên tích cực đóng góp cho sự phát triển của Liên đoàn cũng như hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp hội viên ra thế giới.

Trong suốt 30 năm, Hiệp hội VLA đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng nhớ và thể hiện vai trò dẫn dắt trong ngành Logistics tại Việt Nam. Tôi tin rằng, VLA sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong tương lai. Cá nhân tôi và FIATA rất mong muốn đồng hành cùng VLA tại sự kiện Fiata World Congress 2025 tại Hà Nội, Việt Nam”, Chủ tịch FIATA khẳng định.

Kết nối chuỗi giá trị trong giai đoạn mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải cũng nhấn mạnh tới nhiều điểm thuận lợi và cả thách thức cho sự phát triển của Hiệp hội trong thời gian tới. Trước hết, thuận lợi thể hiện rõ trong sự ủng hộ của Nhà nước cho sự phát triển của ngành. Đây cũng là thời điểm chín muồi để chúng ta xây dựng Chiến lược phát triển ngành logistics. Hiện nay hạ tầng cho logistics cũng tương đối thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp VLA.

Bên cạnh đó, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng đang tạo cho doanh nghiệp logistics Việt Nam các cơ hội. Sản xuất thương mại của Việt Nam vẫn đang duy trì tốt dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và chắc chắn sức tăng trưởng vẫn còn tiếp tục xu hướng thời gian tới.

3-3-1530-1-.jpg
Ông Trần Thanh Hải cho rằng hoạt động logistics ngày đa dạng với các xu hướng mới như logistics xanh, giao hàng chặng cuối, logistics ngược…

Ông Trần Thanh Hải cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức với sự phát triển của các doanh nghiệp VLA là sự cạnh tranh gay gắt của thị trường. Bên cạnh đó là sự xáo trộn của chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tới các dòng lưu chuyển hàng hóa, đồng thời là các vấn đề mới phát sinh.

Do đó, ông Trần Thanh Hải đề nghị trong thời gian tới VLA tiếp tục đóng góp nhanh nhạy hơn nữa, góp ý hoàn thiện, tư vấn chính sách với các vấn đề thực tiễn, vấn đề mới.

Với các doanh nghiệp, VLA đã tập hợp được số lượng doanh nghiệp tương đối lớn, các lãnh đạo VLA cần suy nghĩ thêm những kết nối, lợi ích mang lại cho hội viên.

Hiện nay, hoạt động logistics ngày càng đa dạng với các xu hướng mới, logistics xanh, giao hàng chặng cuối, logistics ngược… vai trò định hướng, hỗ trợ, hướng dẫn cho các hội viên của Hiệp hội là rất lớn.

Với vấn đề cạnh tranh chúng ta phải chấp nhận khi chúng ta mở cửa. Chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp mạnh dạn vươn xa ra thế giới. Đây là điều tôi mong muốn Ban Lãnh đạo VLA có sự định hướng hơn nữa cho hội viên”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Phải thừa nhận rằng sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước với các hoạt động của VLA, của cộng đồng doanh nghiệp logistics đối với các hoạt động của VLA và của ngành logistics Việt Nam trong thời gian qua là rất lớn.

Trong khi đó, góp ý về mô hình hoạt động của VLA trong giai đoạn phát triển mới, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất các giải pháp kết nối VLA với các ngành hàng chủ lực, tạo cơ hội cho doanh nghiệp logistics, gắn kết cắt giảm chi phí logistics và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa Việt.

"Hiện tỉ lệ thuê ngoài logistics chưa cao, bài toán đặt ra là các doanh nghiệp chủ hàng làm sao đẩy mạnh tỉ lệ này? Chúng tôi đề xuất phải tăng cường đầu tư các trung tâm logistics lớn, hiện đại, đáp ứng quy mô của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông sản. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, tối ưu hóa quy trình vận chuyển và chi phí quản lý, theo dõi được dòng lưu chuyển hàng hóa. Đặc biệt, nâng cao kỹ năng chuyên nghiệp của nhân lực ngành logistics", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Khi nhấn mạnh việc tăng cường vai trò quan trọng của Hiệp hội như VLA tăng tính kết nối giữa doanh nghiệp thành viên, ông Võ Tân Thành cho rằng cần kết nối hội viên VLA để phát huy tối đa nguồn lực sẵn có. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đặc biệt, không chỉ liên kết trong nước mà phải vươn ra quốc tế, tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế trong thời gian tới.

Ông Thomas Sim - Phó Chủ tịch FIATA đã đánh giá cao chặng đường phát triển của VLA trong 30 năm qua. "VLA không chỉ khẳng định vai trò của mình đối với khoảng 800 hội viên của Hiệp hội, đối toàn ngành logistics Việt Nam mà sự tham gia của VLA vào hoạt động logistics quốc tế trong thời gian qua cũng hết sức có ý nghĩa, có uy tín", ông nói. "Tôi nghĩ VLA đang đi đúng hướng "Kết nối Logistics chuyên nghiệp" thông qua việc VLA đang quan tâm, xây dựng các chương trình hành động, sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng và tiếp cận các xu hướng như logistics xanh, số hóa logistics, công nghệ logistics,...", ông bày tỏ".

Theo ông Thomas Sim, do công nghệ làm thay đổi môi trường hoạt động dịch vụ, vì vậy VLA cũng cần thay đổi để đảm bảo vai trò "trung gian" để hỗ trợ hội viên của VLA. "Thay đổi để tồn tại, thay đổi để phát triển bền vững... nếu không thay đổi, cũng có nghĩa chúng ta sẽ đánh mất vai trò của một tổ chức đại diện cho hội viên của mình", ông chia sẻ.

9a7c34c3-ac6c-48f1-8bd5-764079fec32b-enternews-1700218442.jpeg
Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực VLA nhấn mạnh VLA tiếp tục công tác đào tạo nguồn nhân lực và tư vấn pháp lý cho hoạt động của Hội viên, công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số 

Tiếp thu các ý kiến đóng góp và để tiếp tục thực thi sứ mệnh và mục tiêu của mình, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực VLA cho biết, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức và phát triển hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của hội viên, gắn bó hơn với Hiệp hội, có đóng góp nhiều hơn cho Hiệp hội. Phấn đấu mỗi năm phát triển được từ 70 - 100 hội viên mới. Hướng tới con số 1.000 hội viên vào năn 2025 khi VLA tổ chức FWC 2025.

Tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ logistics quốc tế, tập trung vào các thị trường khu vực ASEAN, Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh bên cạnh các thị trường truyền thống.

Nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, tập trung thực hiện các dự án có hiệu quả cao cho Hội viên, ông Đào Trọng Khoa cho biết, Hiệp hội phấn đấu tới năm 2030, 100% Hội viên thực hiện có kết quả công tác chuyển đổi số, phục vụ kinh doanh có hiệu quả. Triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả xuất nhập khẩu nông sản, phát triển doanh nghiệp 4PL.

Hội viên của Hiệp hội phấn đấu vượt các chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trong Quyết định 221 ngày 22/02/2021 về kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến 2025.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực và tư vấn pháp lý cho hoạt động của Hội viên, công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Tiếp tục hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề trong nước và phát huy vai trò VLA trong hoạt động của AFFA và FIATA.

Tập trung mọi nguồn lực để tổ chức tốt Đại hội Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế năm 2025 tại Hà Nội (FWC 2025). "FWC 2025 là sự kiện quốc gia và quốc tế, là công tác trọng tâm của Hiệp hội trong thời gian tới. Do đó, mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp hội viên chung tay cho sự thành công của sự kiện có ý nghĩa quan trọng này", Phó Chủ tịch VLA nhấn mạnh. Đồng thời cho biết VLA sẽ tổ chức tốt Đại hội VLA nhiệm kỳ IX trong năm 2024.

tcc08430-enternews-1700212218.jpg
VLA công bố ra mắt ấn phẩm “30 năm Hiệp hội VLA”

* Nhân kỷ niệm 30 năm ra đời và phát triển, VLA cũng công bố phát hành ấn phẩm “30 năm Hiệp hội VLA” với những nội dung về lịch sử của VLA từ những câu chuyện khó khăn từ những ngày đầu thành lập của Hiệp hội, những vui, buồn của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Đồng thời một số vụ việc điển hình trong thực tiễn hoạt động để các doanh nghiệp tham khảo, rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
VLA - 30 năm kết nối và lan tỏa giá trị logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO