VLA tham gia đại hội fiata thế giới 2017: Logistics kết nối thương mại toàn cầu

20/11/2017 08:49

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Diễn ra từ ngày 4 – 8.10.2017 tại thủ đô Kualar Lumpur, Malaysia, đại hội FIATA thế giới (Fiata World Congress) với chủ đề Logistics kết nối thương mại toàn cầu (Logistics bridging global trade). Đại diện cho VLA, Chủ tịch Lê Duy Hiệp và các thành viên trong Ban chấp hành, các hội viên VLA đã tham gia sự kiện, mở ra nhiều cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp logistics Việt Nam trong sân chơi toàn cầu.

(Vietnam Logistics Review) Diễn ra từ ngày 4 – 8.10.2017 tại thủ đô Kualar Lumpur, Malaysia, đại hội FIATA thế giới (Fiata World Congress) với chủ đề Logistics kết nối thương mại toàn cầu (Logistics bridging global trade). Đại diện cho VLA, Chủ tịch Lê Duy Hiệp và các thành viên trong Ban chấp hành, các hội viên VLA đã tham gia sự kiện, mở ra nhiều cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp logistics Việt Nam trong sân chơi toàn cầu.

Với chủ đề về vai trò kết nối thương mại toàn cầu của logistics, đại hội FIATA thế giới năm nay đã trao đổi nhiều nội dung quan trọng. Ở góc độ VLA, 3 chủ đề chính được quan tâm là: kết nối, công nghệ và đào tạo.

Kết nối

Hiện nay, FIATA có 3 Viện và 5 Ban chuyên môn:

3 Viện gồm:

» Viện Giao nhận hàng không - Airfreight Institute (AFI)

» Viện Nghiên cứu hải quan - Customs Affairs Institute (CAI)

» Viện Vận tải đa phương thức - Multimodal Transport Institute (MTI)uture for the logistics.

5 Ban chuyên môn gồm:

» Advisory Body of International Affairs (ABIA) » Advisory Body of Information Technology (ABIT)

» Advisory Body Legal Matters (ABLM)

» Advisory Body Safety and Security (ABSS)

» Advisory Body Vocational Training (ABVT)

Với vai trò tập hợp các chuyên gia hàng đầu trong ngành ở các khu vực trên thế giới, các Viện và các Ban chuyên môn đóng vai trò hỗ trợ, phát triển năng lực hội viên trong ngành, xây dựng các tiêu chuẩn và trao đổi về các xu hướng chính trong ngành. Mỗi Viện/Ban chuyên môn đã chủ trì một nội dung liên quan của mình trong sự kiện, chẳng hạn:

» Viện Vận tải đa phương thức (MTI) phụ trách nội dung thảo luận về xu hướng số hóa trong vận tải đa phương thức.

» Viện Nghiên cứu hải quan (CAI) đề cập đến cơ hội và thách thức sau khi các thỏa thuận thương mại cấp khu vực và toàn cầu được ký kết.

» Ban An ninh an toàn (ABSS) thảo luận về xu hướng thương mại điện tử ảnh hưởng đến an toàn hàng không ra sao.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, VLA đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với GeTS, công ty công nghệ ở Singapore. GeTS là đơn vị phát triển nền tảng kết nối Hive để kết nối các công ty giao nhận trong khu vực ASEAN, thúc đẩy tạo thuận lợi hóa thương mại. Tháng 6.2017 đã có 7 nước đã tham gia. Ngày 5.10 tại FIATA World Congress – Kuala Lumpur, 3 nước đã tham gia kết nối với Gets và Hive là Philippines, Myanmar và Việt Nam. Khi triển khai, hội viên VLA có thể vào Hive để đăng thông tin về công ty mình cũng như tìm kiếm đối tác ở các nước trong khu vực.

Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với GeTS

Công nghệ

Công nghệ là chủ đề rất được quan tâm trong sự kiện năm nay. AI (trí tuệ nhân tạo) và Blockchain (công nghệ chuỗi khối) được Ban công nghệ chọn để thảo luận. AI hiểu đơn giản là dạy cho máy tính cách xử lý vấn đề không biết trước. Còn Block Chain nôm na là một dạng công nghệ mã hóa thông tin để bên ngoài không tác động, không thay đổi được. Thông tin ở một khối sẽ được kết nối đến khối tiếp theo thành một chuỗi và các thành viên trong mạng lưới chia sẻ thông tin đều có thể xác thực thông tin này. Ứng dụng chính của Block Chain là giúp giao dịch không cần giấy tờ và quá trình vận hành được rút ngắn, giảm thiểu việc kiểm tra, đối chiếu.

Tại hội nghị, báo cáo của ông Ed Clarke, Giám đốc điều hành của Yojee, một start up công nghệ từ Singapore đã chia sẻ về ứng dụng AI và Blockchain trong kết nối chuỗi hoạt động vận tải. Giải pháp của công ty Yojee hướng đến việc giúp các công ty logistics quản lý theo thời gian thực toàn bộ hoạt động vận tải, giao việc cho tài xế tự động, giúp việc giao tiếp giữa tài xế và khách hàng thuận lợi hơn. Hiện nay, Yojee đã kết nối tới hơn 30.000 xe tải ở Singapore, Úc, Indonesia và Campuchia.

Tuy ứng dụng về AI và Blockchain chưa nhiều, chưa phổ biến ở ASEAN nhưng những ý tưởng về ứng dụng công nghệ mới đã và đang âm thầm diễn ra. Sự nhận thức về xu hướng công nghệ là rất cần thiết để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị cho tương lai. Dự kiến VLA sẽ tổ chức tọa đàm về chủ đề công nghệ để cập nhật thông tin sớm nhất đến các doanh nghiệp hội viên.

Đào tạo

Trong khuôn khổ đại hội FIATA thế giới, VLA/VLI đã bảo vệ thành công chương trình thẩm định đào tạo “FIATA Diploma in International Freight Management” cho kỳ báo cáo 2017-2020 tại FIATA. Buổi trình bày của Viện VLI đã thành công tốt đẹp, nhận được nhiều lời khen ngợi, đánh giá cao của Ban đào tạo (ABVT). Với kết quả đạt được, chương trình “FIATA Diploma In International Freight Management” sẽ tiếp tục được VLA/VLI triển khai đào tạo tại Việt Nam, tạo ra cơ hội trau dồi kiến thức kỹ năng theo chuẩn quốc tế cho lực lượng lao động trong ngành logistics, đóng góp tích cực vào việc chuẩn hóa nguồn nhân lực logistics và hướng tới sự phát triển bền vững của ngành logistics Việt Nam.

Đại biểu VLA tham dự hội nghị FIATA thế giới

Đào tạo trực tuyến là một xu hướng ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong ngành logistics. TS. Chirst Caplice – Giám đốc chương trình, MITs Micromaster Program in Supply Chain, MIT đã chia sẻ kinh nghiệm của MIT trong việc đưa các nội dung đào tạo về supply chain, logistics đến hơn 180.000 người học từ 196 quốc gia trên thế giới. FIATA đang khuyến khích định hướng học tập trực tuyến qua platform của edX. edX là platform đào tạo trực tuyến được thành lập bởi đại học Havard và đại học MIT ở Mỹ từ năm 2012, đến nay có hơn 85 đối tác là các trường đại học nổi tiếng đưa chương trình của mình lên giúp người học (có tinh thần và khả năng tự học tốt) ở mọi nơi có thể tiếp cận kiến thức tốt nhất. Hiện nay có hơn 20 khóa học về logistics, supply chain trên edX. VLA rất quan tâm về mô hình này và sẽ xây dựng chương trình đào tạo phù hợp cho doanh nghiệp hội viên Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký VLA chia sẻ: “Sau khi tham gia đại hội, Ban chấp hành hiệp hội VLA có họp và thống nhất một số định hướng về hợp tác với FIATA, cụ thể: Vận động các hội viên có điều kiện tham gia hoạt động của các Viện, Ban chuyên môn của FIATA để cập nhật thông tin thị trường, mạng lưới đối tác, thông tin chuyên ngành; VLA sẽ cùng FIATA mời các chuyên gia giỏi đến Việt Nam chia sẻ các xu hướng kinh doanh, công nghệ và kinh nghiệm trong ngành logistics; VLA sẽ phấn đấu để đăng cai tổ chức FIATA World Congress 2023 tại Việt Nam”.

Chúng ta cùng kỳ vọng những định hướng trên của BCH Hiệp hội VLA sẽ mở ra nhiều hoạt động có lợi cho hội viên VLA trong thời gian tới.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
VLA tham gia đại hội fiata thế giới 2017: Logistics kết nối thương mại toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO