Xe chở quá tải và mối quan hệ giữa giao thông - vận tải - logistics

01/01/1970 08:00

(VLR) Hiện tượng xe chở quá tải trên đường bộ lâu nay là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề an toàn giao thông, mà còn là việc sử dụng hợp lý đường xá, tránh gây hư hỏng công trình cầu đường. Hệ thống đường chính của nước ta hầu hết nằm trên nền đất yếu, nên càng cần lưu ý vấn đề này. Tuy nhiên cũng có thể nói rộng ra là tình trạng quá tải, không chỉ đơn thuần là quá tải trọng của phương tiện cho phép, mà cả tình trạng sử dụng vượt khả năng thông qua được thiết kế của đường cũng là những nguyên nhân của việc chóng hư hỏng công trình cầu đường.

Hiện tượng xe chở quá tải trên đường bộ lâu nay là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề an toàn giao thông, mà còn là việc sử dụng hợp lý đường xá, tránh gây hư hỏng công trình cầu đường. Hệ thống đường chính của nước ta hầu hết nằm trên nền đất yếu, nên càng cần lưu ý vấn đề này. Tuy nhiên cũng có thể nói rộng ra là tình trạng quá tải, không chỉ đơn thuần là quá tải trọng của phương tiện cho phép, mà cả tình trạng sử dụng vượt khả năng thông qua được thiết kế của đường cũng là những nguyên nhân của việc chóng hư hỏng công trình cầu đường.

Vấn đề không thuần là sự vi phạm luật giao thông của lái xe, mà có những nguyên nhân sâu xa từ cách làm vận tải và logistics. Do vậy chúng ta cũng nên xem xét vấn đề rộng hơn là quan hệ giữa giao thông, vận tải và logistics là ba lĩnh vực gắn chặt với nhau.

Người làm logistics và vận tải thường kêu ca về hệ thống đường xá còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhưng việc đầu tư xây dựng đường xá cần rất nhiều vốn đầu tư nên cũng không thể nhanh chóng khắc phục. Mặt khác chi phí duy tu, bảo dưỡng đường xá cũng rất tốn kém, nếu không đảm bảo thì hệ thống đường mau chóng xuống cấp. Tình trạng đường xá lại phụ thuộc nhiều vào người sử dụng (trong đó có vận tải và logistics). Tình trạng quá tải bao gồm cả xe chở quá trọng tải cho phép và mật độ khai thác quá tải gây tổn hại đường vẫn xảy ra.

Khi nói tới hệ thống giao thông là đề cập tới hệ thống đường và các ga, cảng, khu đầu mối... Đường bao gồm đường tự nhiên (đường thủy, hàng không) và đường nhân tạo (đường bộ đường sắt, kênh đào…). Hệ thống này là một phần cơ bản của hạ tầng cơ sở của nền kinh tế quốc gia. Hệ thống này nối liền các khu dân cư, kinh tế trong nước và qua các cửa khẩu như nhà ga, cảng, cửa khẩu nối với hệ thống giao thông quốc tế. vì vậy chúng ta có các khái niệm hệ thống giao thông của một vùng, một quốc gia, một khu vực, hoặc thế giới.Các đường trong hệ thống có thể nối các điểm dân cư (tỉnh thành phố..) với nhau tạo nên các tuyến đi lại, vận chuyển.

Việc sử dụng hệ thống giao thông phải tuân theo luật lệ và quy tắc. Những điều quy định trong luật lệ quy tắc này cơ bản là dựa trên các đặc tính kĩ thuật của hệ thống giao thông, nhằm đảm bảo việc sử dụng hợp lý những công trình này. Do vậy có các quy định mức tải trọng tối đa, mớn nước tối đa, tốc độ tối đa... cho từng cung đường cụ thể.

Căn cứ theo các thông số quy định này, người ta xác định được khả năng thông qua của từng cung đường, từng điểm đầu mối. Như vậy là khả năng thông qua của một cung đường phụ thuộc vào tình trạng kĩ thuật của nó. Sử dụng vượt quá khả năng thông qua này chúng ta có tình trạng quá tải. Tình trạng quá tải có thể là do quá nhiều phương tiện tham gia giao thông cùng một lúc tại một cung đường nhất định, hoặc cùng qua một giao điểm, gây tắc nghẽn, cũng có thể là phương tiện tham gia giao thông có trọng tải vượt mức quy định. Việc xây dựng không đồng bộ là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này. Thí dụ việc xây mới các cảng tại Bà rịa-Vũng tàu, nhưng hệ thống đường chưa được đầu tư mở rộng, khiến các con đường chịu sức tãi vượt quá khả năng thông qua của nó, gây ra ùn tắc, và tất nhiên là ảnh hưởng lớn tới tình trạng công trình cầu đường. Đây cũng là một ví dụ về việc đầu tư xây dựng không đồng bộ. Nó không chỉ làm giảm khả năng khai thác cảng mà còn gây ra tình trang nói trên.

Một hệ thống giao thông của một khu vực, một quốc gia thường được ví như một hệ mạch máu của đời sống, kinh tế khu vực, quốc gia đó giúp đi lại, giao thương trong đời sống và còn là yếu tố quan trọng cho an ninh quốc phòng. Là một mạng nối các điểm dân cư, kinh tế, nên hệ thống đường xá cần phải có tính liên thông. Hiện nay hệ thống đường của chúng chưa đảm bảo kết toàn bộ, vì vậy việc vận chuyển giao nhận hàng hóa, bưu phẩm còn khó khăn đi và đến một số nơi.

Chúng ta biết rằng một tuyên đường nào đó bao gồm nhiều cung đường liên tiếp nối nhau, trong đó có các điểm giao nối. Điểm giao nối này không chỉ là chỗ nối đơn thuần giữa các cung đường, mà có thể là cảng, ga, một trung tâm logistics. Như vậy trên mạng hệ thống đường, ta có thể thiết kế các tuyến đi nối hai điểm đi đến thuộc mạng đó. Một tuyến như vậy sẽ là tập hợp những cung đường liên tiếp và có thể phải thông qua các cảng, hoặc ga. Khả năng thông qua của tuyến đường bằng với khả năng thông qua của cung đường , hoặc điểm giao nối nhỏ nhất thuộc tuyến đó. Ta có thể gọi đó là điểm yếu nhất của tuyến đó. Tại đây dễ xảy ra tình trạng quá tải. Do đó có thể nâng cao khả năng vận chuyển của tuyến đường đó bằng cách nâng cấp điểm yếu nhất cho có khả năng thông qua cao hơn.

Như vậy một hệ thống giao thông hoàn chỉnh phải bao gồm đường xá, cầu, ga cảng,... Các thành phần này gắn kết với nhau giúp cho việc đi lại, vận chuyển được thông suốt. Vì vậy việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông cần đảm bảo tính đồng bộ giữa cầu và đường, ga, cảng. Hiện nay trong quá trình phát triển chúng ta còn chưa làm tốt điều này. Ví dụ việc xây dựng tràn lan các cảng biển, hay xây dựng cảng mà chưa xây dựng, nâng cấp đường nối với cảng... đã gây nhiều tổn thất lãng phí tiền của.

Những khiếm khuyết bộc lộ trong thời gian qua cho thấy chúng ta chưa làm tốt việc quy hoạch hệ thống giao thông. Một bản quy hoạch tốt đòi hỏi phải gắn với một chiến lược phát triển, có tính dự báo, và tính tổng thể. Chúng ta có nhiều cấp quy hoạch như quy hoạch chung toàn hệ thống cả nước, quy hoạch cho một vùng lãnh thổ (tỉnh, thành phố..). Cần có quy hoạch chung trước là khuôn khổ cho quy khu vực; đồng thời cần có phân cấp đối tượng quy hoạch. Quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên.

Chiến lược phát triển giao thông được gắn với chiến lược phát triển kinh tế chung của cả nước, của vùng lãnh thổ. Quy hoạch là bước cụ thể hóa chiến lược, là việc hoạch định cho tương lai nên phải tính toán trên cơ sở dự báo. Các dự báo về nhu cầu đi lại, vận chuyển là căn cứ cho quy hoạch giao thông. Phần lớn các quy hoạch dưa trên dự báo theo phương pháp ngoại suy. Phương pháp này giúp ta tìm được quy luật theo thống kê đã có và trên cơ sở đó dự báo cho tương lai. Vì vậy có thể dự báo cho tương lai gần và độ dài của dự báo này phụ thuôc vào thời gian quá khứ có thống kê, và với giả thiết là các quy luật thống kê vẫn như trước. Làm theo phương pháp này chúng ta dễ mắc sai lầm khi cần dự báo dài hạn. Mặt khác trong điều kiện đang phát triển, nhất là với tôc độ nhanh thì diễn biến trong tương lai chưa chắc đã tuân theo quy luật của thống kê. Trong dự báo nhu cầu đi lại vận chuyển, cũng cần lưu ý tới khả năng giao thông phát triển sẽ thúc đẩy mở rộng sản xuất kinh doanh và nhu cầu đi lại của người dân, tạo ra thêm nhu cầu vận chuyển.

Làm tốt công tác quy hoạch sẽ giúp chúng phát triển mạng lưới giao thông một cách vững chắc.

Việc đầu tư mở rộng, làm mới đường hiện nay được thực hiện bằng nhiều nguồn vốn. Ngoài vốn ngân sách còn những nguồn khác do chủ đầu tư thu xếp. Tất nhiên các chủ đầu tư này sẽ thu hồi lại vốn qua các khoản thu từ lệ phí sử dụng cầu đường.

Người làm vận tải và logistics là người sử dụng khai thác hệ thống đường xá. Việc sử dụng này có thể phải chịu một khoản chi phí như lệ phí cầu đường... Ở ta những khoản lệ phí này chiếm một phần không nhỏ trong chi phí vận tải đường bộ.

Với tư cách là người sử dụng, vận tải và logistics luôn có mong muốn hệ thống đường xá có thể giúp họ đưa hàng đến mọi nơi, chất lượng đường đảm bảo cho việc vận hành khai thác phương tiện. Không để tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các khu đầu mối, nghĩa là các tuyến (bao gồm cả đường và ga cảng đầu mối...) phải đồng bộ, đảm bảo năng lực thông qua.

Đối với những người quản lý hệ thống giao thông luôn có đòi hỏi người sử dụng phải tuân thủ luật lệ giao thông đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, đồng thời chống hiện tượng quá tải. Đối với người tham gia giao thông là để đảm bảo an toàn cho họ, nhưng cũng là để chống hiện tượng cầu đường phải chịu quá tải trọng cho phép làm phá hỏng công trình.

Chở hàng quá tải hiện nay là một vấn đề nhức nhối ở ta. Để chống hiện tượng này người ta phải cho đặt những trạm cân xe, xong chưa phải là giải quyết được vấn đề này. Hàng ngày chúng ta gặp không ít trường hợp xe chở quá tải trên đường. Chủ xe muốn tăng tải xe để tăng thêm thu nhập, nếu cước tính theo khối lượng hàng; hoặc để lôi kéo khách hàng, nếu xe được thuê theo chuyến. Hàng chở bằng container trên tuyến nội địa cũng thường bị xếp quá tải. Nguyên nhân cũng có thể từ hai phía, đó là chủ hàng muốn giảm chi phí vận tải, do cước tính theo container, hoặc bên logistics muốn lôi kéo chủ hàng nên cho xếp vượt tải. Chúng ta có thể gọi đây là hiện tượng làm cước giả. Điều đơn giản là cái lợi trước mắt, do giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, thu hút thêm khách hàng, song cần chống lại tình trạng này vì nó đem lại hậu quả xấu cho nhiều phía. Nó tạo ra giá thành hàng hóa giả, chi phí logistics giả...Trên thế giới việc chở quá tải của phương tiện bị xử lý rất nghiêm.

Yêu cầu phát triển kinh tế quốc gia đòi hỏi phải không ngừng mở rộng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống giao thông. Bao gồm việc xây dựng mới, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng tốt những công trình hiện có. Đây là việc đòi hỏi vốn đầu tư, chi phí rất lớn. Trong điều kiện vốn còn hạn chế cần làm có trọng điểm, và nên ưu tiên việc nâng cấp đường để tạo ra sự đồng bộ giữa đường và ga, cảng, trung tâm logistics hiện có. Tất nhiên cần duy tu bảo dưỡng để duy trì tình trạng đường xá tốt. Phương châm từ lâu nay của ta là giao thông phải đi trước đã chứng tỏ tính đúng đắn của nó. Làm đường trước rồi mới làm nhà, làm cảng.

Những người làm vận tải và logistics sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của giao thông. Song cũng như mọi người chúng ta cần có ý thức bảo vệ tài sản quốc gia là hệ thống giao thông. Chúng ta cần chống lại tình trang chở quá tải, làm cước giả.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Xe chở quá tải và mối quan hệ giữa giao thông - vận tải - logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO