Xuất khẩu hàng hoá Việt Nam cần cải thiện về chất lượng

GS.TS Đặng Đình Đào - TS. Phạm Hoàng Linh|18/05/2023 15:30

Để nâng cao chất lượng XK hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm từ đầu tư hiện đại hóa công nghệ xuất, tổ chức và quản lý quá trình sản xuất kinh doanh đến phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có tay nghề cao ...

Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng

Kể từ khi mở cửa nền kinh tế vào năm 1986, xuất khẩn (XK) Việt Nam tăng trưởng liên tục. Trong vòng 10 năm (2009-2019), kim ngạch XK của Việt Nam tăng 4,6 lần, từ 57 tỷ USD lên 264,6 tỷ USD, tương đương với tốc độ tăng trưởng trung bình cả giai đoạn khoảng gần 6%/năm .

container-operation-shanghai-sea-port-compressed.jpeg

Ngay cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19 (2020- 2021), kim ngạch XK của Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương khi đạt lần lượt là 281,4 tỷ USD (tăng 6,3% so với năm 2019) và 335,8 tỷ USD (tăng khoảng 19,3% so với năm 2020). Đặc biệt, từ năm 2020 Việt Nam đã trở thành quốc gia có giá trị xuất nhập khẩu (XNK) lớn thứ 19 thế giới.

Năm 2022 là năm đầu tiên nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn thế giới bắt đầu phục hồi sau đại dịch. Bên cạnh những khó khăn do Covid-19 để lại, thế giới còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do hậu quả của bất ổn chính trị giữa Nga và Ucraina, theo sau là lạm phát tại nhiều quốc gia. Lạm phát tất yếu dẫn đến nhu cầu hàng hóa giảm và chi phí hàng hóa tăng. Đây là hai nguy cơ tác động xấu đến XK của Việt Nam. Tuy nhiên, vượt qua năm 2022, kết quả XK của Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 và năm 2022 đạt mức kỷ lục 735,00 tỷ USD, tăng 9,46% so với năm 2021).

Ngoài ra, từ năm 2009 Việt Nam chính thức thoát khỏi mức thu nhập thấp, trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Để thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình như nhiều quốc gia khác thì việc tăng cường đóng góp của XK vào tăng trưởng thu nhập là đóng vai trò quan trọng. Muốn vậy thì XK cần phải có sự tăng trưởng đột phá về số lượng dựa trên sự cải thiện mạnh mẽ về chất lượng.

Chất lượng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam

logistic-import-export-transport-industry-background-compressed.jpeg

Nhìn vào thực tế, chất lượng XK hàng hóa của Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt nhờ vào tốc độ tăng trưởng kim ngạch được duy trì ổn định trong một thời gian dài. Biểu hiện rõ nhất cho sự tiến bộ về chất lượng XK là tỷ lệ hàng có giá trị cao như hàng chế biến chế tạo và hàng công nghệ cao đã tăng đáng kể trong giai đoạn nghiên cứu. Thêm vào đó, Việt Nam cũng cải thiện được lợi thế so sánh trong XK các mặt hàng này, tuy nhiên mức độ cải thiện vẫn chưa đủ để nâng cao chất lượng XK hàng hóa của Việt Nam một cách bứt phá khi mà lợi thế so sánh biểu hiện của Việt Nam mới chỉ ở mức thấp và trung bình. Ngoài ra, mức độ đóng góp của Việt Nam vào giá trị hàng hóa XK vẫn còn khiêm tốn khi gia công vẫn đóng vai trò quan trọng trong XK hàng hóa của Việt Nam nhưng lại chủ yếu tập trung ở các công đoạn gia công đơn giản như lắp ráp mang lại giá trị thấp (phí gia công chỉ chiếm khoảng 30% giá trị hàng hóa sau gia công, trong khi giá trị nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu để phục vụ gia công hàng XK lại chiếm tới hơn 60% giá trị hàng hóa sau gia công). Đồng thời, có tới hơn 60% giá trị XK hàng hóa của Việt Nam có nguồn gốc từ các doanh nghiệp FDI. Như vậy, với hàm lượng nội địa mới đạt khoảng 30% thì chất lượng XK hàng hóa của Việt Nam vẫn cần phải cải thiện rất nhiều trong thời gian tới.

Cần cải thiện chất lượng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam

warehouse-workers-checking-inventory-large-distribution-warehouse-storage-compressed.jpeg


Để nâng cao chất lượng XK hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm từ đầu tư hiện đại hóa công nghệ xuất, tổ chức và quản lý quá trình sản xuất kinh doanh đến phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có tay nghề cao ... theo một số định hướng sau đây:

Trước hết, cần phải tăng tỷ lệ nội địa hóa trong giá trị hàng hóa XK của Việt Nam theo hai hướng: Thứ nhất là giảm gia công các công đoạn giá trị thấp, tăng gia công các công đoạn giá trị cao. Thứ hai là chuyển hướng dòng vốn FDI từ chỗ tập trung gia công lắp ráp sang chuyển giao công nghệ, nhằm tăng hàm lượng nội địa của Việt Nam. Tiếp theo, để những định hướng kể trên thực sự khả thi thì các giải pháp đi kèm phải bao gồm nâng cao trình độ và ứng dụng công nghệ vào sản xuất hàng xuất khẩu, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện thể chế.

Về bản chất, không thể nâng cao hàm lượng nội địa của Việt Nam trong giá trị hàng XK nếu doanh nghiệp Việt Nam cứ dừng mãi ở hoạt động gia công các công đoạn đơn giản. Muốn vậy, các doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải nắm bắt và vận dụng được công nghệ sản xuất, công nghệ nguồn để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa. Mà để đạt được điều đó thì vấn đề mấu chốt nằm ở chất lượng nguồn nhân lực có đủ khả năng ứng dụng và sáng tạo công nghệ hay không. Bài toán logistics trong XK hàng hóa cũng cần được cải thiện cơ bản từ phương thức thanh toán, thủ tục hải quan, giao nhận và vận chuyển hàng hóa... Và cuối cùng, thể chế phải được cải thiện để nhà nước hỗ trợ tích cực và hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình gia tăng hàm lượng nội địa và xa hơn là nâng cao chất lượng XK hàng hóa của Việt Nam.

Bài liên quan
  • Rủi ro trong thông quan hàng hóa của doanh nghiệp xuất nhập khẩu
    Theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan, trong những năm gần đây, làn sóng các cá nhân hoạt động dịch vụ hải quan tự phát tại một số địa bàn, cửa khẩu nổi lên ngày một phổ biến. Ngoài chi phí dịch vụ thấp, trên thị trường hiện nay tồn tại đa dạng từ cá nhân tự phát cho đến doanh nghiệp làm dịch vụ thương mại vận tải nhận làm thêm thủ tục khai báo đã làm giảm tính cạnh tranh của các đại lý thủ tục hải quan chính thức.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu hàng hoá Việt Nam cần cải thiện về chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO