AEC và thách thức về nguồn nhân lực Việt Nam

23/07/2015 08:40

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community- AEC) dự kiến ra đời vào cuối năm nay, tức chỉ còn ít tháng ngắn ngủi. Đây là sự kiện lớn, đánh dấu một bước tiến vượt bậc về hội nhập kinh tế của toàn khối Đông Nam Á, với mục tiêu lâu dài là thúc đẩy sự luân chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề cao, cùng dòng vốn tự do hơn.

(Vietnam Logistics Review) Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community- AEC) dự kiến ra đời vào cuối năm nay, tức chỉ còn ít tháng ngắn ngủi. Đây là sự kiện lớn, đánh dấu một bước tiến vượt bậc về hội nhập kinh tế của toàn khối Đông Nam Á, với mục tiêu lâu dài là thúc đẩy sự luân chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề cao, cùng dòng vốn tự do hơn.

AEC và VN

Cùng với Cộng đồng An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, AEC là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong tầm nhìn
ASEAN 2020. AEC sẽ tạo nên một thị trường đơn nhất với thuế suất được cắt giảm dần về 0% gần như với tất cả các mặt hàng. AEC cũng nhằm khai thác tối đa các ưu đãi thương mại từ các đối tác ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN và với mỗi nước thành viên, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand... Mục tiêu rõ ràng của kế hoạch này chính là bảo đảm ASEAN mang tính cạnh
tranh cao, đủ khả năng tích hợp vào nền kinh tế toàn cầu và hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời, AEC cũng đặc biệt chú trọng thúc đẩy mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, giúp tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nội dung của AEC gồm 5 yếu tố cơ bản: tự do lưu chuyển hàng hóa, tự do lưu chuyển dịch vụ, tự do lưu chuyển đầu tư, tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có
kỹ năng.

Cho đến nay, VN đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0-5% theo Hiệp định thương mại hàng hóa
ASEAN (ATICA), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. VN là một trong bốn thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC. Việc tích cực và chủ động tham gia AEC sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho VN như tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh. Tuy nhiên, VN cũng phải đối mặt với một số thách thức không nhỏ, do mức độ cạnh tranh về hàng tiêu dùng, dịch vụ, thu hút đầu tư và nguồn nhân lực sẽ ngày càng tăng cao, lợi thế cạnh tranh về sản xuất giá rẻ cũng sẽ giảm đi.

Vấn đề cần quan tâm là các DN và người lao động VN hầu như chưa sẵn sàng và chưa được chuẩn bị tốt để có thể tận dụng những cơ hội và đương đầu với những thách thức nảy sinh. Một báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 76% DN không biết gì về AEC, 94% không hiểu rõ nội dung cam kết trong AEC, 63% không hiểu về những cơ hội và thách thức trong AEC. Một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện trong năm này, khảo sát gần 700 DN tại 5 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, cũng cho thấy có tới 60% DN không hiểu về AEC. Nghiên cứu này cũng đánh giá, nếu tính theo thang điểm 10, sự chuẩn bị của DN VN với cộng đồng này là dưới 5 điểm. Còn theo số liệu của Hội DN trẻ Hà Nội, có tới 80% DN nhỏ và vừa thờ ơ, không quan tâm, không biết việc gì đang đợi họ khi AEC sắp hình thành. Gần đây, Báo Tuổi Trẻ cũng có một số bài viết về sự thờ ơ, không quan tâm đến AEC của giới sinh viên đại học, những người sắp sửa tham gia vào thị trường lao động.

AEC và các thách thức về nguồn nhân lực

Hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ giúp thị trường lao động trở nên sôi động hơn, thúc đẩy và tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tựa đề “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” vừa được công bố, AEC có thể tạo thêm được 14 triệu việc làm mới và thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng hàng năm của khu vực Đông Nam Á lên 7,1% vào năm 2025. Các tổ chức này dự báo số lượng việc làm tại VN sẽ tăng thêm khoảng 14,5% vào năm 2025.

Nghiên cứu của ILO/ADB cho thấy sự chuyển đổi cơ cấu dưới tác động của hội nhập AEC sẽ tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các trình độ kỹ năng khác nhau. Các tính toán trong dự báo cho thấy, trong giai đoạn 2010-2025, nhu cầu đối với lao động có trình độ kỹ năng ở mức trung bình sẽ tăng 28%, so với mức tăng 23% ở lao động có trình độ kỹ năng thấp và 13% cho lao động có kỹ
năng cao.

Tuy nhiên, hai tổ chức trên lưu ý rằng lợi ích từ sự gia tăng nói trên sẽ “phân bổ” không đồng đều và khoảng cách giữa người giàu và người nghèo có thể ngày càng tăng, cũng như khả năng tìm việc của phụ nữ sẽ thấp hơn nam giới. Trong khi đó, một số chuyên gia cảnh báo việc thành lập khối thị trường chung này sẽ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng, trong lúc các nước khu vực vẫn bị chỉ trích là chưa hợp tác hiệu quả. Với lực lượng lao động của toàn khối lên đến 300 triệu người, cạnh tranh về việc làm được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Số lượng việc làm của từng quốc gia có thể tăng lên nhưng chưa chắc người lao động tại chính quốc gia đó đã được hưởng nếu như họ không đáp ứng được yêu cầu của giới chủ sử dụng lao động.

Cần lưu ý là từ năm 2015, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, bao gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề)... được di chuyển tự do hơn.

Lao động kỹ năng thấp đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lao động của VN khiến VN không dễ thoát khỏi việc trở thành “đại công xưởng” gia công. Điều này đồng nghĩa VN có thể yếu thế cạnh tranh so với các đối thủ trong nội khối về lao động có trình độ kỹ năng ở mức trung bình. Lao động VN vẫn còn những điểm yếu và khoảng trống trong các kỹ năng chuyên môn liên quan đến công việc, các kỹ năng nhận thức như giải quyết vấn đề và tư duy phản biện, và các kỹ năng cốt lõi như làm việc theo nhóm và giao tiếp. Nếu chất lượng lao động, việc tuân thủ kỷ luật lao động và tác phong làm việc của người lao động không được cải thiện, VN sẽ đối mặt với nguy cơ tiếp tục làm gia công cho các nhà đầu tư nước ngoài vào VN, cạnh tranh căng thẳng với lao động nước ngoài ở mọi vị trí, trong khi các việc làm có giá trị gia tăng cao ở trong nước rơi vào tay người nước ngoài.

Gợi ý một số giải pháp

Thời gian còn lại trong lộ trình hình thành AEC còn quá ít, nếu không nói là “chạy nước rút”. Vì vậy, VN cần phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón bắt cơ hội, vượt qua thách thức, cũng như đề ra các công việc cần phải làm để có thể tự tin và tham gia một cách hiệu quả vào “sân chơi” khu vực.

Về vĩ mô, Chính phủ cần cải cách thể chế môi trường kinh doanh nói chung và thị trường lao động nói riêng, để tạo thêm việc làm và để chủ sử dụng lao động dễ tuyển dụng, người lao động dễ tiếp cận việc làm. Cần lưu ý tăng cường cơ chế hợp tác khu vực, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng việc làm, tăng cường phát triển kỹ năng nghề, nâng cao năng suất và tiền lương, và quản lý lao động di cư. Yoshiteru
Uramoto, chuyên gia về lĩnh vực lao động khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng, gần một nửa số lao động VN đang làm việc trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực có năng suất lao động, thu nhập và điều kiện lao động còn ở mức thấp. Vì vậy, nâng cao chất lượng việc làm trong ngành nông nghiệp và đa dạng hóa việc làm trong ngành sản xuất chế tạo là giải pháp then chốt để lao động VN giữ được lợi thế, mở ra nhiều cơ hội việc làm.

Một giải pháp căn cơ khác là cần đẩy mạnh các cơ sở đào tạo nghề và phát triển kỹ năng, tập trung vào đầu tư cải cách giáo trình, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với khu vực tư nhân để đảm bảo sinh viên có thể phát triển các kỹ năng cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo và DN cần chú ý tới khung tham chiếu trình độ ASEAN (ARQF) để nắm bắt các quy định về kỹ năng tay nghề, bằng cấp ở từng quốc gia khi áp dụng cho các lao động ở nước khác trong khu vực, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có thể cạnh tranh với lao động nước ngoài ngay tại VN và xuất khẩu sang các nước ASEAN.

DN VN cần phải xây dựng chiến lược về lao động để nâng cao chất lượng cũng như sức cạnh tranh nguồn nhân lực của mình. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư nguồn nhân lực đã được đào tạo, có kỹ năng nghề cao, có trình độ chuyên môn cao, việc nâng cao sức hấp dẫn hình ảnh DN là điều kiện quan trọng để đáp ứng kỳ vọng cho người đến làm việc cũng như cho quá trình xuất khẩu lao động. Các DN cũng cần lưu ý đến quy mô cũng như số lượng khi sử dụng nguồn lao động nhập cư từ bên ngoài.

Đối với người lao động và chuẩn bị tham gia lực lượng lao động, việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, cũng như cải thiện thái độ, tác phong làm việc là những nội dung cấp thiết cần quan tâm và thực hiện ngay trong quá trình đón đầu việc tự do hóa thị trường lao động ASEAN.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
AEC và thách thức về nguồn nhân lực Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO