Trong bối cảnh hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ bùng nổ mạnh mẽ, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng ngày càng quan tâm hơn đến hạ tầng logistics. Theo số liệu của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 75 trung tâm logistics tập trung tại 16/63 tỉnh, thành phố. Trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng có 26 trung tâm, chiếm gần 35% tổng số trung tâm logistics trên toàn quốc.
Với riêng Bắc Ninh, tỉnh đang có hơn 1.800 dự án FDI tính đến hết quý I với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 24 tỷ USD. Địa phương còn là nơi hội tụ nhiều khu công nghiệp lớn, là điểm dừng chân của những tập đoàn hàng đầu thế giới như Canon, Samsung, ABB hay mới đây nhất là SPX - doanh nghiệp logistics có trụ sở tại Singapore.
Trước đó, trong nội dung Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND tỉnh Bắc Ninh, địa phương cũng xác định đưa logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó vạch rõ chiến lược hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại; phát triển vận tải đa phương thức; đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics, vận tải thủy; phát triển đa dạng các trung tâm phân phối tại các đô thị lớn nhằm phục vụ thị trường bán lẻ.
Từ đây, sự xuất hiện của trung tâm chia chọn rộng 100.000 m2 của SPX được xem là “mảnh ghép” vô cùng phù hợp với chính sách lẫn định hướng của chính quyền tỉnh Bắc Ninh.
Biến lợi thế thành sức mạnh
Nằm ngay sát Quốc lộ 1A trên ranh giới giữa huyện Gia Lâm, Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chia chọn SPX sở hữu vị trí đặc biệt thuận lợi cho hoạt động logistics khi chỉ cách cửa ngõ thủ đô 16 km, cách Sân bay Nội Bài 55 km, cách cảng Hải Phòng và cửa khẩu Lạng Sơn chỉ hai tiếng di chuyển bằng đường bộ.
Đối với một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao vận như SPX, nút giao chiến lược này có thể giúp hàng hoá dễ dàng lưu thông và phân phối, vận chuyển qua nhiều tuyến vận tải khác nhau trong khu vực nội địa hoặc xuyên biên giới thông qua đường bộ hay đường hàng không. Kết hợp với công nghệ tự động hoá hiện đại, trung tâm phân loại mới sẽ giúp SPX tăng hiệu suất hoạt động, đảm bảo hàng hoá được xử lý theo tiêu chuẩn hàng đầu với thời gian hành trình nhanh nhất, qua đó hỗ trợ người bán tối ưu hoá quy trình bán hàng và nâng cao trải nghiệm của người dùng.
“Với cơ sở mới này, trước mắt, SPX hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng tại các khu vực Hà Nội, Bắc Ninh và các tỉnh thành phía Bắc, nơi đang ghi nhận nhu cầu mua sắm trực tuyến gia tăng đáng kể”, bà Nguyễn Kim Anh, Giám đốc SPX chia sẻ.
Mở ra hàng nghìn cơ hội việc làm cho lực lượng lao động địa phương
Cũng theo Giám đốc SPX, dịch vụ logistics tuy mới xuất hiện ở Bắc Ninh nhưng đã làm tốt vai trò gắn kết giữa nhà sản xuất với thị trường nhờ hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Do đó, việc đặt trung tâm phân loại hàng hóa của SPX tại đây có thể khai thác tối đa điểm mạnh của địa phương là nơi có số lượng kho bãi, dịch vụ vận chuyển thuộc top đầu cả nước cùng lợi thế về mặt địa lý nằm gần thành phố Hà Nội, cảng Hải Phòng và cơ sở hạ tầng sẵn có để tăng cường dịch vụ cũng như phát triển mạng lưới của mình.
Đặc biệt, sau khi đi vào hoạt động, trung tâm phân loại SPX sẽ mở ra cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Việc sở hữu nguồn lao động dồi dào, giàu kinh nghiệm, có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu vận hành của doanh nghiệp là một trong những yếu tố giúp Bắc Ninh lọt vào mắt xanh của những tập đoàn lớn.
Hiện các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có khoảng 294.143 lao động, trong đó lao động địa phương là 85.004 người, chiếm 28,89%. Đầu năm 2023, lãnh đạo tỉnh đã đề ra kế hoạch phấn đấu đến năm 2025 tăng tỷ lệ lao động qua đầu tạo lên 80%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45%, tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 85%; duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 2%.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành Trung tâm phân loại mới của SPX tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) vào ngày 8.9 vừa qua, ông Jaya Ratnam - Đại sứ Singapore tại Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của trung tâm phân loại mới với địa phương, đồng thời nhận định đây là ví dụ tiêu biểu cho sự gắn kết và phát triển kinh tế giữa hai quốc gia cũng như cam kết đầu tư và phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử tại Việt Nam của doanh nghiệp.
Sự đầu tư của Shopee và SPX vào logistics ở thị trường Đông Nam Á là yếu tố quan trọng để thúc đẩy thương mại điện tử số đang phát triển, giúp các quốc gia trong khu vực xích lại gần nhau hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN.