BOT từ chủ trương nhất quán đến nội lực Việt Nam

12/03/2018 14:01

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả được thành lập cách đây hơn 7 năm. Với “tuổi đời” ấy, đối với một nhà đầu tư, nhất là đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thì quả là còn rất trẻ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã có những bước đi “thần tốc” về quy mô và năng lực quản lý, điều hành, thi công… đặc biệt là đối với các dự án BOT lớn, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

(Vietnam Logistics Review) Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả được thành lập cách đây hơn 7 năm. Với “tuổi đời” ấy, đối với một nhà đầu tư, nhất là đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thì quả là còn rất trẻ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã có những bước đi “thần tốc” về quy mô và năng lực quản lý, điều hành, thi công… đặc biệt là đối với các dự án BOT lớn, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Làm nên thương hiệu từ dự án “đầu tay”

Công trình “đầu tay” và cũng là “khai sinh” thương hiệu Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả là dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả - bao gồm hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã. Đây là công trình đào xuyên núi lớn thứ hai sau hầm đường bộ Hải Vân. Nhưng với công trình này, nó mang ý nghĩa và tầm vóc lớn hơn vì, nếu như dự án hầm đường bộ Hải Vân sử dụng vốn vay của JBIC (Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản - nay là JICA) và được thiết kế, thi công bởi các liên danh nhà thầu trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, thì với dự án hầm đường bộ Đèo Cả, toàn bộ các khâu từ khảo sát, thiết kế, thi công và nguồn vốn đều do doanh nghiệp trong nước đảm trách.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm công trình hầm đường bộ Đèo Cả ngày 03.5.201

Trong một cuộc tiếp xúc với các nhà chuyên môn ngành giao thông và báo chí mới đây, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng – người ký phê chuẩn dự án hầm đường bộ Đèo Cả lúc đương nhiệm cho biết, khi tiếp nhận hồ sơ của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả xin nhận thực hiện dự án hầm đường bộ Đèo Cả, ông hoàn toàn không tin tưởng vào năng lực của doanh nghiệp này, bởi họ còn quá non trẻ và tại thời điểm đó, chưa có một nhà đầu tư trong nước nào dám đứng ra nhận lãnh một dự án có tầm quốc tế về quy mô lẫn yêu cầu kỹ thuật và công nghệ hiện đại như vậy. Tuy nhiên, trước các giải trình về phương án khảo sát, thi công và nguồn vốn, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã thuyết phục được Bộ trưởng và cả ban lãnh đạo Bộ GTVT lúc bấy giờ… Đến khi dự án về đích trước thời hạn 4 tháng, rút ngắn đường hầm từ 5,7km xuống còn 4,3km, tiết kiệm hơn 4.000 tỷ đồng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng tốt như vậy quả là một kỳ tích, thành công lớn không chỉ với Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả mà còn với ngành GTVT của chúng ta.

Cũng trong một lần đến thăm CBCNV trên công trình hầm đường bộ Đèo Cả vào đầu năm dương lịch 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định về niềm tự hào, tin tưởng của Đảng, Chính phủ đối với dự án này. “Đây là công trình lớn và có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội khi lần đầu tiên do doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động nghiên cứu ứng dụng và làm chủ công nghệ thi công đường hầm, đạt các tiêu chí kỹ thuật và chất lượng quốc tế”, Thủ tướng nói.

Từ Đèo Cả, Cù Mông… đến Hải Vân

Với những gì được thể hiện và minh chứng ở dự án hầm đường bộ Đèo Cả, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả được Bộ GTVT giao tiếp các dự án như hầm đường bộ Cù Mông (tổng mức đầu tư 4.627 tỷ đồng), dự án hầm đường bộ Hải Vân (tổng mức đầu tư 8.516 tỷ đồng). Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, tính đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn thành giai đoạn 1 gồm: nâng cấp sửa chữa hầm Hải Vân hiện hữu và cải tạo, sửa chữa 25km QL1 qua đèo Hải Vân; giai đoạn 2 mở rộng hầm Hải Vân 2 đã thi công hơn 2.000m trên tổng số 6.280m chiều dài. Theo nhận định của ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, dự kiến dự án sẽ về đích vào tháng 12.2020. Cơ sở để chúng ta có thể nhận thấy và đánh giá được năng lực của nhà đầu tư qua các con số khá ấn tượng, từ ngày 01.01.2016 đến nay, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã chi ra gần 300 tỷ đồng cho việc quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt cho hơn 6,2 triệu lượt xe qua hầm; xử lý cứu hộ 939 xe các loại trong hầm; cứu hộ hiệu quả 5 vụ cháy xe và 33 vụ tai nạn giao thông trong hầm mà trước đó, kinh phí cho công tác này do ngân sách Nhà nước chi trả.

Riêng đối với dự án hầm đường bộ Cù Mông, hiện nay tất cả các gói thầu đã được triển khai đồng loạt; tuyến hầm đã được đào thông vào ngày 16.01.2018. Dự kiến sẽ hoàn thành công trình đưa vào khai thác trong tháng 12.2018, vượt tiến độ 3 tháng.

Các kỹ sư, công nhân thi công tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả

… và câu chuyện “giải cứu”, cùng những trăn trở

Không những lớn mạnh trên những dự án hầm đường bộ, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả còn được Bộ GTVT tin tưởng giao “giải cứu” dự án BOT cao tốc Bắc Giang – TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500 (dài 64km), kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 (dài 105km) có tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng. Dự án này chính thức khởi công vào tháng 7.2015, sau hơn 2 năm triển khai, dự án rơi vào tình trạng bế tắc, vỡ tiến độ do năng lực tài chính và quản lý yếu kém của các nhà đầu tư. Ngày 15.3.2017, Bộ GTVT ra văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư, trong thế “tiến thoái lưỡng nan” do sự đình trệ này đã ảnh hưởng xấu đến bức tranh chung về kinh tế - xã hội địa phương nơi dự án đi qua và ảnh hưởng tới các nhà thầu vì họ đã ứng vốn trước để thực hiện dự án.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ GTVT kêu gọi Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả “giải cứu” dự án. Ngay sau đó, Công ty Đèo Cả đã quyết định mua lại Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC (đơn vị đứng đầu liên danh các nhà đầu tư cũ) để đáp ứng năng lực tài chính và đảm bảo tuân thủ các quy định, thủ tục pháp lý. Đồng thời “chiêu nạp” thêm các cổ đông chiến lược như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hải Thạch, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hải Thạch, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cầu đường Sài Gòn, Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO). Từ bước đi này, liên danh nhà đầu tư cùng với doanh nghiệp dự án BOT Bắc Giang – TP. Lạng Sơn đã chỉ đạo các nhà thầu hoàn thành thi công hợp phần tăng cường 105km trên QL1 vào tháng 11.2017. Công tác giải ngân cho hợp phần này đến nay đạt gần 90%. Riêng hợp phần cao tốc đoạn Km45+100 - Km108+500 đang thi công trên toàn tuyến. Theo báo cáo của Công ty Đèo Cả thì khối lượng hạng mục đào, đắp tại đây đã đạt 45% và thi công được 20 trên tổng số 31 cầu.

Mạnh dạn kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương của Đảng và Nhà nước, mô hình này cũng đã cho thấy tính hữu dụng và hiệu quả thông qua các dự án, công trình giao thông đã hoàn thành đi vào vận hành, đóng góp tích cực cho kinh tế – xã hội của quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh tính đúng đắn của chủ trương, thông qua quá trình triển khai trong thực tiễn, nhà đầu tư – doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, bất cập và đang rất cần được các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, đặc biệt là Bộ GTVT quan tâm giải quyết những “nút thắt” làm phương hại, thiệt hại cho nhà đầu tư. Đơn cử một ví dụ, vấn đề xác định lại lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm hầm Đèo Cả từ khi bắt đầu thu phí tới nay và kiểm đếm lại doanh thu đã thu để làm cơ sở cho việc điều chỉnh phương án tài chính. Cũng theo tâm sự của Ban lãnh đạo nhà đầu tư, thực tế lưu lượng dòng xe qua hầm Đèo Cả thấp hơn so với dự báo, dẫn đến tình trạng doanh thu chỉ đạt 48% so với dự kiến. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác đầu tư theo phương thức BOT đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả nói riêng và các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông nói chung.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang nghe Chủ tịch HĐQT/ Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả - Hồ Minh Hoàng báo cáo tổng quan về dự án ngày 18.01.2018 tại hầm đường bộ Đèo Cả

Quả thật, nếu không trực tiếp tiếp xúc với những người có trách nhiệm, tiếp cận hình ảnh và số liệu từ hệ thống Đèo Cả thì chúng tôi cũng không thể hình dung ra được bằng thuật toán nào mà một doanh nghiệp “trẻ” có chưa đầy một thập kỷ hình thành – mà Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã nhận lãnh và thực thi thành công những dự án trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế như vậy. Phải chăng bởi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, đây là câu nói nổi tiếng của danh sĩ Thân Nhân Trung mà người dẫn đạo trẻ của hệ thống Đèo Cả - Hồ Minh Hoàng rất tâm đắc, thấm nhuần và vận dụng sáng tạo thành công ở doanh nghiệp mình.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
BOT từ chủ trương nhất quán đến nội lực Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO