Cán cân thương mại 7 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD

Thương trường|11/08/2020 10:03

(VLR) Dịch COVID-19 ngày càng lan nhanh trên thế giới, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 ước tính đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%

Xuất khẩu tăng trong 7 tháng đầu năm 2020

Xuất khẩu tăng trong 7 tháng đầu năm 2020

Khu vực kinh tế trong nước là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 7 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 50,76 tỷ USD, tăng cao 13,5%; nhập khẩu đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 6/2020 đạt 22.565 triệu USD, cao hơn 1.565 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện cao hơn 448 triệu USD; hàng dệt may cao hơn 402 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 197 triệu USD; sắt thép cao hơn 137 triệu USD; đá quý, kim loại quý và sản phẩm cao hơn 108 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao hơn 107 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2020 tăng nhẹ 0,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,9%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,76 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,03 tỷ USD (chiếm 65,2% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 5,7%.

Trong 7 tháng có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Điện thoại và linh kiện đạt 25,7 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,1 tỷ USD, tăng 24,3%; hàng dệt may đạt 16,2 tỷ USD, giảm 12,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,4 tỷ USD, tăng 27,1%; giày dép đạt 9,5 tỷ USD, giảm 7,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,4 tỷ USD, giảm 12,3%; thủy sản đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6,4%; sắt thép đạt 2,5 tỷ USD, giảm 2,7%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của đa số các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước: Rau quả đạt 2 tỷ USD, giảm 12,3%; cà phê đạt 1,8 tỷ USD, giảm 0,5% (lượng giảm 0,1%); hạt điều đạt 1,7 tỷ USD, giảm 4% (lượng tăng 10,4%); cao su đạt 855 triệu USD, giảm 20,3% (lượng giảm 15,1%); hạt tiêu đạt 405 triệu USD, giảm 20,6% (lượng giảm 6,5%). Duy nhất sản phẩm gạo đạt 1,9 tỷ USD, tăng 10,9% (lượng giảm 1,4%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 76,5 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 52,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 53,3 tỷ USD, giảm 1,6% và chiếm 36,6% (giảm 0,7 điểm phần trăm). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 11,6 tỷ USD, giảm 3,7% và chiếm 8% (giảm 0,3 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6,4% và chiếm 3% (giảm 0,2 điểm phần trăm).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4%. Thị trường EU đạt 19,5 tỷ USD, giảm 5,9%. Thị trường ASEAN đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,4%. Nhật Bản đạt 10,9 tỷ USD, giảm 5%. Hàn Quốc đạt 10,7 tỷ USD, giảm 0,4%.

Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 6/2020 đạt 20.713 triệu USD, cao hơn 213 triệu USD so với số ước tính, trong đó thức ăn gia súc cao hơn 160 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 137 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 62 triệu USD.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,8 tỷ USD, tăng 6,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 7/2020 ước tính giảm 2,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 8,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10,9%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 77,47 tỷ USD, giảm 6,2%.

Trong 7 tháng có 25 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,6% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,6 tỷ USD (chiếm 23,4% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 19,9 tỷ USD, giảm 4%; điện thoại và linh kiện đạt 7,1 tỷ USD, giảm 2,4%; vải đạt 6,6 tỷ USD, giảm 14,9%; sắt thép đạt 4,8 tỷ USD, giảm 14,1%; chất dẻo đạt 4,6 tỷ USD, giảm 12,4%; sản phẩm chất dẻo đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,8%; kim loại thường đạt 3,2 tỷ USD, giảm 12,8%; sản phẩm hóa chất đạt 3,1 tỷ USD, tăng 2,8%; ô tô đạt 2,9 tỷ USD, giảm 32,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,9 tỷ USD, giảm 15,5%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 7 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 130,25 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 9,08 tỷ USD, giảm 7,3% và chiếm 6,5%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 7 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 41,6 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 24,3 tỷ USD, giảm 9,2%; ASEAN đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,3%; Nhật Bản đạt 11,2 tỷ USD, tăng 5,1%; Hoa Kỳ đạt 8,3 tỷ USD, tăng 2,5%; EU đạt 8,3 tỷ USD, tăng 6%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 6/2020 xuất siêu 1,9 tỷ USD; 6 tháng xuất siêu 5,5 tỷ USD; tháng Bảy ước tính xuất siêu 1 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 17,6 tỷ USD.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cán cân thương mại 7 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO